Thứ bảy, 20/04/2024 05:21 (GMT+7)

Bộ GTVT “chốt” phương án xử lý cho BOT Cai Lậy

MTĐT -  Thứ tư, 26/02/2020 15:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ GTVT chọn phương án đầu tư thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới tình trạng thu phí 2 lần đối với các phương tiện.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa thống nhất phương án tổ chức thu phí dự án BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).

Theo đó, Bộ GTVT thống nhất xây thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy, thu phí song song với trạm BOT cũ đặt trên quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang (dự án BOT Cai Lậy). Việc xây thêm trạm thu phí được giao cho nhà đầu tư thực hiện.

Về phương án tài chính của dự án, Bộ GTVT cho biết trước mắt triển khai thu phí và theo dõi doanh thu từng năm để có cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo phương án tài chính của dự án.

Bộ GTVT thống nhất chọn phương án xây thêm một trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí song song trạm thu phí trên QL1 để hoàn vốn cho dự án.

Đồng thời, Bộ GTVT giao Vụ Đối tác công tư (PPP) tham mưu Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án thu phí đối với dự án BOT Cai Lậy; tham mưu Bộ GTVT có văn bản triển khai phương án tổ chức thu phí đối với dự án.

Như vậy, trong chỉ đạo lần này, Bộ GTVT chưa đề cập đến phương án giảm mức phí tại trạm BOT cũ khi trạm mới đi vào hoạt động mà trước mắt Bộ GTVT chỉ đạo triển khai thu phí và theo dõi doanh thu qua từng năm để có cơ sở điều chỉnh.

Lịch sử liệu có lặp lại?

Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Xuân Trường, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Đồng Tháp tỏ ra băn khoăn về phương án này: "Trạm thu phí mới sẽ đặt trên tuyến tránh Cai Lậy, trạm cũ hiện tại thì đang đặt trên tuyến QL1 về hướng Đồng Tháp. Chính vì thế, khi xe di chuyển từ hướng TP. HCM đi Đồng Tháp sẽ phải đi qua cả trạm thu phí đặt trên QL1 và tuyến tránh Cai Lậy. Vậy phương án thu phí với các loại xe này như thế nào?

Ngược lại, với những xe đi hướng TP.HCM về Đồng Tháp, nếu xe nhỏ thì sẽ có 2 lựa chọn, một là di chuyển trên QL1 hoặc đi tuyến tránh. Nếu đi trên tuyến QL1 thì sẽ chỉ qua một trạm thu phí nhưng làm cách nào để xác định xe đó không đi trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí cho công bằng?".

Ông Trường đặc biệt quan tâm hơn khi trong bối cảnh gần đây cơ quan chức năng quyết định cấm xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 chỗ ngồi trở lên không được lưu thông qua Thị xã Cai Lậy trên đường QL1 mà buộc phải đi qua tuyến tránh.

"Điều này cho thấy, sẽ có rất nhiều xe trong thời gian tới phải đi qua 2 trạm thu phí khi lưu thông trên tuyến đường. Nếu không dảm bảo phương án thu phí minh bạch, công bằng thì rất có thể trạm BOT Cai Lậy sẽ lại xảy ra lộn xộn một lần nữa" - ông Trường nhận định.

Trong khi đó, TS Trần Văn Thông - chuyên gia giao thông cho rằng, việc đặt thêm trạm thu phí tại tuyến tránh Cai Lậy sẽ không hợp lý và vô hình tạo ra cảm giác "tận thu" cho người dân.

"Theo chủ trương thì các trạm BOT phải đặt cách nhau ít nhất 70km. Tuy nhiên, phương án làm thêm trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ dẫn đến tình cảnh chỉ khoảng 5 - 7km đường nhưng có 2 trạm thu phí khác nhau. Ngoài việc tạo cảm giác tận thu thì còn khiến cho thời gian vận chuyển gặp nhiều khó khăn" - ông Thông bày tỏ.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, mỗi ngày đêm có khoảng 20.000 lượt xe qua Thị xã Cai Lậy, ông Thông cho rằng, việc đặt trạm thu phí cạnh nhau như phương án mà Bộ GTVT lựa chọn có thể xảy ra tình trạng ùn tắc ngay trên đoạn giao giữa tuyến tránh Cai Lậy và QL1. Từ đó, làm giảm hiệu quả phát triển kinh tế.

Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 1 qua TX.Cai Lậy có chiều dài 38,5km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỷ đồng, gồm hai hợp phần.

Hợp phần 1 - Cải tạo, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến.

Hợp phần 2 - Xây dựng tuyến tránh TX Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 7 cầu trên tuyến. Vị trí trạm thu phí hoàn vốn trên QL1 đặt tại khoảng Km1999+900, QL1 nằm trong phạm vi dự án.

Từ khi trạm đi vào hoạt động ngày 1/8/2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé, tụ tập đông người gây ùn tắc, mất an ninh trật tự khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Đến ngày 14/8/2017, nhà đầu tư đã tạm dừng thu phí.

Để xử lý các vấn đề tại trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất phương án xử lý miễn giảm phí (giảm 30% toàn bộ phương tiện và miễn 50- 100% cho 4 xã lân cận).

Ngày 30/11/2017, trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại, tuy nhiên tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp do sự phản ứng của nhiều tài xế. Từ ngày 4/12/ 2017, dự án BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí đến nay.

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT “chốt” phương án xử lý cho BOT Cai Lậy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...