Thứ năm, 25/04/2024 08:14 (GMT+7)

Bộ GTVT thừa nhận từng giao đất sai cho “con đẻ” – ACV? (Bài 2)

Văn Chương -  Thứ sáu, 29/03/2019 14:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thanh tra Chính phủ từng kết luận việc ACV nhận bàn giao 7,63 ha đất quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng sân đỗ máy bay mà không có sự tham gia của UBND TP HCM là vi phạm quy định của Luật Đất đai.

Bộ GTVT giao đất sai cho “con đẻ”

Ngày 28/3, tại buổi họp báo Quý I/2019 của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT). Vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được các phóng viên quan tâm nhiều nhất. Bởi thời gian gần đây, Bộ GTVT dính phải “lùm xùm” ưu ái cho Tổng công ty Cảng hàng không ACV thực hiện dự án này.

Phải nói thêm, ngày 5/1/2018, tại văn bản số 27/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh rằng việc ACV nhận bàn giao 7,63 ha đất quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng sân đỗ máy bay mà không có sự tham gia của UBND TP HCM là vi phạm quy định của Luật Đất đai.

ACV từng được Bộ GTVT giao đất sai. 

Tại buổi họp báo hôm qua, ông Trần Minh Phương, Vụ phó Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) thừa nhận điều đó. Ông Phương nói rằng việc việc giao đất cho ACV thực hiện chưa đúng và còn nhiều tồn tại.

Và mới đây, Bộ GTVT đã tiếp tục đề xuất cho ACV thực hiện việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, xây nhà ga T3. Nếu đề xuất phương án của Bộ GTVT được Chính phủ phê duyệt, để thực hiện điều này, ACV sẽ được giao 16,37 ha đất. Bộ GTVT sẽ giao đất cho ACV như thế nào?

Về vấn đề này, ông Trần Minh Phương nói rằng: “Chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng giao đất lại cho UBND TP.HCM, sau đó mới giao lại cho Cảng vụ hàng không Miền Nam, thuộc Bộ GTVT và sau này giao cho ACV”. Tuy nhiên, với quy trình này thì việc giao đất vẫn chưa thể thực hiện được. Bởi nên nhớ, ACV sau cổ phần đã có bóng dáng của yếu tố nước ngoài.

Theo đó, sau cổ phần, ACV hiện nắm 95,4% cổ phần nhà nước và 4,6% là cổ phần nước ngoài. Theo lộ trình, chỉ 2 năm tới (tức là năm 2020), ACV sẽ tiếp tục thoái vốn tới 30% cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, như vậy, nhà đầu tư tư nhân sẽ chiếm tới 1.300 tỷ đồng tại ACV.

Các chuyên gia cho rằng, quy trình mà ông Trần Minh Phương đưa ra để giao đất quốc phòng tại sân bay Tân Sơn Nhất cho ACV không khả thi. Bởi Điều 50 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, nếu 16,37 ha đất quốc phòng ở vị trí dự kiến xây nhà ga hành khách T3 dù Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND TP HCM, nhưng sau đó, TP. HCM buộc phải đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư. Với nhiều nhà đầu tư tư nhân đang muốn đầu tư vào việc mở rộng Tân Sơn Nhất, liệu ACV có “cửa” để trúng thầu?

Tầm nhìn trong quy hoạch của ACV có vấn đề?

Trong kết luận của Thanh tra Bộ GTVT vừa có kết luận thanh tra trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý giai đoạn từ 3/2012 đến 12/2016 khẳng định ACV còn thể hiện sự hạn chế trong quy hoạch. Theo đó, một số dự án vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp mở rộng như dự án kéo dài, nâng cấp đường CHC, đường lăn và sân đậu sân bay Pleiku (Gia Lai).

Việc này cho thấy tầm nhìn của ACV quá hạn chế. Và mới đây, có lẽ “tầm nhìn hạn chế” của ACV còn được thể hiện ngay tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại sân bay Tân Sơn Nhất.  Cụ thể hơn, Công ty Tư vấn ADP-I của Pháp đề xuất xây dựng thêm một nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích sàn 200.000 m2, để có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm ở phía nam, tức phía nhà ga hiện hữu. Phương án này của ADP-I đã được Thủ tướng đồng ý. Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi của ACV trình Bộ Giao thông Vận tải chỉ đề xuất xây dựng công trình trên với công suất thiết kế 20 triệu khách mỗi năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2 (nhỏ hơn 100.000m2 so với phương án của ADP-I).

Tại sân bay Pleiku, ACV từng thể hiện tầm nhìn hạn chế.

Nếu giao cho ACV thực hiện mở rộng Tân Sơn Nhất liệu có giống như dự án mà Tổng công ty này đã “gây ra” ở sân bay Pleiku, vừa đầu tư xây dựng đã phải nâng cấp mở rộng.

Một vấn đề thể hiện tầm nhìn của ACV có vấn đề đó là công tác quy hoạch các cảng hàng không do ACV quản lý chưa dự báo sát tốc độ tăng trưởng lưu lượng hành khách, hàng hoá. Vấn đề này dẫn đến một số cảng bị quá tải, một số cảng chưa đạt công suất. Ngoài ra, các nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế khai thác, dẫn đến phải điều chỉnh một số cảng, điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Bộ GTVT có ‘đánh tráo khái niệm’ báo cáo xây dựng nhà ga T3? (Bài3)

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT thừa nhận từng giao đất sai cho “con đẻ” – ACV? (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành