Thứ sáu, 29/03/2024 13:19 (GMT+7)

Bộ trưởng GTVT: Cần chế tài đủ răn đe hành vi uống rượu bia lái xe

MTĐT -  Thứ bảy, 04/05/2019 09:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia tại buổi Giao ban công tác của Bộ GTVT chiều 3/5.

Báo cáo tại buổi làm việc về công tác đảm bảo TTATGT trong 5 ngày nghỉ Lễ 30/4-1/5 vừa qua, Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT QG Nguyễn Trọng Thái cho biết, lực lượng CSGT đường bộ cả nước đã xử lý 11.968 trường hợp vi phạm; phạt tiền 15,262 tỷ đồng; tạm giữ 138 ô tô, 2.288 mô tô và 2.274 giấy tờ các loại. Riêng ngày 1/5/2019, lực lượng CSGT đường bộ cả nước xử lý 2.512 trường hợp vi phạm, phạt tiền 2,564 tỷ đồng, tạm giữ 27 ô tô, 442 mô tô và 423 giấy tờ các loại.

Theo Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT QG Nguyễn Trọng Thái, mặc dù cùng dịp nghỉ lễ 30/4 thì TNGT năm nay giảm nhẹ so với năm 2018, tuy nhiên nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra, trong đó, xảy ra 01 vụ do lái xe có nồng độ cồn cao trong máu khi điều khiển ô tô gây tai nạn chết người.

Thường xuyên kiểm tra, xử phạt người có biểu hiện sử dụng rượu bia khi lái xe là biện pháp tốt để tạo sức răn đe.

Ông Nguyễn Trọng Thái dẫn chứng, hồi 0h10p ngày 1/5/2019, tại Hà Nội xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng. Xe ô tô biển kiểm soát 30F-154.78 đi trong đường hầm Kim Liên hướng Đại Cồ Việt đến khu vực cột đèn KL3/2 xảy ra va chạm với xe máy, ô tô bỏ chạy tới ngã 3 Đại Cồ Việt – Tạ Quang Bửu thì bị tổ Y4, 141 giữ lại. Vụ tai nạn đã làm chị Trần Thị Quỳnh và Đinh Thị Hải Yến tử vong tại chỗ. Tại thời điểm kiểm tra nồng độ cồn đo được của lái xe ô tô là 0,751mg/1L khí thở.

Trước đó, ngày 22/4, trên đường Láng (Hà Nội), lái xe cũng có nồng độ cồn cao trong máu đã gây tai nạn liên hoàn, làm chết một nữ công nhân môi trường.

Trung tuần tháng 4/2019, cũng xảy ra vụ việc tài xế uống rượu bia đã đâm vào đoàn người đang đi đưa tang làm 10 người thương vong tại TP.Quy Nhơn...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc.

“Các vụ việc này đang gây bức xúc lớn cho dư luận xã hội. Trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đang có chiến dịch phản đối ý thức của những lái xe ô tô sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện, gây hậu quả lớn cho người tham gia giao thông và xã hội”, ông Nguyễn Trọng Thái nhấn mạnh.

Chỉ đạo về công tác đảm bảo TTATGT nói chung và vấn nạn lái xe sử dụng rượu bia, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông, coi thường tính mạng người khác, gây t hiệt hại cho người và phương tiện tham gia giao thông, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT QG Nguyễn Văn Thể khẳng định đây là những hành vi không thể chấp nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải có tham mưu để nâng cao chế tài xử phạt hành vi uống rượu khi lái xe.

“Với vai trò là cơ quan quản lý ngành về giao thông, cơ quan thường trực về công tác đảm bảo TTATGT, yêu cầu Văn phòng Uỷ ban ATGT và các cơ quan của Bộ phải có ngay các văn bản tham mưu với lãnh đạo Bộ, với Thường trực Uỷ ban ATGT QG cũng như Chính phủ chế tài đủ sức răn đe những hành vi coi thường tính mạng người khác, gây hậu quả lớn cho xã hội. Sử dụng rượu bia khi lái xe phải được coi như tội ác, cần xử phạt thích đáng”, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT QG Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng đề nghị ngoài việc phối hợp với các cơ quan chức năng khác tuần tra, mở đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn của lái xe tại các doanh nghiệp vận tải cũng như lái xe cá nhân có biểu hiện sử dụng rượu bia khi lái xe để xử phạt, răn đe thì cần nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Ông Hùng cũng đề nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN khuyến khích chủ xe mỗi khi tới kỳ đăng kiểm dán logo, decal miễn phí lên xe, nội dung thông điệp là nhắc nhở người điều khiển phương tiện không được sử dụng rượu bia khi lái xe…

Trước đó, Bộ trưởng  Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-BGTVT ngày 2/5/2019 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, trên toàn quốc đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong xã hội; nguyên nhân ban đầu của một số vụ tai nạn giao thông cho thấy có tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia dẫn đến trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị: không được sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác trong thời gian làm nhiệm vụ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là không sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Hàng chục nghìn người sử dụng các mạng xã hội lan toả thông điệp phản đối hành vi lái xe sau khi uống rượu bia.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân về tác hại của việc sử dụng rượu, bia, chất có cồn khi tham gia giao thông; quy định về xử phạt, xử lý vi phạm đối với người sử dụng rượu, bia, chất có cồn khi thực hiện nhiệm vụ và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Xây dựng nội dung tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị và khu vực sinh sống của người dân; trong đó cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Giao thông vận tải tăng cường khai thác, sử dụng các trang mạng xã hội (như: facebook, zalo, viber...) với các logo (biểu trưng) sinh động để thực hiện tuyên truyền đến người thân, người dân về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ An toàn giao thông và các đơn vị có liên quan: trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông; đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Công chức thanh tra giao thông, Thanh tra giao thông của Sở Giao thông vận tải: - Tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện trước khi xuất bến tại các bến xe, đầu nguồn hàng; xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Bộ GTVT đề nghị Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong ngành Giao thông vận tải: vận động đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Chỉ thị này; đồng thời, triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đoàn viên, người lao động trong toàn ngành về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ và khi tham gia giao thông.

Đồng thời đề nghị Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẩn trương phối hợp với các đơn vị là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phòng chống và xử lý vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ năm 2019 và kỳ cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ Hội Xuân năm 2020 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình Lãnh đạo Ủy ban ký ban hành. Vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp tài liệu (video clip, tờ rơi, thông điệp…) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia – Không lái xe” cho các cơ quan, đơn vị thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ, cảnh báo nguy cơ tai nạn và hậu quả tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn gây nên.

Liên quan đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Hầm Kim Liên làm chị Trần Thị Quỳnh và Đinh Thị Hải Yến tử vong, nhóm Cựu học sinh phổ thông trung học niên khoá 1991-1994 gồm hơn 10 nghìn người tại Hà Nội mà chị Quỳnh và Yến là thành viên đã phát động phong trào gắn logo trên facebook với thông điệp “91-94 Hà Nội không uống rượu bia khi lái xe”, “Uống rượu bia khi lái xe là tội ác”…

Để lan toả mạnh mẽ những thông điệp này, sáng nay (3/5), Báo Giao thông (Cơ quan ngôn luận của Bộ GTVT) cũng tổ chức buổi Toạ đàm với chủ đề “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông?” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các cơ quan truyền thông.

Đây là những thông điệp và hành động mang ý nghĩa đẹp, góp phần nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện để giảm TNGT và những hậu quả đang tiếc cho xã hội.

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng GTVT: Cần chế tài đủ răn đe hành vi uống rượu bia lái xe. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới