Thứ năm, 28/03/2024 18:49 (GMT+7)

Các nước trên thế giới phạt nồng độ cồn như thế nào?

MTĐT -  Thứ ba, 07/01/2020 16:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ tại Việt Nam, mà ở các quốc gia khác trên thế giới cũng áp dụng nhiều hình phạt nghiêm khắc để ngăn chặn tình trạng say xỉn khi tham gia giao thông.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (ô tô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người.

Tại Khoản 6 Điều 5 của Luật này nêu rõ, nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đó, nâng mức phạt người uống rượu bia lái xe lên rất cao. Cả mức phạt tiền cao nhất đối với ôtô và xe máy và hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe nâng lên rất nhiều so với trước đây.

Từ khi có hiệu kực đến nay, lực lượng CSGT trên cả nước đã xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm. Những ngày qua lực lượng CSGT ra quân xử phạt nhưng rất nhiều người ngạc nhiên trước mức phạt mới.

Lực lượng CSGT trên cả nước đã xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Nhiều người cho rằng, mức phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn tại nghị định 100 so với trước được nâng lên rất nhiều. Việc tăng mức phạt với vi phạm nồng độ cồn đối với người đi xe máy và ôtô là cần thiết. Bởi đây là hai loại phương tiện chủ yếu gây ra tai nạn giao thông. Ngoài ra nghị định cũng bổ sung xử phạt cả trường hợp lái xe đạp uống rượu bia. Với mức phạt cao sẽ có nhiều ý nghĩa trong việc kéo giảm, ngăn chặn tai nạn giao thông do bia rượu trong thời gian tới.

Đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg /1l khí thở.

Theo quy định mới, người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn dù chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg /1l khí thở, vẫn bị xử phạt.

Một số quốc gia khác trên thế giới cũng áp dụng nhiều hình phạt nghiêm khắc để ngăn chặn tình trạng say xỉn khi tham gia giao thông.

Anh

Ở Anh, nếu một người bị kết tội lái xe khi uống rượu, họ có thể bị phạt, cấm lái xe hoặc thậm chí bị tù. Những hình phạt này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Cụ thể, bị kết tội lái xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.35mg/1 lít khí thở có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 6 tháng, nộp phạt 2.500 bảng Anh hoặc cấm lái xe ít nhất 1 năm. Người từ chối cung cấp mẫu máu, hơi thở hoặc nước tiểu để đo nồng độ cồn có thể bị tù 6 tháng, bị phạt tiền hoặc cấm lái xe ít nhất 1 năm.

Gây tử vong khi lái xe bất cẩn do uống rượu bia được coi là vi phạm nghiêm trọng và có thể bị phạt tù 14 năm, phạt tiền, cấm lái xe ít nhất 2 năm.

Australia

Từ ngày 20/5/2019, bang New South Wales của Australia áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn đối với vi phạm lái xe có nồng độ cồn ở mức độ thấp. Sự thay đổi này là một phần trong những cải cách của Kế hoạch An toàn Đường bộ năm 2021 nhằm giảm thương vong liên quan đến rượu và ma túy trên đường ở New South Wales.

Theo đó, các vi phạm như nồng độ cồn từ 0.15 mg/1 lít khí thở trở lên, từ chối đo khí thở, xét nghiệm máu hoặc nồng độ cồn trong máu sẽ bị phạt 3.300 đô la Australia nếu vi phạm lần đầu, phạt 5.500 đô la nếu vi phạm từ lần 2 trở đi, phạt tù từ 18 tháng đến 2 năm, tước bằng lái từ 1-2 năm.

Với các tài xế có nồng độ cồn từ 0.08 đến dưới 0.15 mg/1 lít khí thở chịu mức phạt từ 2.200 đến 3.300 đô la, phạt tù từ 9 tháng đến 12 tháng, tước bằng lái từ 6 tháng đến 12 tháng.

Các tài xế có nồng độ cồn từ 0.05 đến dưới 0.08 mg/1 lít khí thở chịu mức phạt 572 đô la, tước bằng lái từ 3-6 tháng, không có hình phạt tù.

New Zealand

Nếu bạn 20 tuổi trở lên, bạn không được lái xe, hoặc cố lái xe, nếu nồng độ cồn trong hơi thở hơn 0.25 mg/1 lít, hoặc nồng độ cồn trong máu hơn 50 mg/100 ml.

Có hai mức phạt, tùy thuộc vào mức độ vượt quá giới hạn.

Nếu nồng độ cồn trong hơi thở từ 0.25 đến 0.4mg hoặc nếu nồng độ cồn trong máu từ 50 đến 80 mg, bạn có thể nhận thông báo vi phạm tại chỗ 200 đô la New Zealand.

Nếu nồng độ cồn trong hơi thở hơn 0.4mg hoặc nồng độ cồn trong máu hơn 80 mg, bạn có thể bị truy tố ra tòa và nếu bị kết án, có thể bị bỏ tù lên đến 3 tháng hoặc bị phạt tới 4.500 đôla, tước bằng lái ít nhất 6 tháng.

Mỹ

Chính phủ Mỹ giới hạn nồng độ cồn trong máu cho phép với người từ 21 tuổi trở lên là 80 mg/100 ml. Trong khi đó, với những người dưới 21 tuổi, nồng độ cồn trong máu cho phép sẽ dao động ở mức dưới 20 mg/100 ml hoặc bằng 0 (tức là người dưới 21 tuổi không được phép uống rượu bia rồi lái xe), tùy theo quy định của các bang.

Tiền phạt, đình chỉ giấy phép lái xe và án tù có thể được áp dụng tùy vào tần suất của hành vi phạm tội. Ví dụ, tại bang Washington, tài xế có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép, nếu vi phạm lần đầu, sẽ có thể bị phạt tù một năm và phạt tiền từ 350 USD tới 5.000 USD, theo trang Edgar Snyder.

Tài xế nếu phạm tội lần 2 trong vòng 7 năm kể từ lần vi phạm đầu tiên có thể bị phạt tù một năm và 2 tháng quản thúc tại gia. Mức phạt tiền sẽ tăng từ 500 USD tới 5.000 USD.

Nếu tái phạm lần 3, người vi phạm có thể phải ngồi tù từ 3 tháng đến một năm và 120 ngày quản thúc tại gia. Mức tiền phạt sẽ tăng từ 1.500 USD đến 5.000 USD.

Đặc biệt, nếu 5 lần vi phạm chỉ trong vòng 10 năm, tài xế có thể phải ngồi tù tới 8 năm và bị phạt khoản tiền lên tới 10.000 USD.

Nga

tháng 5/2019, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự luật về tăng cường hình phạt đối với lái xe sử dụng rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng, Tass đưa tin.

Theo dự luật mới, nồng độ cồn trong máu cho phép là 0,3g trên mỗi lít máu, The Moscow Times cho hay. Tài xế bị phát hiện say xỉn sẽ bị phạt 475 USD và tịch thu bằng tới 2 năm.

Nếu gây tai nạn giao thông trong tình trạng say xỉn, nồng độ cồn vượt mức cho phép và hậu quả vụ va chạm khiến người khác bị thương hoặc tử vong, tài xế có thể phải đối mặt với án tù cao nhất là 15 năm. Các mức phạt nặng sẽ được áp dụng nếu vụ tai nạn khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Trước đó, mức xử phạt cao nhất chỉ là 9 năm tù.

Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất tăng hình phạt với các hành vi phạm tội tương tự trong tình trạng say rượu ở đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và tàu điện ngầm.

Trung Quốc

Tại Trung Quốc, giới hạn nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông là dưới 80 mg/100 ml máu. Tài xế bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80 mg/100 ml trở lên sẽ bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe và trong 5 năm sau đó không được cấp bằng trở lại. Nếu say rượu gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, tài xế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tước bằng vĩnh viễn.

Hàn Quốc

Hàn Quốc, theo luật giao thông sửa đổi có hiệu lực từ tháng 6/2019, nếu phát hiện tài xế với nồng độ cồn vượt mức 30 mg/100 ml máu (quy định trước đó là 50 mg/100 ml), tài xế sẽ bị đình chỉ bằng lái. Người vi phạm sẽ bị thu giữ bằng lái nếu bị phát hiện nồng độ cồn trong máu vượt mức 80 mg/100 ml máu (quy định trước đó là 100 mg/100 ml).

Hình phạt tối thiểu cho hành vi uống rượu bia gây tai nạn giao thông dẫn tới tử vong được nâng lên ít nhất 3 năm tù (quy định trước đó là một năm).

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Các nước trên thế giới phạt nồng độ cồn như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.