Thứ sáu, 29/03/2024 00:30 (GMT+7)

Cấm xe buýt liền kề vào trung tâm Đà Nẵng: DN “cầu cứu” Thủ tướng?

MTĐT -  Thứ sáu, 01/11/2019 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước nguy cơ Sở GTVT Đà Nẵng điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm, 8 doanh nghiệp buýt liền kề tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng...

Không cho các tuyến xe buýt liền kề vào nội thành Đà Nẵng

Trao đổi với Infonet, ngày 31/10, ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, mới đây Sở GTVT Đà Nẵng có nhận được văn bản của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt xin giữ nguyên lộ trình các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên theo Sở GTVT Đà Nẵng, qua phản ảnh của hành khách, thông tin báo chí và qua kiểm tra thực tế thì hoạt động của các tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng – Quảng Nam thời gian qua có quá nhiều tồn tại về chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật xe buýt và chất lượng dịch vụ cùng nhiều hạn chế, vi phạm khác.

Ông cũng cho biết thời gian qua, Sở GTVT Đà Nẵng đã phối hợp với Sở GTVT tỉnh Quảng Nam có nhiều cuộc họp và ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh những hạn chế nêu trên. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này của các đơn vị kinh doanh các tuyến xe buýt liền kề vẫn không được cải thiện mà tiếp tục gây bức xúc cho hành khác và người dân.

Về chủ trương điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề, ông Bùi Thanh Thuận cho biết, từ năm 2013, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định 8087/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 phê duyệt quy hoạch xe buýt giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

8 doanh nghiệp vận tải buýt liền kề của Quảng Nam và Đà Nẵng với khoảng trên 120 xe buýt đang đứng trước nguy cơ bị khai tử - Ảnh minh họa

Theo đó, điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa Đà Nẵng và Quảng Nam theo hướng không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng mà có điểm đầu cuối tại khu vực ngoại thành Đà Nẵng (như: Bến xe phía Nam, khu vực trường Cao đẳng Việt Hàn, Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang). Sở GTVT Đà Nẵng cũng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp với Sở GTVT Quảng Nam và các đơn vị vận tải xe buýt liền kề để triển khai chủ trương này.

Ngày 27/2/2017, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có Thông báo 66/TB-VP về kết luận của lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp rà soát tình hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn TP. Theo đó giao Sở GTVT Đà Nẵng làm việc với Sở GTVT Quảng Nam để thống nhất phương án điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề theo hướng không đi vào trung tâm TP Đà Nẵng; báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
Ngày 1/8/2017, UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn 5837/UBND-SGTVT gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp, có ý kiến thống nhất với chủ trương của TP Đà Nẵng trong việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng theo hướng không đi vào nội thành Đà Nẵng.

Ngày 12/4/2018, Sở GTVT Đà Nẵng có Công văn 1424/SGTVT-QLVTPTNL lấy ý kiến về phương án điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề giữa Đà Nẵng và Quảng Nam theo hướng không đi vào nội thành Đà Nẵng và đã nhận được quan điểm thống nhất của các cơ quan liên quan như: Công an TP, Văn phòng Ban An toàn giao thông; Sở Du lịch; UBND các quận, huyện; Thanh tra Sở GTVT; Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng…

Sau khi xem xét Tờ trình số 1780/TTr-SGTVT ngày 07/5/2018 của Sở GTVT, ngày 05/6/2018, UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn số 4203/UBND-QLĐTh nêu rõ chủ trương liên quan đến phương án điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề theo hướng không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng.

Theo đó, sau khi đưa vào khai thác thêm 6 tuyến xe buýt trợ giá mở mới (trong tháng 8/2019), Sở GTVT Đà Nẵng sẽ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề theo hướng không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng.

“Như vậy, theo tiến độ triển khai, sau khi đưa vào khai thác thêm 6 tuyến xe buýt nội thành, Sở GTVT Đà Nẵng tham mưu UBND TP điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề theo hướng không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng, dự kiến vào cuối năm 2019” – Ông Bùi Thanh Thuận cho hay.

Doanh nghiệp “cầu cứu” Thủ tướng

Lo ngại tình trạng xe dù sẽ bùng phát trong nội đô khi nhiều tuyến buýt liền kề bị đẩy ra khỏi trung tâm như đề xuất của Sở GTVT Đà Nẵng, 8 doanh nghiệp vận tải xe buýt liền kề liên tỉnh tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Theo các doanh nghiệp vận tải TP Đà Nẵng, các tuyến xe buýt liên tỉnh không được hoạt động trong nội đô sẽ gây khó khăn trong việc di chuyển, đi lại của người dân, nảy sinh tình trạng “xe dù, bến cóc” và khiến trật tự vận tải khách bị phá vỡ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Văn Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải, Công ty CP GTVT Quảng Nam nhìn nhận, việc đưa các tuyến xe buýt liền kề cách trung tâm 10km sẽ tạo điều kiện cho các loại xe dù thừa cơ bùng phát. Hơn nữa, việc bỏ tuyến buýt này sẽ tạo thêm áp lực giao thông thành phố, do người dân sẽ phải sử dụng xe máy vào nội thành nhiều hơn. Trong khi đó, xe buýt có trợ giá khó đảm bảo được mỗi ngày có gần 10.000 lượt khách đi lại giữa từ bến xe vào trung tâm thành phố.

“Xe buýt liền kề không trợ giá đã hoạt động bình thường gần 20 năm nay, các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xe buýt vẫn đi vào trung tâm thành phố, tại sao Đà Nẵng lại cấm? Nếu điều đó xảy ra, hành khách sẽ không đi xe tuyến này nữa, doanh nghiệp sẽ phá sản, hàng trăm người lao động mất việc làm, trên 120 đầu xe sẽ thành sắt vụn”, ông Dũng chua xót.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp vân tải khách tại Đà Nẵng cũng cho rằng, đề xuất này đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm thiểu phương tiện cá nhân, xóa sổ “xe dù, bến cóc"..

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho biết, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có quy định điểm đầu, điểm cuối của các tuyến xe buýt phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách.

“Nếu theo đề xuất của Sở GTVT Đà Nẵng đưa điểm đầu, điểm cuối của 5 tuyến buýt liền kề từ Quảng Nam đi Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 11 km là không phù hợp với mục tiêu hoạt động của xe buýt. Khi đó, sẽ thêm một lượng phương tiện khác đưa khách từ bến xe vào thành phố và ngược lại, tăng thêm ùn tắc, làm tăng chi phí và thời gian đi lại của người dân", ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, xu thế hiện nay là mở rộng, tăng tỷ trọng của vận tải khách công cộng, nhất là đối với xe buýt, tạo tiện lợi trong nhu cầu đi lại của hành khách, an toàn, tiết kiệm, nhất là đối với những người lao động có thu nhập thấp. Tại nhiều cuộc họp trực tuyến ATGT với các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã chỉ đạo chuyển các tuyến vận tải khách cố định có cự ly trên dưới 100 km, có tần suất lớn thành các tuyến buýt liền kề. Nhiều tỉnh, thành phố đã chuyển các tuyến này thành xe buýt như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk…

“Đây là chủ trương đúng nhằm xóa bỏ tình trạng xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe Limousine len lỏi vào nội thành gây ùn tắc giao thông, hạn chế “xe dù, bến cóc”. Tôi cho rằng, việc không tạo điều kiện cho các tuyến buýt liền kề hoạt động là đi ngược lại chủ trương này và nhu cầu của hành khách”, ông Quyền khẳng định.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cấm xe buýt liền kề vào trung tâm Đà Nẵng: DN “cầu cứu” Thủ tướng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.