Thứ sáu, 29/03/2024 19:47 (GMT+7)

Chủ đầu tư BOT QL19 xin giãn nợ vì thất thu

Vũ Khoa -  Thứ hai, 16/03/2020 13:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tổng công ty 36 vừa có văn bản kêu cứu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép Vietinbank cơ cấu lại khoản vay do thất thu.

Chính sách “đè bẹp” doanh nghiệp

Được biết, dự án BOT QL19 được tổ chức thu phí hoàn vốn từ 1/6/2016 nhưng qua gần 4 năm triển khai thu phí, doanh thu thực tế của dự án không đạt so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT.

Theo CĐT dự án, điều này không những không đạt kế hoạch hoàn vốn mà còn không đảm bảo tiến độ thanh toán khoản nợ ngân hàng, gây nhiều hệ lụy do khoản nợ có nguy cơ bị xếp vào nhóm nợ xấu nếu không được Ngân hàng Nhà nước có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Các phương án tài chính, kế hoạch hoàn vốn dự án và tiến độ thanh toán khoản nợ ngân hàng đều không thực hiện đúng như kế hoạch ban đầu.

Cũng theo văn bản của Tổng công ty 36, đầu tiên là doanh thu thu phí đối với các phương tiện qua trạm giảm do thay đổi chính sách thu phí từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành bắt buộc doanh nghiệp BOT phải thực hiện. Do các thông tư thay đổi của Bộ Tài chính khiến phá vỡ phương án tài chính ban đầu của dự án.

Đồng thời, theo phụ lục hợp đồng, mỗi năm dự án tăng giá thu phí 3%, ba năm tăng một lần (tương đương 9%). Bên cạnh đó là do chủ trương của Bộ GTVT về việc giảm phí cho các đối tượng nằm trong phạm vi bán kính 5km xung quanh trạm thu phí, đã làm giảm khoảng 5% doanh thu.

Nếu kiến nghị của Tổng công ty 36 không được giải quyết, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những tổn thất và hậu quả lớn từ việc thực hiện dự án này mà nguyên nhân không phải do doanh nghiệp mà chính là sự thay đổi từ chính sách, văn bản pháp luật gây nên.

Trạm thu phí QL19.

Lo ngại thành nợ xấu

Dù kiến nghị của Công ty 36 là nhằm giảm áp lực cho nhà đầu tư về việc huy động từ các nguồn vốn khác để trả lãi và gốc cho ngân hàng thì phải cơ cấu giãn thời gian trả nợ của dự án. Nhưng tại Điểm c, Khoản 1, Điều 10 của Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định: “Khoản nợ gia hạn lần đầu sẽ được phân loại vào nợ nhóm 3 - nợ xấu”.

Do đó, ngày 16/8/2019, nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị Vietinbank – Chi nhánh TP. Hà Nội giãn thời gian trả nợ, báo cáo Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án cơ cấu thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ vì lý do bất khả kháng (do thay đổi chính sách pháp luật) chứ không phải nguyên nhân chủ quan từ doanh nghiệp đầu tư.

Theo hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Vietinbank, thời hạn vay cho dự án BOT QL19 là 13 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, trong khi đó thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính của dự án là 20 năm 6 tháng.

Nếu tiếp tục phải bù lỗ kéo dài trong các năm tiếp theo, đặc biệt lưu lượng và giá phí không tăng, doanh thu giảm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển và sự tồn tại của doanh nghiệp.

“Tổng công ty 36 báo cáo và kêu cứu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép Vietinbank cơ cấu lại khoản vay - kéo dài thời gian trả nợ cho phù hợp với thời gian thu phí hoàn vốn theo phương án tài chính của dự án BOT QL19 nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ”, văn bản của Tổng công ty 36 nêu rõ.

Dự án BOT QL19 dài 55,726km (33,082km qua tỉnh Bình Định, 22,644km qua tỉnh Gia Lai) do Tổng công ty 36 làm nhà đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.460 tỷ đồng, thu phí tại 2 trạm để hoàn vốn với thời gian hợp đồng BOT là 18 năm 4 tháng 22 ngày. Tổng vốn đầu tư điều chỉnh hơn 1.460 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn theo phụ lục hợp đồng BOT là 20 năm 6 tháng, 19 ngày.

Bạn đang đọc bài viết Chủ đầu tư BOT QL19 xin giãn nợ vì thất thu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới