Thứ sáu, 26/04/2024 06:57 (GMT+7)

Chuyên gia giao thông đề xuất thêm làn ô tô trên cầu Thanh Trì

Thùy Dung -  Thứ năm, 11/04/2019 10:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo số liệu thống kê, năm 2018 có tới 8.200 người chết, 15.000 người bị thương do tai nạn giao thông. Trong đó, số vụ tai nạn trên cầu Thanh Trì chiếm số lượng lớn.

Tại hội nghị tổng kết công tác 2018, triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ GTVT ngày 11/1/2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Trong năm 2018 có tới 8.200 người chết, 15.000 người bị thương do tai nạn giao thông, con số trên tương đương với dân số của 1 huyện. Đây là thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của nhiều gia đình”.

Theo đó, Phó thủ tướng đề nghị Bộ GTVT cần khẩn trương rà soát lại các quy định, phương pháp tổ chức, phân luồng giao thông; phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương để triển khai biện pháp tổng thể nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT).

Mặc dù đã có nhiều biện pháp tổng thể để giảm thiểu TNGT, thế nhưng đoạn đường trên cầu Thanh Trì vẫn thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn. Phần lớn các vụ tai nạn trên do sự va chạm giữa ô tô và xe máy, gây nên rất nhiều thương vong. Gần đây nhất, ngày 20/1/2019, trong 1 tiếng đồng hồ, 2 vụ tai nạn xảy ra trên cầu Thanh Trì. Vụ việc trên không gây thiệt hại về người nhưng lại khiến tuyến đường này bị tắc nhiều giờ đồng hồ.

Rất nhiều vụ tai nạn giữa xe máy và ô tô gây nên nhiều thương vong. Ảnh: Internet

Được biết, cầu Thanh Trì có điểm đầu tại Pháp Vân (quốc lộ 1A) và điểm cuối tại thị trấn Sài Đồng, Gia Lâm (giao cắt quốc lộ 5) với tổng chiều dài 12,8 km, phần cầu chính vượt sông dài 3.084m, rộng hơn 33,1m. Cầu có 6 làn xe, trong đó 4 làn xe cao tốc, tốc độ cho phép 80 km/h.

Nhiều lái xe cho biết, nếu như tại các địa điểm khác, với một vụ tai nạn không gây thiệt hại về người thì chỉ cần một khoảng thời gian ngắn sẽ nhanh chóng được khắc phục và tuyến đường sẽ được lưu thông. Thế nhưng đối với cầu Thanh Trì, dù chỉ là một vụ tai nạn nhỏ nhưng sẽ khiến tất cả các phương tiện lưu thông cùng làn sẽ ùn ứ và ách tắc nhiều giờ đồng hồ.

Nhiều vụ tai nạn diễn ra khiến cả cây cầu bị ùn tắc. Ảnh: Internet.

Để giải thích rõ về vấn đề trên, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã tham vấn ý kiến của một số chuyên gia. Ông Hoàng Minh Sơn - Tổng Công ty Vinaconex cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến việc cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra ùn tắc là bởi vì sự phân bố các làn xe chưa hợp lý”.

Để hiểu đúng vấn đề, ông Sơn phân tích rõ: “Thứ nhất, với làn ngoài cùng, ô tô chỉ được đi với tốc độ 50km/h, tuy nhiên phần trong bao gồm 2 làn ô tô thì lại được đi với tốc độ 80km/h, khiến các xe làn ngoài bị hạn chế và khai thác không hiệu quả. Qua khảo sát thì có nhiều xe phải đi với tốc độ vượt quá 50km/h dẫn đến việc xe máy và ô tô va quệt nhau, khiến tai nạn xảy ra.

Thứ hai: Khi có giải phân cách này, đường chỉ còn 2 làn nên khi xảy ra va chạm thì rất dễ gây ách tắc. Bên cạnh đó, khi có giải phân cách giữa 2 làn cũng không có sự điều hòa. Và khi làn ngoài xảy ra tai nạn thì toàn bộ xe di chuyển bên làn ngoài sẽ không có cách nào lưu thông được”.

Trước những bất cập trên, ông Sơn khuyến nghị: “Cần phải di chuyển giải phân cách phân thành 3 làn ô tô và 1 làn xe máy riêng biệt. Từ đó cũng sẽ giải quyết được hết tất cả các nhược điểm như: Thứ nhất, khi chuyển được giải phân cách, ô tô không đi cùng làn với xe máy nữa thì sẽ không còn các vụ va chạm giữa ô tô và xe máy.

Thứ hai, số làn vẫn không thay đổi và tất cả các ô tô sẽ được lưu thông với 80km/h, lưu thông tối đa, sẽ hạn chế được ách tắc giao thông. 

Thứ ba, giả sử như có tai nạn xảy ra thì các phương tiện sẽ di chuyển phần đường còn lại rộng hơn, dễ lưu thông hơn, sẽ giảm ách tắc hơn.

Thứ tư, với 3 làn ô tô thì tầm nhìn của tài xế cũng sẽ tốt hơn, dễ dàng tránh và vượt hơn.

Thứ năm, nó cũng sẽ được cân bằng giữa phần trong là 2 làn ô tô và phần ngoài 1 làn ô tô và 1 làn xe máy (tránh trường hợp nhiều khi 2 làn ô tô trong ách tắc nhưng 1 làn ô tô ngoài vẫn thông thoáng và ngược lại”.

Cần tăng cường công tác quản lý và giám sát qua camera. Ảnh: Internet

Tuy nhiên trước những giải pháp trên, để đảm bảo an toàn, ông Sơn cũng đề nghị nếu di chuyển giải phân cách ra phía ngoài thì làn ô tô sẽ phải hạn chế tốc độ. Nếu như trước đây ô tô được phép di chuyển với tốc độ là 80Km/h thì giờ sẽ chuyển xuống còn 70Km/h (chỉ riêng trên phần cầu). Đồng thời cần tăng cường công tác quản lý và giám sát qua camera. Tăng cường công tác cưỡng chế xử phạt vượt quá tốc độ đối với những trường hợp vi phạm để mang tính răn đe.

Đồng thời, giải pháp trên sẽ mang lại hiệu quả cao và không gây tốn kém. Bởi nếu như di chuyển giải phân cách sẽ hạn chế xảy ra các vụ tai nạn giữa xe máy và ô tô. Ngoài ra, khi các xe bắt đầu di chuyển lên cầu tầm nhìn cũng sẽ rộng hơn và cũng sẽ giảm thiểu được các vụ tai nạn tại đầu cầu.

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia giao thông đề xuất thêm làn ô tô trên cầu Thanh Trì. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.