Thứ năm, 25/04/2024 22:44 (GMT+7)

Chuyên gia “mổ xẻ” nguyên nhân xe buýt TP.HCM ngày càng ế khách

MTĐT -  Thứ năm, 16/07/2020 11:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù được trợ giá hàng nghìn tỷ đồng, nhưng các HTX, DN vận tải xe buýt TP.HCM vẫn đứng trước nguy cơ dừng hoạt động do người dân không còn mặn mà với hình thức giao thông công cộng này.

Mới đây, 10 đơn vị vận tải xe buýt ở TP.HCM (quản lý hầu hết xe buýt trên địa bàn TP) đang cùng nhau kiến nghị UBND TP và các sở ngành thanh toán các khoản công nợ do trợ giá xe buýt. Nếu không được giải quyết, họ sẽ ngưng hoạt động từ ngày 15/8.

Các đơn vị xe buýt cho biết Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã khoán sản lượng hành khách quá cao, không sát thực tế, khoán tăng thêm doanh thu bán vé để bù đắp phần thiếu hụt kinh phí trợ giá xe buýt; chậm thanh quyết toán các khoản công nợ và hợp đồng đặt hàng qua các năm.

Hệ quả là các doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ chi phí trả lương, nhiên liệu và chậm trả tiền lãi vay mua xe cho các ngân hàng. Từ đó, một số tuyến xe buýt xảy ra đình công như tuyến xe buýt số 19, 99. Đồng thời, một số doanh nghiệp, hợp tác xã buộc tạm dừng hoạt động một số tuyến xe buýt.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang nợ tiền nhiên liệu rất lớn như: Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn thiếu nợ 80 tỉ đồng. Công ty cổ phần Vận tải TP thiếu nợ 7 ti đồng. Hợp tác xã vận tải Quyết Thắng thiếu nợ 5,2 tỉ đồng. Hợp tác xã 28 thiếu nợ 1,1 tỉ đồng...

Trợ giá hay không thì DN vận tải xe buýt vẫn sẽ “chết”

Được biết, từ 2009, TP.HCM đã đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 25 - 30% nhu cầu đi lại của người dân nhưng sau 10 năm chật vật, tỷ lệ này không những không tăng mà giảm xuống còn 4,3%.

Mới đây, Sở GTVT tiếp tục có văn bản gửi Sở Tài chính đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 lên hơn 1.300 tỉ đồng. Con số này tăng hơn 161 tỉ đồng so với dự toán được giao trong năm 2020.

Tuy nhiên, chia sẻ với báo Thanh niên, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông và đô thị TP.HCM, trợ giá hay không thì các HTX, DN vận tải xe buýt vẫn sẽ “chết”.

Ông Nam lý giải mô hình vận tải xe buýt của TP hiện nay là "mô hình toàn không": Không có làn đường xe buýt; Không có hệ thống nhà ga, trung tâm trung chuyển xe buýt; Không có đội xe buýt chất lượng; Không có DN xe buýt chuyên nghiệp và người dân không có văn hóa, thói quen đi xe buýt.

Vấn đề lớn nhất của mạng lưới xe buýt của TP hiện nay là hạ tầng và thị trường. Không có đường cho xe buýt chạy, không có hành khách để bán vé thì có trợ giá bao nhiêu, HTX và DN kinh doanh xe buýt hiện nay cũng vẫn “chết”

“TP.HCM hiện đang quá tập trung phát triển hệ thống metro, phương thức vận tải công suất lớn và cần chú ý nếu mạng lưới xe buýt không hoàn thiện, metro ra đời cũng không thể hoạt động hiệu quả được. Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất trên thế giới. Xe buýt “chết” đồng nghĩa với giao thông công cộng “chết””, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Người dân không còn nhu cầu đi xe buýt

Mới đây, chia sẻ với VnExpress, TS Lương Hoài Nam cho rằng, tình hình xe buýt ở TP. HCM rất nan giải, nếu không muốn nói là bế tắc. Theo ông, chưa cần so sánh với các đô thị hiện đại trên thế giới, chỉ cần so với Hà Nội, xe buýt ở TP. HCM đã tụt hậu rồi.

Từ năm 2014 đến nay, số lượng người đi xe buýt ở TP. HCM giảm liên tục, bình quân mỗi năm giảm 6,5%, riêng năm 2019 giảm sâu tới 12% so với năm 2018. Nếu so với năm 2012, khách đi xe buýt năm 2019 đã giảm mất gần một nửa (từ 305 triệu lượt khách xuống còn 159 triệu lượt khách).

Hành khách đi xe buýt giảm làm cho kinh doanh xe buýt lỗ nhiều hơn, một số chủ xe buýt muốn bỏ tuyến, bỏ chuyến vì không đủ tiền trả lương, mua xăng, bảo dưỡng xe... Hơn 1.000 tỷ đồng trợ giá mỗi năm hiện không đủ duy trì dịch vụ xe buýt, nói gì đến việc phát triển. Nói xe buýt TP.HCM đang "chết" không hề phóng đại mà là một thực tế.

Theo ông Nam, chúng ta đang đi ngược so với mục tiêu xây dựng, phát triển những đô thị và giao thông hiện đại. Thập niên 80 thế kỷ trước tôi sống ở một thành phố tại Liên Xô (cũ) còn nghèo hơn các thành phố lớn của nước ta bây giờ. Nhưng thành phố được quy hoạch quy củ, với nhà cao tầng và giao thông công cộng là chính.

Gần 10 năm sống ở đó tôi không có xe hơi, cũng không hề nghĩ đến việc mua xe máy để đi, chỉ sử dụng giao thông công cộng, mặc dù mùa đông ở đó đầy băng tuyết. Các đô thị lớn, phát triển như Tokyo, Seoul, Singapore... bây giờ cũng chỉ thấy nhà cao tầng và giao thông công cộng là chính.

Còn các đô thị của chúng ta thì sao: toàn nhà ống và xe cá nhân (chủ yếu xe máy). Quy hoạch đến năm 2020 cả nước có 36 triệu xe máy và khoảng 3,5 triệu ôtô các loại, nhưng hiện đã có hơn 60 triệu xe máy. TP HCM đang có 7,5 triệu xe cho khoảng 9 triệu dân. Tính từ trẻ em cho đến người già, bình quân mỗi người dân có gần một xe máy. Xe máy quá phổ biến, khiến nhiều người dân không còn nhu cầu đi xe buýt.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia “mổ xẻ” nguyên nhân xe buýt TP.HCM ngày càng ế khách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.