Thứ tư, 24/04/2024 22:02 (GMT+7)

Chuyên gia nói gì về thu phí ở BOT Đèo Ngang?

V.Chương -  Thứ tư, 22/05/2019 07:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang - Quốc lộ 1, nối tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình thu phí vượt 2 năm.

Chiều 22/5, trả lời Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT), chuyên gia giao thông khẳng định: “Việc Bộ Công an vào cuộc điều tra việc thu phí vượt 2 năm tại BOT Đèo Ngang do Tổng công ty Sông Đà thực hiện là hoàn toàn hợp lý”.

TS Nguyễn Xuân Thủy nói rằng việc thu vượt 2 năm ở trạm BOT Đèo Ngang có 2 vấn đề cần phải lưu ý. Thứ nhất, tại sao Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ biết Tổng công ty Sông Đà thu vượt đến 2 năm mà vẫn cho thu, không có biện pháp can thiệp kịp thời.  Thứ hai, vì sao Tổng công ty Sông Đà lại “dám” thu vượt 2 năm. Con số 88 tỷ đồng thu vượt trong 2 năm có đầy đủ và đúng hay không.

Dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang.


Vị này nói thêm, đáng lẽ tiền thu vượt trong 2 năm của BOT Đèo Ngang phải trả lại những chủ xe bị thu “oan” chứ không phải chuyển vào ngân sách nhà nước. Nhưng thực ra cũng khó để trả lại được những chủ xe đó.

Về trách nhiệm trong sự việc này, ông Thủy nói rằng trách nhiệm thuộc về người đứng đầu Bộ GTVT và lãnh đạo chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Sông Đà. “Tôi rất hoan nghênh Bộ Công an vào cuộc điều tra việc thu vượt ở dự án này. Tôi và người dân sẽ chờ đợi kết quả từ Bộ Công an”, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT nói.

Trước đó, như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đưa tin, theo tài liệu mà PV có được, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an đang tiến hành điều tra về việc thu phí tại dự án BOT hầm Đèo Ngang liên quan đến việc dự án thu vượt số tiền lên tới hơn 88 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Đà.

Trong văn bản, Bộ GTVT vừa có công văn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khẳng định, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị Tổng công ty Sông Đà nộp số tiền thu vượt thời gian vào ngân sách nhà nước là 88,3 tỷ đồng.

“Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đàm phán, thống nhất các nội dung còn lại, xác định chính thức thời gian thu phí, số tiền nhà đầu tư phải nộp trả ngân sách nhà nước. Kết quả thực hiện, Bộ GTVT sẽ báo cáo kịp thời đến cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an)”, văn bản của Bộ GTVT khẳng định.

Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang - Quốc lộ 1, nối tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình được Bộ Giao thông vận tải và Tổng Công ty Sông Đà ký hợp đồng vào năm 2002, với tổng mức đầu tư là hơn 150 tỷ đồng.

Thời gian thu phí thực hiện từ năm 2002, đưa vào khai thác cuối năm 2004. Thời gian thu phí theo hợp đồng là hơn 18 năm. Tuy nhiên, căn cứ vào số thu thực tế, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu phải giảm thời gian thu phí xuống 7 năm 10 tháng. Tức là BOT hầm Đèo Ngang chỉ được thu phí đến 2015. Tuy nhiên, đến tháng 12/2016, dự án này mới tạm dừng thu phí, số tiền thu phí vượt thời gian là hơn 88 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Đà có tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp này thường xuyên thực hiện những công trình giao thông lớn như hầm Hải Vân, đường cao tốc Láng Hòa Lạc, đường quốc lộ 1A, đường quốc lộ 10, đường quốc lộ 18, đường Hồ Chí Minh, Hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ qua đèo Cả … Dự án BOT Đèo Ngang là một trong những công trình BOT đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về thu phí ở BOT Đèo Ngang?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.