Thứ sáu, 29/03/2024 00:07 (GMT+7)

Chuyên gia tiếp tục hiến kế cho bài toán giao thông Hà Nội

MTĐT -  Thứ bảy, 29/06/2019 17:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (29/6), tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học "Giao thông - quy hoạch: Vấn đề và giải pháp cho Hà Nội" do Đại học Xây dựng Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức.

Theo Hà Nội mới, tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia quy hoạch đô thị đã đưa ra các giải pháp, hiến kế cho Hà Nội để giải bài toán giao thông trong quá trình đô thị hóa.

Cụ thể, theo PGS.TS Hồ Ngọc Hùng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, hiện chưa có quy định về việc phải định kỳ thực hiện các điều tra khảo sát về dân số và nhu cầu giao thông để tìm ra các đặc thù của giao thông đô thị ở Hà Nội. Đây là nguyên nhân khiến cho việc phát hiện chính xác các vấn đề của giao thông Hà Nội trở nên khó khăn. Các quyết định đầu tư hạ tầng giao thông đô thị thời gian qua có thể giải quyết được các vấn đề trong quá khứ nhưng chưa đủ để đối phó với các thách thức trong tương lai, nhất là việc đáp ứng sự gia tăng về nhu cầu giao thông cùng với quá trình đô thị hóa.

Giao thông là bài toán nan giải của Thủ đô. Ảnh: Internet.

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, kèm theo sự gia tăng dân số cơ học, sự bùng nổ phương tiện cá nhân đang gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị. PGS.TS Vũ Hoài Nam, Trưởng bộ môn Đường ô tô, đường đô thị - Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải của thành phố hiện tại rất yếu kém và không đáp ứng được nhu cầu phát triển; không theo kịp với sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân. Trong khi đó, các giải pháp quản lý nhu cầu giao thông hiện nay chưa hiệu quả. Hà Nội thiếu một hệ thống giao thông vận tải công cộng hiệu quả và tích hợp đa phương tiện. Công tác đầu tư thời gian qua đang chạy theo giải pháp hạ tầng nhất thời, thiếu đầu tư tập trung, trọng điểm...

Hệ thống giao thông công cộng Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: Internet.

Theo ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện là Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, nếu thực hiện được đúng như quy hoạch đã ban hành thì sẽ giải quyết được các vấn đề đô thị mà Hà Nội đang đối mặt. Ngoài ra, trong việc tổ chức thực hiện xây dựng đô thị theo quy hoạch, cần xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng, tiện ích tại các khu đô thị mới nhằm thu hút dân cư, giảm sự tập trung vào khu vực trung tâm. Đặc biệt, Nhà nước cần giữ vai trò chủ động trong tổ chức phát triển đô thị theo quy hoạch, không vì thiếu nguồn lực mà chạy theo nhà đầu tư... Đây mới là giải pháp gốc để giải quyết các vấn đề của đô thị.

PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết, luôn có sự kết hợp giữa giao thông và quy hoạch. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giao thông và quy hoạch tại Hà Nội nói riêng, nhiều đô thị tại Việt Nam nói chung chưa có. PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị tập hợp các kiến nghị, đề xuất tại hội thảo để gửi tới HĐND, UBND thành phố Hà Nội.

Ùn tắc giao thông vẫn luôn là vấn đề nóng của Thủ đô Hà Nội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, sự phát triển đô thị và nỗ lực nâng cao chất lượng sống của người dân. Thời gian qua, Hà Nội cũng như giới chuyên môn đã đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề giao thông Thủ đô, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào đem lại hiệu quả tích cực.

Theo thống kê, mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200 nghìn người, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Cùng đó, việc thực hiện quy hoạch lại quá chậm, không đi đôi với hạ tầng, chưa tương xứng với sự phát triển nhanh của dân số Thủ đô, nên nhà cao tầng mọc lên khắp nơi, tạo áp lực lớn cho giao thông nội đô.

Bên cạnh tốc độ đô thị hóa nhanh, một nguyên nhân quan trọng khác khiến giao thông Thủ đô bức xúc thời gian qua là tiến độ “rùa bò” của nhiều dự án trọng điểm.

Tại kỳ họp giữa năm 2017, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông, trong đó, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Kết quả khảo sát của cơ quan soạn thảo đề án công bố cho thấy, trong hơn 15.000 phiếu khảo sát thu về ở 30 quận, huyện có hơn 90% người được hỏi ủng hộ đề án và lộ trình cấm xe máy.

Mới đây nhất, đầu tháng 3/2019, tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện nêu quan điểm "cấm xe máy càng sớm càng tốt" và cho biết đang phối hợp cùng Viện chiến lược Giao thông nghiên cứu xây dựng đề án, trong đó có tính tới việc dừng đăng ký mới xe máy.

Hai ngày sau, ông Viện cho biết để thực hiện lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, thành phố nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở, hạ tầng.

"Ví dụ chúng tôi đang lựa chọn thí điểm dừng hoạt động xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động", ông Viện nói.

Tuy nhiên, đề xuất cấm xe máy của Hà Nội đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia và vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Nhiều người cho rằng, với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng như Hà Nội hiện nay, việc cấm xe máy là điều không thể.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia tiếp tục hiến kế cho bài toán giao thông Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.