Thứ sáu, 29/03/2024 21:45 (GMT+7)

Đầu tư 600 nhà chờ xe buýt chuẩn Châu Âu: Đã thực sự phù hợp?

MTĐT -  Thứ năm, 16/01/2020 08:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Khi mà chất lượng xe buýt chưa được đảm bảo thì việc đầu tư các nhà chờ xe buýt chuẩn châu Âu chưa chắc đã đem lại hiệu quả", TS Nguyễn Thành Quang - chuyên gia về đô thị cho biết.

Xây dựng theo hình thức PPP

Mới đây, để tạo thuận lợi cho hành khách, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng đồng bộ 600 nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công - tư.

Theo đó, các nhà chờ xe buýt này nằm trên các tuyến đường đủ điều kiện thuộc phạm vi 12 quận nội thành: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội dự kiến lắp đặt hơn 600 nhà chờ xe buýt, hệ thống nhà chờ được xây dựng theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; sắp xếp bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến đường khoa học, đồng bộ, hiện đại, văn minh.

Hiện nay Hà Nội cũng đang có nhà chờ xe buýt đạt tiêu chuẩn Châu Âu nhưng đang hoạt động không hiểu quả, gây lãng phí.

Theo ông Thanh, trong dự án xây dựng, lắp mới 600 nhà chờ xe buýt (trong đó 235 nhà chờ lắp đặt mới, thay thế 365 nhà chờ hiện có theo lộ trình), Hà Nội sẽ lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp phục vụ tra cứu thông tin du lịch kết hợp quảng cáo.

Về cơ chế đầu tư, ông Thanh cho biết, nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hạng mục công trình trong thời hạn 20 năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.270,9 tỷ đồng. “Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép kinh doanh quảng cáo trên các công trình đã đầu tư gồm: Một phần quảng cáo trên nhà chờ ngoài phần diện tích phục vụ tiện ích theo yêu cầu của thành phố; một mặt biển thông tin quảng cáo trên dải phân cách giữa. Lắp đặt 1.200 cột biển quảng cáo trên hè khu các nhà chờ xe buýt để tự kinh doanh quảng cáo”, ông Thanh cho biết.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình, Giảng viên Trường Đại học GTVT cho biết, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nhà chờ xe buýt của Hà Nội là rất cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.

“Có nhà chờ xe buýt hành khách sẽ tiếp cận thuận lợi hơn với xe buýt. Đảm bảo cho hành khách sự an toàn, thay vì như hiện tại nhiều điểm dừng xe buýt không có mái che, nhiều hành khách phải đứng dưới lòng đường do chưa bố trí được diện tích ở điểm chờ”, PGS. TS. Bình cho hay.

Cần cân nhắc tránh lãng phí

Trao đổi với Đất Việt về chủ trương trên của UBND TP. Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn bởi hiện tại cơ sở nhà chờ xe buýt của Thủ đô đã thiếu, yếu lại còn đang xuống cấp trầm trọng.

Tuy nhiên, ông Thủy lưu ý, không phải cứ bê nguyên "tiêu chuẩn châu Âu" về làm tại Việt Nam là sẽ thành công. Thậm chí điều đó còn gây lãng phí mà không đạt được hiệu quả tối đa.

"Chúng ta đã có nhiều nhà chờ theo tiêu chuẩn châu Âu tại các điểm dừng đỗ buýt BRT. Nhưng nhiều năm qua các nhà chờ này vắng khách, bụi bặm, hoạt động không hiệu quả, lãng phí cả nghìn tỷ đồng mà không giải quyết được việc gì, cơ sở cho giao thông công cộng thiếu vẫn hoàn thiếu" - ông Thủy cho biết.

Theo vị chuyên gia giao thông này, để việc xây dựng nhà chờ xe buýt đem lại hiệu quả cao nhất, phục vụ hành khách tốt nhất thì cần phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

"Nhà chờ xe buýt phù hợp Thủ đô không cần phải quá to, rộng hay có những hình thức tiện nghi như màn hình cảm ứng, wifi bởi hiện nay hầu hết chúng ta đã có điện thoại thông minh. Điều quan trọng nhất là các nhà chờ đó phải có mái che nắng - mưa, đồng thời có bảng điện tử thể hiện giờ xe đến, xe đi, thông báo các tuyến buýt hoạt động qua điểm chờ đó.

Như thế, người dân sẽ tiết kiệm được hàng triệu đơn vị thời gian mỗi năm. Với những người cao tuổi thì việc đứng chờ ở đó cũng nắm bắt thông tin, lịch trình xe chạy thuận tiện hơn.

Tôi từng đến Malaysia, một số nhà chờ ở đó còn lắp đặt cả hệ thống điều hòa, nhà vệ sinh, bồn rửa tay... phục vụ hành khách. Ở chúng ta cũng cần có điều đó tại một số nhà chờ tại những điểm trung chuyển lớn như Long Biên hoặc Cầu Giấy" - ông Thủy nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thành Quang - chuyên gia về đô thị cho rằng, từ trước tới nay hệ thống xe buýt của Hà Nội luôn đi sau quy hoạch đô thị, ở đâu xuất hiện khu dân cư thì ở đó bổ sung hệ thống xe buýt đến đấy khiến luồng, tuyến bị xáo trộn. Như vậy rất khó để xe buýt có thể khớp nối hạ tầng, tối ưu lộ trình và phương tiện.

"Khi mà chất lượng xe buýt chưa được đảm bảo thì việc đầu tư các nhà chờ xe buýt chuẩn châu Âu chưa chắc đã đem lại hiệu quả. Đó còn là chưa kể các nhà chờ này không chắc có phù hợp với hạ tầng giao thông tại những điểm đặt.

Như tại đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, khi mà vỉa hè đang quá chật chội, tình trạng kẹt xe giờ cao điểm thường xuyên xảy ra thì nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn châu Âu khi đó như cái lô cốt làm cho tình trạng tắc đường càng thêm trầm trọng" - ông Quang nói thẳng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư 600 nhà chờ xe buýt chuẩn Châu Âu: Đã thực sự phù hợp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới