Thứ tư, 24/04/2024 20:43 (GMT+7)

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm: Sở GTVT TP.HCM nói gì?

MTĐT -  Thứ năm, 01/08/2019 11:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Giám đốc Sở GT VT TP.HCM, đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố đang ở bước đề xuất xin chấp thuận chủ trương để tiếp tục nghiên cứu, nếu triển khai thì cũng phải đợi đến năm 2021.

Theo Dân trí, ngày 31/7, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin về đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố mà dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Theo ông Lâm, hiện đề án chỉ mới ở bước đề xuất xin chủ trương nghiên cứu. Sau khi thành phố đồng ý bố trí vốn thì mới lập nghiên cứu khả thi để xác định có làm được hay không, rồi mới trình HĐND TP lấy ý kiến.

“Khi có được chủ trương nghiên cứu, đơn vị tư vấn sẽ tính toán lại các nội dụng như: thu phí bao nhiêu? Thu phí vào giờ thấp điểm hay cao điểm? Mức phí thay đổi như thế nào? Hiện nay một số thông tin cứ tưởng chúng ta đang triển khai đề án. Vấn đề được đẩy lên cao trào và định hướng dư luận theo hướng sắp làm thì không nên”, ông Lâm chia sẻ.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm. Ảnh: Infonet

Theo ông Lâm, ùn tắc giao thông không chỉ xảy ra ở TP HCM mà có 463 thành phố của 53 quốc gia đang bị tình trạng tương tự. Riêng Châu Á có 20 thành phố kẹt xe trầm trọng như Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia)... và các nước đang tìm mọi giải pháp giải quyết.

Về lý do Sở GTVT đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm thành phố, ông Lâm viện dẫn tính toán của Viện nghiên cứu giao thông là, so với xe buýt, ôtô chiếm mặt đường gấp 8,5 lần còn xe máy chiếm gấp 5 lần. Nếu thông qua bề mặt cắt ngang chạy trên làn đường thì xe máy tương đương với xe buýt - chiếm khoảng 14.000 lượt người mỗi giờ; còn ôtô chỉ có 2.000 lượt người mỗi giờ. Như vậy, ôtô chiếm dụng mặt đường nhiều và khả năng lưu thông kém nhất.

Ông Lâm cho rằng rất khó để trả lời câu hỏi “bao giờ hết kẹt xe ở TP.HCM?”. Một giải pháp đơn lẻ như thu phí ô tô vào nội đô thì không giải quyết được vấn đề mà phải kết hợp nhiều giải pháp như phát triển hạ tầng, tổ chức lại không gian đô thị, phát triển giao thông công cộng và cả giải pháp hỗ trợ “đánh vào” nhu cầu sử dụng xe cá nhân.

"Chúng tôi mong muốn, nếu 10% người dân sử dụng ôtô chuyển sang giao thông công cộng là đã thành công, giảm bớt ùn tắc lắm rồi", ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, song song với việc nghiên cứu đề án thu phí ôtô vào trung tâm, thành phố cũng thực hiện các giải pháp khác trong Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giai đoạn 2016-2020 gồm: khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; phát triển đồng bộ kết nối hạ tầng giao thông (xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm chui, khép kín đường Vành đai 2, metro, các bãi đỗ xe ngầm); phát triển hoạt động xe buýt, đầu tư bến bãi, BRT...

"Dự kiến đến năm 2021, khi đường Vành đai 2, tuyến metro Số 1 và tuyến BRT Số 1 đi vào hoạt động, các công trình giao thông lớn hoàn thành, phát triển vận tải hành khách công cộng... mới có thể thực hiện đề án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố", ông Lâm nói.

Lượng ôtô tại TP HCM đang tăng cao (hàng năm trên 10% và 6 tháng đầu năm nay tăng gần 16% so với cuối năm 2018); trung tâm thành phố thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm... Theo đó, Sở GTVT đề xuất làm 34 cổng thu phí tạo thành vành đai khép kín và một nhà điều hành để thu phí ôtô vào trung tâm trong 15 năm (2020-2035). Nguồn vốn đầu tư cho dự án là 250 tỷ đồng từ ngân sách.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đề án thu phí ô tô vào trung tâm: Sở GTVT TP.HCM nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.