Thứ sáu, 19/04/2024 19:48 (GMT+7)

Đề xuất tăng phí BOT của Bộ GTVT: Liệu đã đúng thời điểm?

MTĐT -  Thứ ba, 19/05/2020 10:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù Bộ GTVT mới có văn bản đề xuất tăng phí BOT, thế nhưng đã vướng phải nhiều ý kiến phải đối khi người dân, doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ hai phương án hỗ trợ các dự án BOT. Cụ thể, phương án 1: Cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải.

Phương án 2: Giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Tuy nhiên, Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để bố trí kế hoạch vốn; Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng.

“Trong hai phương án trên, Bộ GTVT ưu tiên phương án 1 vì không phải bố trí ngân sách nhà nước”, Bộ GTVT cho hay.

Trao đổi với VTC News về đề xuất này, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) - Bộ GTVT cho biết, các doanh nghiệp BOT đang đối diện thực trạng giảm doanh thu hàng loạt. Kế hoạch tăng phí BOT, theo ông Huy là đã được Bộ GTVT đề xuất cách đây một năm. "Thực trạng sụt giảm doanh thu hiện nay ở các dự án BOT càng nghiêm trọng", đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Huy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm doanh thu. Trong đó có nguyên nhân nhiều dự án BOT thực hiện chủ trương miễn giảm phí BOT cho các xe vận tải, thực hiện theo Nghị định 35 về việc giảm chi phí vận tải trên toàn quốc. Một số dự án thực hiện chủ trương giảm phí BOT cho các phương tiện di chuyển trong phạm vi 5-10 km.

Bộ GTVT đề xuất tăng phí hỗ trợ doanh nghiệp BOT

Ngoài ra, còn do một số trạm thu phí xuất hiện đường ngang và đường tránh. Các phương tiện lựa chọn các con đường này để di chuyển thay vì đi qua BOT, để tránh mất phí khiến doanh thu ở BOT sụt giảm.

Nguyên nhân nữa theo ông Nguyễn Viết Huy là do dịch COVID-19 gây ra. Theo khảo sát của Bộ GTVT mới đây, có 58 dự án không tiến hành ký nghiệm thu do không đảm bảo doanh thu tài chính theo hợp đồng dự án đã ký. 58/61 dự án đang hoạt động khai thác có doanh thu giảm sút so với hợp đồng đã ký, nhiều dự án giảm từ 30-40%. Dự án giảm mạnh có thể lên đến 50%.

"Nếu không tăng phí, nhiều doanh nghiệp BOT có nguy cơ chuyển sang nợ hoặc sẽ thành nợ xấu tại ngân hàng", ông Huy nhấn mạnh.

Vẫn theo Vụ phó Vụ PPP, vấn đề này đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước.

"Chúng tôi hiểu rằng, tăng phí lúc này là nhạy cảm. Trong lúc chủ trương chung của tất cả các ngành nghề là đều giảm phí thì BOT lại tăng. Nhưng cần đặt mình vào vị trí doanh nghiệp, thời điểm này lợi ích doanh nghiệp cần được đặt lên hàng đầu. Chính phủ cũng kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BOT - các đơn vị từng có sự đầu tư và đóng góp to lớn trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, việc đưa ra giải pháp để hỗ trợ là hoàn toàn chính đáng", ông Huy nói.

Vậy ai sẽ "cứu" doanh nghiệp vận tải?

Tuy nhiên đề xuất Bộ GTVT cũng đang vướng phải nhiều ý kiến trái chiều của các doanh nghiệp vận tải vì thời gian vừa rồi họ cũng đã rất khó khăn và bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19.

Trong thời gian vừa qua, hầu hết các xe khách “nằm nhà”, khách không có, thế nhưng tiền bến bãi, tiền trả nợ ngân hàng… vẫn phải nộp đủ. Sau giãn cách xã hội, mặc dù xe khách đã được hoạt động trở lại, tuy nhiên lượng khách giảm có lúc đến 50%. Nhiều hãng xe chỉ chạy cầm chừng.

Đại diện nhà xe Sao Việt cho biết doanh nghiệp đang điêu đứng, nhiều doanh nghiệp khác hiện đã “chết lâm sàng” do lượng khách giảm sút, trong khi các doanh nghiệp vận tải chưa được hưởng sự hỗ trợ nào về giảm giá dịch vụ, thuế phí việc Bộ GTVT kiến nghị cho phép tăng phí BOT chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vào tình trạng “chết hẳn”.

Trong khi đó, nhà xe Đông Lý tuyến Thanh Hóa - Giáp Bát (Hà Nội) cho biết hiện nay mỗi chuyến xe khách Hà Nội - Thanh Hoá, trừ tiền xăng dầu, phí đường và bến bãi, nhà xe chỉ thu về khoảng 80% chi phí bỏ ra, nghĩa là mỗi chuyến xe lỗ 20%. Do vậy, nếu tăng phí BOT trong khi lãi suất ngân hàng chưa giảm thì sẽ dẫn chúng tôi đến bờ vực phá sản.

Đồng tình với các ý kiến này, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết phí BOT đang chiếm tỷ trọng lớn của giá thành vận tải, tăng phí BOT để cứu nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp khác. Chính vì thế, việc tăng phí BOT theo lộ trình hợp đồng đã ký kết phù hợp về lý, nhưng để “cứu” các nhà đầu tư BOT mà quên đi hàng vạn doanh nghiệp vận tải cũng như đông đảo người dân cả nước cũng đang gặp khó khăn thì không hợp tình.

Cần hài hoà lợi ích

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Bộ GTVT có cái khó là đã ký hợp đồng với doanh nghiệp BOT, nếu không cho tăng phí là vi phạm hợp đồng.

Về lý do Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT vì dịch Covid-19 đã làm sụt giảm doanh thu doanh nghiệp BOT, theo ông Quyền là không phù hợp, Bộ GTVT nên chọn thời điểm phù hợp hơn khi kinh tế trở lại gần như bình thường, hoạt động vận tải ổn định, do đó cần thận trọng tính thời điểm đề xuất.

Bộ GTVT nên chọn thời điểm phù hợp hơn khi kinh tế trở lại gần như bình thường, hoạt động vận tải ổn định, do đó, nên thận trọng tính thời điểm đề xuất. Đặc biệt, Bộ phải xem xét cụ thể, rà soát làm sao để lần điều chỉnh này tổ chức thu phí BOT phù hợp hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người dân, để không làm nảy sinh thêm mất công bằng, mâu thuẫn giữa người sử dụng và đơn vị cung ứng dịch vụ”, ông Quyền phân tích.

Tăng phí BOT sẽ cấu thành vào giá vận tải, tăng giá cước, ảnh hưởng đến giá hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ trong nước, tác động liên đới đến toàn xã hội, ông Quyền phân tích và cho rằng đề xuất tăng phí BOT vì dịch Covid-19 là không phù hợp.

“Đối với những công trình BOT chỉ là tuyến độc đạo mà đơn vị vận tải không có tuyến nào lựa chọn thì phải hết sức cân nhắc kỹ khi điều chỉnh tăng. Với công trình có tuyến song hành, người sử dụng có sự lựa chọn thì hoàn toàn có thể tăng. Nhà nước cần phải xem xét, giải quyết vấn đề trên rất nhiều góc độ khía cạnh để có giải pháp phù hợp. Bộ GTVT cần rà soát với những công trình đã quy định mức phí cao, thời gian thu phí ngắn thì nên có chủ trương điều chỉnh tăng thời gian thu phí và giữ mức phí hiện tại. Những dự án mức phí thấp so với mặt bằng chung thì nên xem xét, cân nhắc kỹ,” vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải kiến nghị giải pháp.

Biết rằng, việc tăng phí đã có lộ trình và nằm trong các điều khoản đã ký giữa Bộ GTVT-Bộ Tài chính với nhà đầu tư BOT. Tuy nhiên, cần lựa chọn thời điểm nào thích hợp để trình, xin tăng phí là câu chuyện khác. Vì trong lúc này nền kinh tế đất nước và cách doanh nghiệp như người vừa qua trận ốm “thập tử nhất sinh”, còn đang đi chưa vững mà bắt chạy tăng tốc ngay sẽ rất không phải đạo và bị phản ứng là đương nhiên.

Việc hợp lòng người, được lòng dân thực hiện sẽ rất đơn giản. Còn không hợp lý, bị phản ứng thì sẽ rất khó thực hiện, có “cố đấm ăn xôi” sẽ không nhận được sự đồng cảm, chia sẻ.

 
P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tăng phí BOT của Bộ GTVT: Liệu đã đúng thời điểm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...