Thứ sáu, 29/03/2024 19:24 (GMT+7)

Dịch Covid-19 tái bùng phát bẻ gãy đà phục hồi của ngành hàng không

MTĐT -  Thứ năm, 27/08/2020 10:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê của Cục Hàng không giai đoạn 19/7 – 18/8, tổng số chuyến bay của 5 hãng trong nước chỉ còn hơn 16.400, giảm 33% so với tháng trước và 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục hàng không Việt Nam, 7 tháng năm 2020 các hãng hàng không Việt Nam khai thác được hơn 140 ngàn chuyến bay, giảm 28,7% so với cùng kỳ.

Khi Việt Nam bắt đầu áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hồi cuối tháng 3, thiệt hại đối với ngành hàng không được thể hiện ngay lập tức. Trong giai đoạn 19/3 - 18/4/2020, tổng số chuyến bay của các hãng hàng không trong nước chỉ là 3.627, giảm 86% so với cùng kì năm 2019 và 83% so với tháng liền trước.

Trong một tháng từ 19/6 đến 18/7/2020, 5 hãng hàng không trong nước gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways khai thác tổng cộng 24.505 chuyến, chỉ còn giảm 18% so với cùng kì và tăng 32% so với tháng liền trước.

Từ tháng 5 đến khoảng ngày 20/7, ngành hàng không nước ta hồi phục được khoảng 90%, đây là mức rất cao mà không quốc gia nào khác trên thế giới đạt được. Trung Quốc cũng chỉ hồi phục được khoảng 60%, Nhật Bản được khoảng 70% - theo cập nhật của ANA Holdings (cổ đông lớn của Vietnam Airlines).

Thành tích này đạt được là nhờ thực tế Việt Nam có hình dạng trải dài từ Bắc vào Nam với dân số đông đúc gần 100 triệu người, hàng không nội địa có thể sống lại nhanh chóng khi đất nước kiểm soát được dịch.

Tuy nhiên, sau 99 ngày không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đến ngày 25/7, Việt Nam đã ghi nhận một bệnh nhân tại TP Đà Nẵng khiến ngành hàng không một lần nữa ảm đạm vì dịch.

Theo thống kê của Cục Hàng không giai đoạn 19/7 – 18/8, tổng số chuyến bay của 5 hãng trong nước chỉ còn hơn 16.400, giảm 33% so với tháng trước và 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Vietnam Airlines bị giảm hơn 4.300 chuyến, tương đương giảm gần 40% so với tháng 7, còn khoảng 6.700 chuyến. Vietjet Air khai thác hơn 5.700 chuyến, giảm 31%, tương đương trên 2.600 chuyến bay.

Tổng số chuyến của các hãng Bamboo Airways, Pacific Airways, VASCO giảm lần lượt giảm 17%, 15% và 43% so với giai đoạn tháng 7. Các hãng bay đã hủy 490 chuyến, tăng 325 chuyến so với tháng trước đó. Các hãng gần đây của cũng phải giảm tần suất hoặc dừng khai thác một số tuyến ít khách như đi/ đến khu vực Tây Nguyên.

Chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế

Ông Dương Trí Thành – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, từ khi hòa bình lập lại đến nay, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế. Đang phát triển vững mạnh nhưng đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn toàn bộ, khiến hãng bị lỗ ròng 15.000 tỉ đồng. Nếu áp dụng chậm lại khấu hao, chính sách về thuế xăng dầu, dự kiến bớt được 2.200 tỉ đồng thì sẽ lỗ khoảng 13.000 tỉ đồng.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines dự báo, tổng thị trường nội địa 5 tháng cuối năm có thể chỉ còn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm 2020, tổng thị trường thấp hơn 30-40%, giá vé cũng giảm 30%.

Ông Dương Trí Thành cũng cho biết: "Làn sóng dịch bệnh thứ hai không dập tắt nhưng đã bẻ gãy đà phục hồi của hàng không Việt Nam".

"Ngành hàng không sa sút là do dịch COVID-19, muốn hồi phục được phải phụ thuộc vào vắc xin và thuốc điều trị", ông Thành nhận định thêm.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, các hãng tại Việt Nam mất đi doanh thu khoảng 4 tỉ USD, trong đó đại dịch COVID-19 đã khiến Vietnam Airlines giảm doanh thu 50.000 tỉ đồng, dự kiến lỗ 29.000 tỉ đồng, dòng tiền thâm hụt 16.000 tỉ đồng. Do đó, Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8.2020 nếu không có hỗ trợ của Chính phủ với vai trò chủ sở hữu.

Để đối phó với đại dịch COVID-19, Vietnam Airlines đưa ra nhiều giải pháp ứng phó và đã cắt giảm các chi phí hơn 5.000 tỉ đồng. Cùng với đó, Vietnam Airlines đề nghị chủ sở hữu tăng vốn hoặc có giải pháp cho vay, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỉ đồng.

Trao đổi với báo Lao động, đại diện Cục Hàng không Việt Nam - ông Đinh Việt Thắng - cho hay, các hãng không bay thì không có doanh thu, điều này giống như dòng máu trong cơ thể nếu tắc sẽ làm gián đoạn rất lớn.

Thiệt hại rõ ràng đối với các hãng hàng không chính là không có doanh thu trong mùa dịch nhưng vẫn phải trả các chi phí tàu bay, nhân viên, các chi phí quản lý khác... Do đó, để vực dậy ngành Hàng không vào giai đoạn này, sự hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các hãng hàng không có vốn để khôi phục lại các dịch vụ.

Hỗ trợ nguồn vốn của Chính phủ chỉ là hỗ trợ, khuyến khích các hãng hàng không duy trì hoạt động, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, cố gắng của chính các đơn vị. Cần có một cú hích cả về tinh thần và vật chất để các hãng hàng không có quyết tâm vượt qua khó khăn này.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Dịch Covid-19 tái bùng phát bẻ gãy đà phục hồi của ngành hàng không. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới