Thứ bảy, 20/04/2024 04:48 (GMT+7)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kết nối thế nào với xe buýt?

MTĐT -  Thứ hai, 13/08/2018 10:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi đi vào hoạt động, 12 ga đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông sẽ kết nối với các tuyến xe buýt trên địa bàn TP. Hà Nội, giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Nói về việc kết nối đường sắt trên ca Cát Linh - Hà Đông với các phương tiện công cộng khác, theo tin tức trên VTCNew, tại buổi tọa đàm “Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội sẽ hoạt động thế nào?” mới diễn ra vào hôm 10/8, ông Chu Quang Trung - Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho rằng việc kết nối của tuyến đường sắt trên cao với các phương tiện khác, trong đó có xe buýt là rất quan trọng. Nếu kết nối thuận tiện, tàu điện trên cao sẽ thu hút sự quan tâm và nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Trung cũng cho biết, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.

Cụ thể, theo Vnexpress các tuyến buýt sau đây sẽ được kết nối với 12 nhà ga của đường sắt trên cao:

Ga Cát Linh có quy mô lớn nhất của tuyến, nằm ở đoạn giao ngã năm Cát Linh, Hào Nam, Giảng Võ và Giang Văn Minh. Từ ga này, hành khách có thể kết nối với tuyến metro số 3 (Nhổn - ga Hà Nội), BRT số 1 Kim Mã - Yên Nghĩa và các tuyến xe buýt số 18, 22, 23...

Ga La Thành nằm trên cao gần ngã tư La Thành - Hào Nam. Tại đây, hành khách có thể kết nối với tuyến xe buýt số 50, 99, 23, 30.

Ga Thái Hà đặt trên phố Hoàng Cầu mới, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến xe buýt số 26, 30, 50, 18, 35A, 84.

Các ga đường sắt trên cao sẽ kết nối với các tuyến xe buýt. Ảnh: Internet.

Ga Láng nằm sát bờ sông Tô Lịch, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến buýt số 09B, 16, 24, 27.

Ga Thượng Đình ở gần đoạn giao cắt Khương Đình - Nguyễn Trãi, hành khách có thể kết nối với tuyến xe buýt số 02, 19, 01, 27.

Ga vành đai 3 nằm ở hầm chui Thanh Xuân. Tại đây có nhiều tuyến xe buýt  kết nối là 27, 29, 01, 02, 05, 19, 21B, 21A trên đường Nguyễn Trãi và tuyến số 22C, 29 tại hầm đường bộ Nguyễn Xiển.

Ga Phùng Khoang nằm ở đoạn giao giữa phố Nguyễn Trãi và Phùng Khoang. Hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 39, 27, 02, 19, 01. 

Ga Văn Quán nằm ở bến xe Hà Đông cũ, có vị trí thuận tiện giúp hành khách kết nối với các tuyến buýt, xe khách tại bến xe Hà Đông,

Ga Hà Đông nằm gần bệnh viện đa khoa Hà Đông. Từ nhà ga, hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 89, 01, 02, 27, 33.

Ga La Khê gần nút giao Lê Trọng Tấn - Quang Trung. Từ nhà ga, hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 01, 02, 21A, 27.

Ga Văn Khê nằm giữa phố Quang Trung và đường Ba La. Tại đây, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến xe buýt số 91, 01, 02, 21A, 27.

Ga Yên Nghĩa là ga cuối của tuyến, nằm ngay trước bến xe Yên Nghĩa trên đường Quang Trung, Hà Đông. Nhà ga giúp hành khách kết nối với các tuyến xe buýt nội đô, cũng như các xe khách liên tỉnh đi Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Kon Tum...

Có điểm gửi xe để đi đường sắt

Tại cuộc họp diễn ra vào hôm 10/8, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội), đường sắt đô thị sẽ tiếp cận, kết nối với người đi bộ dọc hành lang tuyến; các phương tiện cá nhân khác như xe đạp, xe máy, ôtô bằng cách có điểm đỗ xe, gửi xe để đi đường sắt.

Ngoài ra, theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, buýt nhỏ là tuyến buýt gom khách cho tuyến buýt khác và đường sắt đô thị.

“Thời gian tới, theo đề án giảm phương tiện cá nhân, việc tăng cường xe buýt gom là cần thiết. Do đó, Sở GTVT sẽ nghiên cứu đưa vào để phù hợp nhất,” ông Tuấn cho hay.

Hình ảnh đoàn tàu chạy thử vào tuần trước. Ảnh: Internet. 

Giá vé hợp lý

Cũng tại buổi tọa đàm, đề cập đến vấn đề giá vé, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết: “Theo khảo sát của chúng tôi, 98% người dân được hỏi cho biết, đều có biết đến dự án Cát Linh - Hà Đông, 95% cho biết sẽ đi đường sắt này, ít nhất là 1 lần đi thử”, ông Trường thông tin.

Giá vé tàu do UBND TP Hà Nội phê duyệt, được Nhà nước trợ giá nên sẽ không quá cao so với xe buýt. Hành khách đi lên tàu bằng thang cuốn và đi xuống thang bộ, người khuyết tật có đường riêng. “Theo khảo sát của chúng tôi, đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này dù giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35 - 37%. Tuy nhiên, đa phần mọi người thích sử dụng vé tháng hơn và chấp nhận cao hơn 10 - 15% xe buýt”, ông Trường nói.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi nhanh, an toàn và có thể nói là hấp dẫn với mọi người nên mức vé khoảng 10.000 đồng/lượt là phù hợp.

Theo ông Liên, đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư ngân sách Nhà nước bởi vậy khi đưa vào khai thác nên khuyến khích người dân sử dụng, phục vụ nhân dân và phục vụ an toàn giao thông. Vì thế, giá vé được trợ giá nên sẽ không cao ở thời điểm ban đầu.

Dưới góc độ người dân được tham gia trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy dọc qua các con phố ở Thủ đô, anh Phạm Văn Bằng (phố Vĩnh Hồ, quận Đống Đa) trao đổi với TTXVN chia sẻ một số cảm nhận của mình.

“Lúc vận hành, tàu chạy an toàn, kể cả hành khách đứng cũng chỉ thấy lắc nhẹ và không bị giật khi tàu phanh dừng vào nhà ga. Chưa kể, lúc tàu đi trên cao qua hồ Hoàng Cầu hoặc chạy dọc tuyến đường Nguyễn Trải, nhìn qua tấm kính cửa kính, buông tầm mắt thấy cảnh quan phố phường thủ đô cũng là một trải nghiệm khá lạ lẫm,” anh Bằng chia sẻ.

“Tuyến đường sắt này nếu đưa vào hoạt động, khi Nhà nước hỗ trợ giá vé với mức khoảng 10.000 đồng, chắc chắn rất đông người dân dọc tuyến đường này lựa chọn làm phương tiện đi lại, nhất là vào khung giờ cao điểm tắc đường,” anh Bằng nhìn nhận.

Như vậy, sau nhiều năm chậm tiến độ, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội - Cát Linh - Hà Đông sắp được đưa vào vận hành, khai thác với kỳ vọng sẽ làm giảm ùn tắc giao thông và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành các hạng mục xây dựng trên toàn tuyến đạt trên 96%; hơn 95% thiết bị được nhập về và lắp đặt hoàn chỉnh khoảng 85%.

Tháng 8, Tổng thầu Trung Quốc đang căn chỉnh từng hạng mục đã lắp đặt; công tác cấp điện và đóng điện trên toàn tuyến, dự kiến đoàn tàu chạy thử trên toàn tuyến vào cuối tháng này.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kết nối thế nào với xe buýt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...