Thứ sáu, 19/04/2024 03:31 (GMT+7)

Đường sắt Việt Nam: Vì sao lỗ nặng vẫn phải chạy?

MTĐT -  Chủ nhật, 28/10/2018 17:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau một thời gian cắt giảm, dừng hoạt động vì thua lỗ, CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã phải cho hoạt động trở lại một số tuyến đường sắt dù doanh thu thấp và chi phí vận hành lớn.

Khó cạnh tranh

Theo VietnamNet, mới đây, Giám đốc công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp cho biết, từ 1/9 vừa qua, ngành đường sắt phải cho chạy trở lại các đoàn tàu lỗ sau một thời gian cắt giảm, dừng hoạt động.

Cụ thể, các tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Đồng Đăng đều được chạy trở lại với tần suất 7 ngày trong tuần, mỗi ngày chạy một chuyến (đi - về).

Trước đó, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Thái Nguyên phải bỏ hẳn, tuyến Hà Nội - Hạ Long giảm từ 7 chuyến còn 1 chuyến/tuần.

Đây đều là các tuyến có cự ly ngắn, không cạnh tranh được với đường bộ nên có mức doanh thu rất thấp, trong khi chi phí vận hành lại rất lớn.

Cụ thể, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng doanh thu mỗi chuyến chỉ khoảng 4 triệu đồng, Hà Nội – Thái Nguyên chỉ 3 triệu đồng, thậm chí tuyến Hạ Long - Hà Nội mỗi chuyến chỉ thu được 1,9 triệu.

Doanh thu thấp, trong khi chi phí vận hành cho hạ tầng, sức kéo, sửa chữa toa xe; trả lương cho công nhân… bình quân phải 10,4 triệu đồng/chuyến.

“Với tần suất tàu chạy tất cả các ngày như hiện nay, ước tính mỗi năm công ty phải bù thêm hàng chục tỷ đồng. Mức lỗ này chưa tính khoản trợ giá phí hạ tầng, phí đầu kéo và phí vận hành được Tổng công ty hỗ trợ”, ông Hiệp nói.

Cùng với sự phát triển hạ tầng của các loại hình giao thông vận tải khác và sự lạc hậu của ngành đường sắt, những năm gần đây đường sắt liên tục bị thua lỗ nặng vì vắng khách.

Chấp nhận lỗ, CP Vận tải đường sắt Hà Nội vẫn phải cho hoạt động trở lại 3 tuyến đường sắt. Ảnh minh họa: Internet. 

Lỗ vẫn hoạt động trở lại

Trước đó, tại báo cáo thường niên năm 2017 của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, dù tổng doanh thu đạt tới 2.289 tỷ đồng, nhưng đơn vị này vẫn lỗ nặng, lên đến hơn 87 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐTV công ty cho biết, năm qua liên miên bão lụt, xảy ra nhiều sự cố tàu. Trong khi đó, chi phí chuyển tải, cứu viện tăng đáng kể. Cùng đó, sản lượng vận chuyển một số chân hàng truyền thống sụt giảm mạnh.

Lãnh đạo công ty này cũg cho biết, nguyên nhân nữa phải kể đến là chi phí trả lương cho CBCNV rất cao do quá trình thực hiện tái cơ cấu đường sắt những năm qua. Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội phải “gánh” số lượng nhân công lao động quá đông. Sau khi sáp nhập 3 công ty vận tải và Liên hiệp Sức kéo, công ty có đến 12.500 lao động; Khi đưa khối đầu máy và nhà ga về Tổng công ty Đường sắt, công ty vẫn còn 6.500 lao động.

Về tình trạng thu không đủ chi, dẫn báo cáo của Công ty, TTXVN đưa tin, năm 2017 trên 3 tuyến tàu khách gồm HĐĐ5/6 (Hà Nội - Đồng Đăng) có chênh lệch thu chi âm tới gần 8 tỷ đồng; H1901-1902 (Hà Nội - Quán Triều) âm 5,7 tỷ đồng; H51501-51502 (Yên Viên - Hạ Long) âm gần 7,5 tỷ đồng.

Giám đốc ông ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, năm 2017 công ty đã phải bù lỗ 21 tỷ đồng cho các chuyến tàu chạy lỗ. Do vậy, đơn vị đã phải dừng hoạt động tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và giảm tần suất tuyến Hà Nội - Hạ Long.

Thế nhưng, sau khi dừng hoạt động, các địa phương có tuyến đường sắt đi qua yêu cầu hoạt động trở lại nên Tổng công ty Đường sắt buộc phải cho tăng tần suất chạy tàu tất cả các ngày trong tuần như trước.

Trước thực tế này, mới đây, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đã phải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, VNR trước mắt cho phép các tàu khách chạy trên các tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều - Yên Viên - Hạ Long được áp dụng hỗ trợ giá thực hiện nhiệm vụ vận tải an sinh xã hội để Công ty phục hồi lại chạy tàu khách trên các tuyến trên phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong sáu tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần đường sắt Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh có 3 tuyến đường sắt chạy qua phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để giúp đỡ đơn vị hoàn thiện thủ tục về chạy tàu an sinh xã hội.

Công ty đường sắt Hà Nội cũng đưa ra bảng dự kiến doanh thu, chi phí cho sáu tháng cuối năm (368 đoàn tàu cho mỗi tuyến) với số tiền có thể lên tới âm 12 tỷ đồng.

Còn theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), những năm qua, doanh số của VNR đều đạt thấp. Năm 2017, VNR phục vụ 11 triệu lượt hành khách, đạt lợi nhuận 154 tỷ đồng. Năm 2016, số hành khách chỉ là 9,8 triệu lượt, doanh thu đạt 6.665 tỷ đồng. Hạ tầng lạc hậu được cho là nguyên nhân khiến đường sắt Việt Nam thất thế trong cuộc cạnh tranh với hàng không giá rẻ và xe khách chất lượng cao. Hiện tại, chỉ khoảng 2% ngân sách Nhà nước đầu tư cho đường sắt. Tỷ lệ này đối với đường bộ là 92%.

Trả lời các đại biểu Quốc hội hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Nâng cấp cũng hết sức đắn đo. Nâng cấp mà đổ tiền nhiều trong khi hiệu quả thấp và không kết nối được thì cũng là mâu thuẫn. Nhiều năm qua, lãnh đạo bộ cũng như ngành giao thông hết sức trăn trở, cố gắng làm sao duy trì đường sắt hiện nay hoạt động đáp ứng yêu cầu và tập trung làm đường sắt mới, hiện đại để hòa nhập với thế giới”.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt Việt Nam: Vì sao lỗ nặng vẫn phải chạy?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.