Thứ sáu, 19/04/2024 07:34 (GMT+7)

Gắn “mào” cho Grab: Cần thiết để phân biệt Grab với xe tư nhân

V.Chương -  Thứ năm, 18/04/2019 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Grab vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe.

Công ty TNHH Grab vừa có văn bản số 1104 góp ý với dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Bộ GTVT. Trong đó, công ty này đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe.

Theo Grab, mục tiêu của quy định về hộp đèn trên nóc xe nhằm phục vụ cho việc nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường. Do đó, Grab cho rằng việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử là không phù hợp.

Grab ở nhiều nước đã gắn mào taxi.

Công ty này giải thích, nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng thì tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “xe taxi” hoặc “xe hợp đồng” trên kính trước của xe như quy định của pháp luật. Nếu nhằm mục đích nhận diện xe cho hành khách thì cũng không cần thiết, vì thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối. Bên cạnh đó, các lái xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như đối với loại xe taxi bằng hình thức vẫy. Grab còn cho rằng việc lắp hộp đèn sẽ tăng chi phí kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Chúng tôi đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe”, Grab đề xuất.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam từng trả lời trên báo chí rằng ông ủng hộ xe hợp đồng phải gắn mào. Xe Grab giống taxi vì đều có mục đích kinh doanh vận tải. Do đó cần phải gắn logo, gắn mào taxi điện tử cho xe Grab để phân biệt với các xe tư nhân.

Theo ông Thanh, bản chất của xe Uber, Grab trước khi vào Việt Nam là "kinh tế chia sẻ", giúp giảm xe cá nhân lưu thông trên đường. Song hiện nay nhiều người đầu tư xe hợp đồng điện tử để kinh doanh như taxi, tỷ lệ xe cá nhân hoạt động khi nhàn rỗi trong lĩnh vực này không nhiều. "Tôi không biết tỷ lệ bao nhiêu, song khi hỏi lái xe Grab thì đều nhận được câu trả lời rằng họ kinh doanh chuyên nghiệp, không phải tận dụng xe nhàn rỗi", ông Thanh nói.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cũng cho rằng, xe Grab bản chất là hoạt động kinh doanh vận tải nên phải được coi là taxi. Các xe này phải có bộ nhận diện riêng hoặc gắn biển màu vàng để phân biệt với xe gia đình, các cơ quan chức năng dễ quản lý.

Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT) cho rằng, kinh doanh vận tải - điều đầu tiên là phải đảm bảo an toàn và sự hài lòng cho khách hàng. Cho nên việc "gắn mào", đổi phù hiệu cho xe Grab là việc nên làm. Điều này giúp khách hàng, cơ quan quản lý dễ nhận diện đối tượng và dễ quản lý hơn.

Vị này nói rằng việc "gắn mào", đổi phù hiệu "xe hợp đồng" sang "xe taxi" không ảnh hưởng đến vấn đề ứng dụng hay không ứng dụng công nghệ trong việc kinh doanh vận tải.

Bạn đang đọc bài viết Gắn “mào” cho Grab: Cần thiết để phân biệt Grab với xe tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.