Thứ năm, 28/03/2024 18:37 (GMT+7)

Grab “sống chui” và thực trạng kinh tế chia sẻ biến tướng, bóp méo

V.Chương -  Thứ hai, 18/03/2019 06:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh…tài xế Grab liên tiếp bị phát hiện chạy chui. Ngoài ra, thương vụ Grab mua lại Uber vừa bị Bộ Công thương cho rằng có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.

Liên tiếp bị tố “chạy chui”

Vào tháng 6/2018, Công ty TNHH Grab Taxi muốn mở rộng dịch vụ ra các tỉnh thành ngoài đề án thí điểm, nhưng đã bị Bộ GTVT từ chối.  Theo đó, ngoài các tỉnh, thành thí điểm, Công ty TNHH Grab Taxi có văn bản đề xuất được mở rộng dịch vụ Grab Taxi ra nhiều tỉnh, thành như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai… Tuy nhiên, Bộ GTVT không chấp nhận, yêu cầu không được mở rộng hoạt động ngoài địa bàn thí điểm.

Mặc Bộ GTVT từ chối, tại các tỉnh thành, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều Grab chạy “chui”.

Cụ thể, ngày 8/8, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã nhận được văn bản khẩn của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh việc ứng dụng KHCN trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng và xe taxi của Công ty TNHH Grab. Theo văn bản của UBND tỉnh, Công ty TNHH GrabTaxi đã có nhiều vi phạm như: Đơn vị này đã không làm việc với doanh nghiệp mà lại trực tiếp làm việc với lái xe để cài đặt phần mềm ứng dụng KHCN gây bức xúc cho các đơn vị trên. Đặc biệt, công ty này còn cài đặt ứng dụng cho các xe cá nhân, không được Sở GTVT cấp phù hiệu (xe dù) để hoạt động.

Do không được sự cho phép, đơn vị Công ty TNHH Grab Taxi đã hoạt động chui, không báo cáo Sở GTVT về kết quả hoạt động của mình; không có trụ sở và đại diện pháp lý hợp pháp tại Khánh Hòa.

Việc hoạt động rầm rộ không phép của Grab tại địa phương đã gây rối cho giao thông vốn đã ùn tắc trong trung tâm thành phố. Chưa kể đến việc, một số xe hoạt động mang biển tỉnh khác kéo về.

Tương tự, tháng 10/2018, Hiệp hội taxi Quảng Ninh ‘tố’ nhiều xe Grab ‘chạy chui’. Cụ thể, Hiệp hội taxi Quảng Ninh khẳng định Grab vi phạm nghiêm trọng các quy định của Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016. Cụ thể, danh sách 14 phương tiện do Hiệp hội phản ánh là toàn xe cá nhân chưa được cấp phù hiệu xe hợp đồng tham gia hoạt động trên ứng dụng phần mềm đặt xe của Grab.

Trước đó, tại Lâm Đồng, nhiều xe taxi đã cài phần mềm Grab để “lén lút” hoạt động tại TP Ðà Lạt trong khi Lâm Ðồng không nằm trong diện các địa phương được Bộ GTVT cho phép mở rộng thí điểm dịch vụ taxi cài ứng dụng Grab.

Theo Báo Lâm Đồng, trên trang website Grab.com cuối năm 2017 cũng phát đi thông báo: “Bắt đầu từ 18/12/2017, Grab sẽ chính chính thức áp dụng dịch vụ Grab taxi tại Lâm Đồng”. Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, ngay sau thời gian ngắn xin được hoạt động tại địa bàn TP Đà Lạt nhưng không được sự đồng ý từ cơ quan có thẩm quyền địa phương, phía Công ty TNHH Grab taxi đã dừng hoạt động cũng như đặt văn phòng tại Đà Lạt. Tuy nhiên, Sở thừa nhận nhiều xe ô tô cá nhân, tài xế của một số hãng taxi truyền thống vẫn tiếp tục tải ứng dụng Grab về xe, để tăng lượng khách hàng, kiếm thêm lợi nhuận.

Theo Văn bản số 1850 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 24 của Bộ GTVT chỉ chấp thuận cho Công ty TNHH GrabTaxi triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Tuy nhiên, thời gian qua, Grab lại mở rộng phạm vi hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố lớn như: Biên Hòa, Vũng Tàu, Bình Dương, TP Huế...

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Grab liên tiếp bị phát hiện “chạy chui” tại nhiều tỉnh thành cho thấy công ty này đang “coi thường” các quy định của pháp luật.

Biến tướng

Đặt chân đến Việt Nam từ giữa năm 2014 với tư cách là những ứng dụng đi chung tận dụng xe nhàn rỗi, hạn chế xe cá nhân ở các đô thị lớn, Grab nhanh chóng chiếm được cảm tình của người Việt. Bởi họ đưa ra viễn cảnh có lợi cả đôi bên. Người có xe nhàn rỗi kiếm thêm tiền, người tiêu dùng có thêm lựa chọn giá rẻ. Tuy nhiên, những ý tưởng tốt đẹp ban đầu đó dần bị biến tướng hoặc đi ngược lại mục đích ban đầu.

Cách đây không lâu, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng việc Grab, Uber có lượng xe hoạt động như taxi phá vỡ quy hoạch giao thông đô thị. "Taxi có quy định nhận diện, niêm yết giá, tăng giá phải báo cáo. Tuy nhiên, Uber, Grab có quy định lỏng lẻo hơn, nhận biết khó hơn, quản lý khó hơn”, ông Viện nói.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng giá cước Uber, Grab có rẻ hơn nhưng không kiểm soát được, có thể tăng theo giờ, khuyến mại theo ngày. Việc tăng giá lại hoàn toàn do hãng cung cấp phần mềm quyết định, chính lái xe cũng không biết.

Thứ ba, người tiêu dùng khi sử dụng Uber, Grab về cơ bản là hợp đồng thỏa thuận. Tuy nhiên, khách hàng bị ép buộc phải chấp nhận mức giá mà Uber, Grab đưa ra.

Vào Việt Nam với “triết lý” sử dụng xe nhàn rỗi nhưng xe nhàn rỗi không thấy đâu, chỉ toàn xe mua mới hoặc xe từ các tỉnh thành đổ về Hà Nội chạy Grab. Hà Nội vốn đã ùn, nay thêm số lượng xe khổng lồ đổ về lại thêm tắc.

Theo ước lượng của Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, trong khoảng 50.000 phương tiện Uber, Grab đang lưu thông (chỉ tính ôtô), có đến 90% xe lưu thông là xe mua mới chứ không phải xe nhàn rỗi.

“Mô hình chia sẻ xe biến thành hình thức 'taxi không mào' tự bao giờ không hay,” ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nói.

Ông Thanh khẳng định dịch vụ chia sẻ xe biến tướng nghiêm trọng. Số lượng phương tiện cá nhân liên tục tăng và đổ xô vào thành phố. Người người đua nhau đi làm tài xế taxi công nghệ, như một xu hướng vậy.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX GT-VT Toàn Cầu thẳng thắn nói rằng nền kinh tế chia sẻ của các hàng taxi công nghệ ở Việt Nam bị bóp méo.

Ông Tuấn dẫn chứng: “Hợp tác xã của tôi có 2.000 lái xe chạy taxi công nghệ và tôi khẳng định 100% số đó là xe mua mới để chạy kinh doanh, chứ đâu có chia sẻ gì đâu. Những tài xế này chỉ khác taxi truyền thống ở chỗ không bị khoán định mức mà thôi”.

Chưa dừng lại ở đó, Bộ Công Thương vào thasg 6/2018 đã phát đi thông báo về kết luận điều tra vụ Grab mua lại Uber. Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh) đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Ngày 30/11, Cục trưởng Cục Cạnh tranh đã ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh. Căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục Cạnh tranh đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm.

Hai dấu hiệu vi phạm được cơ quan chức năng chỉ ra là “hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh” và “hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh”.

Sai lầm của Bộ GTVT không khống chế số lượng thí điểm

Vào tháng 8/2018, Hiệp hội taxi của Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đã có kiến nghị gửi Thủ tướng về việc Bộ GTVT không trung thực khi về kết quả thí điểm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Trong văn bản này, hiệp hội taxi 3 miền cho rằng Bộ GTVT đã không trung thực khi đánh giá về thực trạng hoạt động taxi trong Quyết định 24 của bộ GTVT cho phép công ty Uber, Grab thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam. Lãnh đạo Bộ này đã bỏ qua nhiều sai lầm trong nghiên cứu, đề xuất của Vụ vận tải - Bộ GTVT.

Theo đó, việc không tiếp thu việc kiến nghị khống chế số lượng xe thí điểm, đã cho thí điểm tại 5 thành phố là những thị trường vận tải taxi lớn của cả nước, khiến lượng xe phát sinh không thể kiểm soát được, trong một thời gian ngắn, lượng xe lưu hành đã tăng gấp 3 lần số lượng taxi. Các xe Uber, Grab cũng gây rối loạn cho tình hình giao thông trong các thành phố khi lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông gặp nhiều khó khăn để xác định xe kinh doanh, thực tế là thường không phân biệt được.

Bạn đang đọc bài viết Grab “sống chui” và thực trạng kinh tế chia sẻ biến tướng, bóp méo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.