Thứ sáu, 19/04/2024 21:11 (GMT+7)

Hà Nội cấm xe máy là có phần ưu ái cho ô tô?

MTĐT -  Thứ sáu, 15/03/2019 16:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nói về việc Hà Nội đề xuất nghiên cứu cấm xe máy tại 2 tuyến phố Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi, một số chuyên gia đặt câu hỏi, tại sao Hà Nội không cấm ô tô, lại đổ lỗi cho xe máy?

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra đề xuất dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030; nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực đủ điều kiện hạ tầng như đường Lê Văn Lương hoặc đường Nguyễn Trãi sau khi đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động (tháng 4/2019).

Nói về việc này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, cấm xe máy sẽ không tiến hành nóng vội mà được nghiên cứu thấu đáo để khả thi, bảo đảm điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của nhân dân ở khu vực liên quan.

Tuy nhiên, đề xuất này của Sở GTVT Hà Nội đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, nhưng lại cho rằng Hà Nội cần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng trước khi cấm xe máy.

Sở GTVT Hà Nội quá “gấp rút”?

Liên quan đến thông tin sẽ cấm đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động, trao đổi với báo PNVN, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội ngạc nhiên, bởi không hiểu tại sao lại Sở Giao thông vận tải Hà Nội “gấp rút” như vậy.

Theo ông Liên, việc hạn chế tiến tới cấm xe máy nằm trong Đề án hạn chế tiến tới giảm dần xe máy đã được đưa ra lấy ý kiến các Sở, Ban, Ngành và được đồng ý. Theo đề án, dự kiến, đến năm 2025 Hà Nội sẽ bắt đầu thí điểm hạn chế xe máy tại một số tuyến đường trong nội đô. Đến năm 2030 thì sẽ tiến hành thực hiện hạn chế xe máy trên diện rộng. Đề án đã được HĐND TP thông qua và bước vào quá trình chuẩn bị.

Đường Nguyễn Trãi luôn nằm trong tình trạng tắc đường, nhất là những giờ cao điểm. Ảnh: Internet. 

Ông Liên cho rằng, hạn chế xe máy là chủ trương lớn, cần phải có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng thì mới có thể triển khai được. Ví như phải chuẩn bị bến bãi gửi xe tại các trạm trung chuyển để người dân dân có chỗ gửi xe máy… Nhưng hiện giờ, Hà Nội hạ tầng giao thông công cộng chưa được bao nhiêu. Trong khi đó, hai tuyến đường dự kiến cấm đều là tuyến đường xương sống, hàng ngày có rất nhiều phương tiện xe máy qua lại. Nếu cấm 1 tuyến đường thì người dân sẽ đổ sang đi tuyến còn lại, gây ra tắc cục bộ. Hiện nay, giờ cao điểm đã tắc rồi thì sau này sẽ còn kinh khủng hơn nữa. Tại tuyến đường lớn đã thế, các ngõ nhỏ thì phương tiện cộng cộng có đi lại được không? Đó là chưa kể, khi cấm xe máy, những gia đình có thu nhập khá cũng xe mua ô tô rồi lại tắc đường. “Tôi không hiểu sao Sở Giao thông vận tải Hà Nội lại đẩy nhanh tiến độ như vậy”, ông Liên nói.

Về lý do xe máy làm ô nhiễm môi trường, ông Liên cho rằng chỉ đúng một phần. Bởi ngoài xe máy còn có nhiều yếu tố khác gây ô nhiễm, trong đó có ô tô. Thậm chí, ô tô còn tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn. Hơn nữa, ô tô chiếm không gian lớn hơn, gấp 5-6 lần xe máy nhưng chở được ít người hơn. Trên các hình ảnh chụp đưa lên mạng ta thấy, ô tô cũng là thủ phạm tắc đường khi họ đi lấn làn, thậm chí chen cả lên vỉa hè. “Tại sao Hà Nội không cấm ô tô, lại đổ lỗi cho xe máy. Tôi cho rằng Hà Nội chỉ cấm xe máy là có phần ưu ái cho ô tô”, ông Liên nói.

Chủ trương đúng nhưng cần phải phù hợp

Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia bày tỏ, hai hai tuyến đường nêu trên là trục giao thông huyết mạch của thủ đô, "nếu cấm xe máy ở Lê Văn Lương thì đông đảo người dân không có cách nào khác phải luồn lách qua Trần Duy Hưng, nghĩa là chúng ta không đạt được mục tiêu giảm phương tiện cá nhân".

Xe buýt nhanh trên đường Lê Văn Lương chưa đáp ứng được yêu cầu đi lại của người dân. 

Cũng theo ông Tạo, dù đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi tới đây sẽ có cả xe buýt nhanh và đường sắt đô thị, nhưng do giao thông công cộng ở Hà Nội chưa được khép kín giúp người dân đi từ điểm đầu đến điểm cuối, nên hai loại hình đó chỉ là phương tiện phối hợp, không thể thay thế hoàn toàn xe máy.

Trao đổi với báo Pháp luật TP. HCM, GS Từ Sỹ Sùa, giảng viên Trường ĐH GTVT Hà Nội, cho rằng Hà Nội không nên chọn hai tuyến phố Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương để thí điểm cấm xe máy vì đây là trục giao thông chính từ Hà Đông vào trung tâm Hà Nội, có lưu lượng người sử dụng xe máy rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

“Chủ trương hạn chế xe cá nhân là đúng nhưng tiến hành phải phù hợp. Hai tuyến phố trên đều là đường xuyên tâm, độc đạo, có tỉ lệ người sử dụng xe máy rất lớn. Giả sử nếu TP cấm ngay thì chắc chắn hạ tầng giao thông sẽ quá tải, dân đi vào đâu được?” - chuyên gia này nói.

Ông cho rằng Hà Nội nên chọn những tuyến phố trung tâm tại khu vực Hoàn Kiếm, nơi đường sá chia ô bàn cờ để làm thí điểm cấm xe máy thì hợp lý hơn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội cấm xe máy là có phần ưu ái cho ô tô?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...