Thứ năm, 28/03/2024 22:23 (GMT+7)

Hà Nội chi 114 tỷ rửa đường: Phải minh bạch, tránh lãng phí

MTĐT -  Thứ ba, 09/06/2020 11:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Việc tưới nước rửa đường hết sức là cần thiết nhưng chi số tiền đó, Hà Nội phải tính toán cụ thể, chi li, tính toán cái gì nên làm và cái gì không nên làm." - ĐB Phạm Văn Hòa.

UBND TP Hà Nội vừa đồng ý kế hoạch tưới nước rửa đường tại 30 quận, huyện, thị xã. Theo đó, thành phố yêu cầu việc rửa đường tuân thủ nguyên tắc đảm bảo vệ sinh môi trường, không chồng lấn với hoạt động của xe quét hút và không tưới nước rửa đường trong ngày mưa.

Kinh phí rửa đường năm 2020 của thành phố trên 114 tỷ đồng từ ngân sách. Trong đó quận Cầu Giấy có dự kiến chi cao nhất gần 11 tỷ đồng, huyện Ba Vì đứng thứ hai với 7,8 tỷ đồng và thấp nhất huyện Đông Anh gần 500 triệu đồng.

Các tuyến phố, đường được rửa đường thường xuyên là những tuyến phố chính ở địa bàn quận, huyện và thường xuyên phát sinh bụi bẩn. Việc tưới nước không thường xuyên thực hiện khi có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và áp dụng đối với tuyến đường, phố, khu vực tổ chức sự kiện hoặc chống nóng; những ngày chất lượng không khí ở mức "kém"...

Việc rửa đường sẽ được thực hiện trên toàn thành phố Hà Nội nhằm giảm ô nhiễm và nắng nóng. Ảnh: Internet.

Trao đổi với Đất Việt về chi phí phun nước rửa đường mà UBND TP. Hà Nội duyệt chi, ông Thẩm Quang Hùng - Giám đốc một công ty chuyên vệ sinh, dọn dẹp ở TP. Hà Nội cho biết: "Hiện nay việc phun nước đều được thực hiện bằng máy chuyên dụng, với tùy từng mục đích khác nhau mà điều chỉnh mức độ phun khác nhau. Nếu như chỉ phun làm mát thì không cần phun áp suất mạnh, từ đó lượng nước cần sử dụng cũng ít hơn, thời gian phun cũng nhanh hơn. Còn nếu phun rửa thì ngược lại, xe phun phải đi chậm, áp suất phun cao và lượng nước lớn hơn để làm sạch đường" - ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, việc phun nước rửa đường hiện có giá giao động vào khoảng từ 100 đồng đến 200 đồng/m.

"Nếu Hà Nội chỉ phun vào những ngày nắng nóng trên 36 độ C thì theo tính toán của tôi, thành phố không dùng hết số tiền 114 tỷ đã duyệt. Bởi những ngày đủ tiêu chuẩn để phun nước rửa chỉ trong một thời gian ngắn. Ngay cả trong mấy tháng mùa hè ở TP. Hà Nội, không phải ngày nào nhiệt độ cũng trên 36 độ C" - ông Hùng bày tỏ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty Môi trường Việt Nam Xanh cho rằng, cần phải xác định rõ số tiền 114 tỷ đồng chi cho việc phun nước là rửa đường hay làm mát đường. Nếu chỉ để làm mát đường thì không cần sử dụng một số tiền lớn như thế.

"Việc làm mát đường đơn giản chỉ là đưa các xe chở theo nước đi trên các tuyến đường rồi bơm ra, không có gì phức tạp, cũng không tiêu tốn quá nhiều công sức. Nếu phun nước rửa đường thì lại ở một mức giá khác và cần tính toán kỹ về hiệu quả. Việc phun nước rửa đường sẽ trở lên vô nghĩa khi mà công tác hút bụi không được làm cẩn thận. Bụi tích đọng quá nhiều khi gặp nước sẽ vón cục, tụ lại một điểm, khi khô lại bay mù mịt hơn..." - bà Hạnh nói.

Cũng trao đổi vấn đề này với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Việc tưới nước rửa đường hết sức là cần thiết nhưng chi số tiền đó, Hà Nội phải tính toán cụ thể, chi li, tính toán cái gì nên làm và cái gì không nên làm. Quan trọng nhất là tiết kiệm cho ngân sách để đầu tư hạ tầng, để đầu tư phát triển mà tiền ngân sách là tiền thuế của người dân. Cho nên phải thận trọng để sử dụng cho tốt, đạt hiệu quả cao nhất để không mang lại tai tiếng” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Vị đại biểu nhấn mạnh, quan trọng là mang lại lợi ích chung cho cộng đồng chứ không phải mang lại lợi ích riêng cho cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội chi 114 tỷ rửa đường: Phải minh bạch, tránh lãng phí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.