Thứ năm, 28/03/2024 22:07 (GMT+7)

Hà Nội hạn chế xe máy vào nội đô: Cấm theo vành đai hay theo quận?

MTĐT -  Thứ tư, 04/12/2019 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sở GTVT Hà Nội đã hoàn thành lấy ý kiến về 2 phương án hạn chế xe máy vào nội đô. Theo đó, phương án 1 là hạn chế xe máy theo quận và phương án 2 là hạn chế xe máy theo vành đai.

Trong báo cáo gửi đến kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội sáng 3/12, UBND thành phố cho biết tình trạng xe cá nhân đang tăng nhanh, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên địa bàn.

Để khắc phục tình trạng này, thành phố sẽ đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Đối với đề án phân vùng hoạt động, tiến tới cấm xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố xác định đây là việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân; do vậy, đề án sẽ được triển khai thận trọng.

Mới đây, Sở Giao thông Vận Hà Nội vừa hoàn thành lấy ý kiến về hai phương án "phân vùng hạn chế, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030".

Phương án thứ nhất là hạn chế xe máy theo quận, tiến hành ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận gồm Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng từ năm 2030.

Phương án 2 là hạn chế xe máy theo vành đai. Trong 5 vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, vành đai 3 được cho đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy.

Phát biểu tại buổi khai mạc kỳ họp HĐND Hà Nội sáng 3/12, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đến nhiều vấn đề nhức nhối thành phố đang phải đối mặt. Trong số đó có bài toán về ùn tắc giao thông, cắt giảm phương tiện cá nhân.

"Ùn tắc giao thông là vấn đề lớn, thành phố đã nhiều lần bàn các giải pháp để giảm thiểu ùn tắc nhưng do dân số tăng quá nhanh, hiện trên 10 triệu người, áp lực của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hoá là rất lớn", Phó chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng phương tiện cá nhân tăng quá nhanh trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa theo kịp, giao thông công cộng còn hạn chế.

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố có giải pháp hữu hiệu giảm ùn tắc giao thông.

Để cấm xe máy vào nội đô, các chuyên gia giao thông tính toán, Hà Nội cần phải có 3.300 xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. GS.TS Từ Sỹ Sùa (Đại học Giao thông vận tải) tính toán tỷ lệ đáp ứng hiện nay của xe buýt là khoảng 10%, như vậy, để tăng tỷ lệ đáp ứng lên mức 15% sẽ cần khoảng 2400 phương tiện, mức 20% là khoảng 3300 phương tiện. Với điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay, việc đưa thêm số lượng phương tiện trên vào hoạt động là hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, GS Từ Sỹ Sùa cho rằng vẫn cần phải kiên định với chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng. Đây là giải pháp cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông và hạn chế phương tiện cá nhân. Trong vận tải hành khách công cộng, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ yếu đến năm 2030.

Còn theo GS.TS Nguyễn Thị Vinh – nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, việc hạn chế xe máy cần thực hiện theo lộ trình, từ phạm vi hẹp đến rộng.

Bà Vinh dẫn Đề án thí điểm hạn chế xe máy đi vào khu vực nội thành của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, xác định 6 tuyến đường hạn chế xe máy gồm: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Xuân Thủy – Cầu Giấy,  Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Trần Duy Hưng và Khu vực bảo tồn cấp 1 mở rộng và cho rằng – những năm qua khu vực quận Hà Đông đã xây dựng dày đặc các khu đô thị mới. Một lượng lớn người, hàng ngày, buổi sáng từ các khu đô thị này đi vào trung tâm thành phố và buổi chiều đi từ trung tâm trở về nhà, tạo nên dòng giao thông con lắc trên hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Tố Hữu – Lê Văn Lương.

Vì vậy, theo GS.TS Nguyễn Thị Vinh, Sở Giao thông Vận tải cho thí điểm hai tuyến đường này trước là phù hợp. Bởi trên hai tuyến đường này có hai tuyến giao thông công cộng có sức chuyên chở lớn chạy qua là BRT (đường Tố Hữu – Lê Văn Lương) VÀ LRT (đường Nguyễn Trãi).

Theo GS Vinh, để giao thông công cộng có sức hấp dẫn đối với mọi người thì nhà quản lý cần nghiên cứu bố trí hợp lý các bãi đỗ xe đạp, xe máy để mọi người thuận tiện sử dụng giao thông công cộng; Tổ chức nhiều tuyến xe mini buýt để phục vụ cho người dân đi lại trong khu vực trung tâm.

Theo Sở GTVT Hà NOoij, với tốc độ tăng bình quân 10%/năm, thì đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 11 triệu xe máy. Trong khi đó, tỉ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội hiện mới đạt 10% diện tích đất xây dựng đô thị.

Đến năm 2020, dù thành phố có đạt được chỉ tiêu tổng diện tích đất dành cho giao thông khoảng 13% đất đô thị như Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội đề ra, thì vẫn kém xa so với tỉ lệ yêu cầu là từ 20 - 26% trong Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội hạn chế xe máy vào nội đô: Cấm theo vành đai hay theo quận?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.