Thứ tư, 24/04/2024 08:28 (GMT+7)

Hà Nội: Hàng trăm tài xế Grab vây kín trụ sở đòi giảm chiết khấu

MTĐT -  Thứ hai, 15/01/2018 14:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi sự việc hàng trăm tài xế GrabBike tại TP.HCM đình công phản đối tăng chiết khấu bắt đầu lắng xuống, thì tại Hà Nội hàng trăm tài xế GrabCar, GrabBike lại kéo đến trụ sở đòi giảm chiết khấu.

Khoảng 9h sáng 15/11, khoảng hơn 100 đối tác của Grab gồm cả GrabCar và GrabBike đã tập trung trước cổng tòa nhà Kim Ánh (số 1 ngõ 78, Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội) - nơi có văn phòng của Grab, phản đối hãng này đơn phương nâng mức chiết khấu.

Các tài xế GrabCar cho biết, họ cùng nhau kêu gọi đình công trên mạng xã hội sau đó cùng đến trụ sở công ty để phản đối. Theo các tài xế, họ rất bức xúc vì bắt đầu từ ngày 1/1, mức chiết khấu sẽ bị tăng thêm 3,6%, khiến thu nhập của họ ngày càng giảm.

Anh Nguyễn Minh Ngọc (SN 1981, Mỹ Đình) cho hay: “Trước tháng 10/2017, Grab tăng mức chiết khấu 23,6% với đối tác cũ, còn sau tháng 10/2017, mức chiết khấu tăng lên 28,3%.

Tài xế taxi Grab đình công phản đối tăng chiết khấu.

Việc này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của lái xe. Ví dụ, chúng tôi chạy được 1 triệu, phải trả khoảng 300.000 đồng tiền xăng xe và 283.000 đồng tiền chiết khấu, chưa kể các chi phí sửa xe, hao mòn, gửi xe...”

Tài xế này cũng cho biết thêm: “Thời gian làm việc quá dài, từ 12-14 tiếng cũng khiến các tài xế mệt mỏi. Thêm nữa 90% anh em lái xe đều nợ ngân hàng. Thử phép tính nhỏ, 1 triệu tiền cước như vậy, chúng tôi thu lại bao nhiêu”.

Khoảng 10h30, phía Grab đã mời một số tài xế đại diện lên văn phòng để trao đổi. Phần đông tài xế còn lại tiếp tục tập trung trước cửa tòa nhà Kim Ánh.

Anh V. Tuấn (Mỹ Đình, Hà Nội), một đối tác GrabBike, khẳng định việc tài xế xe ôm công nghệ tập hợp để biểu tình phản đối sáng nay là nhằm gửi thông điệp rằng “Grab không thể đơn phương muốn tăng chiết khấu là tăng”.

"Chúng tôi muốn mức chiết khấu đưa về 15%, vì đợt tăng lên 20% hồi tháng 8/2017, chúng tôi cũng bị động, không hề được góp ý", anh Tuấn nói.

Hàng trăm tài xế phản đối, gây náo loạn đường phố Hà Nội.

“Anh em chúng tôi chạy vất vả một tháng kiếm được 6-7 triệu đồng, trừ xăng xe, khấu hao phương tiện thì chẳng còn bao nhiêu mà chỉ có mấy tháng Grab đã 2 lần tăng mức thu”, anh T. Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc.

"Chúng tôi thấy đang phải bán sức lao động quá rẻ, trong khi nghề này rất vất vả", anh Dũng nói thêm.

Sau khi gặp đại diện Grab, các tài xế cho biết họ chỉ được thông báo phía Grab muốn sắp xếp một lịch hẹn khác để làm việc cụ thể hơn.

Còn đại diện phía Grab cho biết hãng đã làm việc với 5 đại diện của các tài xế Grab tại Hà Nội. Nội dung cuộc trao đổi chủ yếu liên quan đến các quy định mới của Bộ Giao thông Vận tải cũng như việc áp dụng chính sách cấm đường đối với xe theo hợp đồng bao gồm Grab, Uber trên 13 tuyến đường tại Hà Nội. Các tài xế đã đề xuất các chính sách hỗ trợ của Grab đối với tài xế trong bối cảnh này. Việc thỏa thuận cụ thể giữa Grab và các tài xế, phía Grab sẽ thông tin sau.

Anh Nguyễn Minh Ngọc (Mỹ Đình) cho biết: “Sự việc cấm đường đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ của Sở GTVT Hà Nội như một giọt nước tràn ly. Tưởng chừng thu nhập từ việc chạy xe Grab rất cao, nhưng sau khi trừ đi triết khấu và các chi phí thì các tài xế cầm lại không đáng bao nhiêu”. 

Nhưng rất nhiều tài xế cho biết, họ có mặt tại đây không phải để phản đối lệnh cấm của Sở GTVT Hà Nội, mà đề nghị Grab phải giảm tỷ lệ chiết khấu để họ có thể tồn tại.

Một số tài xế Grab khác cho rằng, việc cấm đường với các xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (chủ yếu là Uber, Grab) thực tế có rất nhiều điều bất hợp lý với tài xế.

Cụ thể, với hợp đồng điện tử, tài xế không hề biết địa điểm đến của khách. Chỉ sau khi nhận chuyến đi thì lái xe mới biết được địa điểm đón và đến của xe. Nếu địa điểm trong các tuyến đường cấm trong khung giờ như quy định thì tài xế buộc phải hủy chuyến.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tài xế bởi cả Grab và Uber đều có giới hạn hủy chuyến trong ngày đối với cả lái xe và người sử dụng, nếu quá lượt hủy sẽ bị khóa tài khoản. Điều này có ảnh hưởng nhất định tới việc chỉ số đánh giá, xếp hạng của tài xế.

Thêm đó, việc hủy chuyến cũng gây bất tiện cho cả cho với hành khách. Do đó, Grab và Uber cần phải đưa ra các chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ tài xế.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Hàng trăm tài xế Grab vây kín trụ sở đòi giảm chiết khấu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Trì: Nguy cơ tai nạn giao thông do mất nắp hố ga
Tình trạng hố ga, miệng cống thiếu nắp, mất nắp tại tuyến đường Đại Thanh tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân lưu thông trên đường. Điều đáng nói, một số miệng cống, hố ga này không được che đậy, cảnh báo, thậm chí, đã lâu không được thay thế, bổ sung

Tin mới