Thứ năm, 25/04/2024 21:37 (GMT+7)

Hà Nội loay hoay với bài toán giảm ùn tắc

N.Khánh -  Thứ hai, 18/03/2019 08:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong những năm qua, giao thông thành phố Hà Nội vẫn được đánh giá quá tải dẫn đến tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường đặc biệt ở khu vực nội thành.

Thành phố Hà Nội có chủ trương xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải xứng tầm với các Thủ đô khác trong khu vực và trên thế giới. Song thực tế vẫn còn những tồn tại, trong đó có việc giao thông quá tải dẫn đến khu vực nội đô tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường.

Ngành giao thông thủ đô và hàng loạt những tồn tại

Theo báo cáo số 147/BC-UBND, thành phố Hà Nội thừa nhận một số tồn tại hạn chế dẫn đến việc ùn tắc, tai nạn giao thông và gây ra nhiều hệ lụy khác. Theo đó, trong những năm qua tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chưa đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Một số đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực đã được phê duyệt vẫn còn có nội dung chưa thống nhất với quy hoạch xây dựng đang triển khai và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Ùn tắc giao thông tại các tuyến đường, Hà Nội vẫn loay hoay khắc phục.

 Đặc biệt việc triển khai quy hoạch mở đường còn chậm, đến nay chưa có tuyến đường nào thực hiện xong việc thu hồi đất hai bên đường đồng thời với dự án mở đường. Nguyên nhân là vì rất khó khăn về công tác GPMB và bố trí nguồn kinh phí. Nhiều công trình có trong kế hoạch không được bố trí vốn nên việc triển khai chậm dẫn đến mạng lưới đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín, một số tuyến đường ngay trong đô thị, các tuyến đường quốc lộ hướng tâm chưa hoàn thành.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay diện tích đất dành cho giao thông của thủ đô vẫn còn thấp, mới đạt khoảng 8,65% ÷ 8,9% đất xây dựng đô thị. Trong khi đó, tốc độ gia tăng trung bình hàng năm của ô tô là 10,2%, xe máy là 6,7%. Hiện Công an thành phố đang quản lý 6,3 triệu phương tiện, ngoài ra còn các phương tiện mang biển ngoại giao, biển quốc tế, biển số xe của các cơ quan trung ương, xe quân đội, xe tỉnh ngoài,...

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của thành phố trong những năm qua chỉ ở mức bình quân 3,9%. Sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông cùng với ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hường đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.

Di dời trụ sở của bộ, ngành ra khỏi nội đô: Giậm chân tại chỗ

Một trong những giải pháp để thành phố hạn chế ùn tắc giao thông là việc triển khai di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu vực nội thành Hà Nội.

Trụ sở mới của Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại quận Cầu Giấy sau khi thực hiện di dời.

Như việc di dời các bệnh viện, tính đến nay tổng số cơ sở bệnh viện đã và đang thực hiện di dời là 8 cơ sở. Trong đó có 2 cơ sở đã đi vào sử dụng (Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện nội tiết Trung ương), nhưng tiếp tục sử dụng cơ sở cũ.

Một số đã được phê duyệt quy hoạch khu đất xây dựng các bệnh viện mới, như: Bệnh viện Mắt Trung ương - Cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. Bệnh viện phụ sản Trung ương - Cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm... Tuy nhiên, toàn bộ các cơ sở bệnh viện sau khi được giới thiệu, thỏa thuận địa điểm mới vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành, không thực hiện bàn giao quỹ đất cho thành phố.

Về di dời các cơ sở giáo dục đại học, thành phố đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc có quy mô 279,5 ha. Đến nay, mới có 1 trường được giới thiệu di dời đên khu vực này (Khoa Luật -Đại học Quốc Gia Hà Nội). Đối với các trụ sở bộ, ngành, thành phố đã phối hợp với các bộ và cơ quan giới thiệu, bố trí đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan. Tuy nhiên có 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở (bàn giao cơ quan Trung ương quản lý). 2 cở sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đang xem xét đầu tư xây dựng dự án nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại cao tầng).

Liên quan đến nội dung dời các cơ sở công nghiệp, thành phố đã đưa ra lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp theo 4 giai doạn. Giai doạn 1 là di dời các cơ sở ở 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Giai doạn 2 là di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trưởng vừa không phù hợp với quy hoạch. Giai đoạn 3 di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 4 di dời các cơ sở còn lại.

Có thể nói việc di dời trụ sở các bộ, ngành, nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô được đặt ra từ nhiều và đã trở thành yêu cầu bức thiết, nhất là trong bối cảnh hạ tầng kỹ thuật khu vực này đang chịu sức ép quá tải. Chính phủ cũng đã có quyết định về sử dụng quỹ đất sau khi di dời, ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe... Tuy nhiên, cho đến nay việc triển khai các dự án di dời vẫn giậm chân tại chỗ.

Để triển khai đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết “Theo lộ trình đến năm 2020 thành phố đặt ra mục tiêu là phải dừng sử dụng xe náy ở những khu vực nào và đến năm 2025 phải dừng ở khu vực nào. Để từ đó thành phố có những khu vực, có những tuyến đường không có xe máy… Theo tính chất vết dầu loang, đến năm 2030 thành phố có thể đạt được mục tiêu đề ra”.
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội loay hoay với bài toán giảm ùn tắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.