Thứ bảy, 20/04/2024 05:42 (GMT+7)

Hà Nội sẽ thu phí phụ ô nhiễm môi trường đối với phương tiện?

MTĐT -  Thứ hai, 09/04/2018 16:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để giảm thiểu ùn tắc giao thông, Hà Nội kiến nghị lên Bộ GTVT và Quốc hội ban hành phí phụ thu ô nhiễm môi trường đối với các phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa UBND TP. Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải diễn ra hôm 6/4 vừa qua.

Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, thời gian qua, hệ hống hạ tầng giao thông Thành phố đã và đang đầu tư nhiều tuyến đường vành đai, đường trục chính đô thị và các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn như đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; Vành đai 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng - QL 1A); Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); nhóm các công trình cầu vượt thép trên các tuyến đường trục chính quan trọng…

Bộ GTVT đang phối hợp với Hà Nội triển khai đầu tư tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2), cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, cầu Ba Vì - Việt Trì, vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường sắt Cát Linh - Hà Đông...

Hà Nội sẽ thu lệ phí mức phụ ô nhiễm môi trường và phí phương tiện vào nơi ùn tắc. Ảnh minh họa: Internet.

Cùng với đó, vận tải hành khách công cộng được quan tâm, phát triển tương đối đồng bộ. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được điều chỉnh mở rộng vùng phục vụ, chất lượng dịch vụ được nâng cao với 111 tuyến, phủ kín mạng lưới xe buýt có trợ giá đến 30 quận, huyện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

TP Hà Nội cũng đã phối hợp với Bộ GTVT điều chuyển 681 nốt (giờ) của 26 tỉnh, thành phố từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường Vành đai 3, bảo đảm đúng định hướng Quy hoạch giao thông vận tải và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm về xe dù, bến cóc;

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt với 6 nhóm giải pháp để hạn chế ùn tắc và tại nạn giao thông, số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố giảm từ 124 điểm năm 2010 xuống còn 37 điểm năm 2017; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí;…

Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí chủ yếu là do phương tiện tham gia giao thông.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, với tốc độ phát triển dân số, phương tiện giao thông trên địa bàn TP như hiện nay, trong khi nhiều công trình giao thông quan trọng đang trong giai đoạn đầu tư theo quy hoạch, ý thức của một bộ phận doanh nghiệp vận tải và người dân tham gia giao thông chưa cao. Tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, các vi phạm trật tự an toàn giao thông, xe dù bến cóc, xe quá khổ quá tải đã được tập trung chỉ đạo giải quyết nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp…

Vì vậy, UBND TP. Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT cùng thống nhất kiến nghị Quốc hội bổ sung và ban hành Luật phí, lệ phí mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện; phí phương tiện xe cơ giới đường bộ vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy; quy định chủ xe ô tô phải lắp đặt thiết bị thu phí tự động và mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí và xử lý vi phạm.

Trước đó, tháng 9/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030".

Theo thống kê, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh, trên địa bàn có hơn 5 triệu xe máy, gần 500 nghìn ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm.

Bên cạnh đó, tình hình ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Hoạt động giao thông vận tải cơ giới đường bộ được xác định chiếm 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến đến năm 2020 sẽ có hơn 800 nghìn ô tô; hơn 6 triệu xe mô tô, gắn máy. Đến năm 2030 số ô tô là gần 2 triệu; xe mô tô, gắn máy là 7,5 triệu. Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.

Với đề án này, UBND Hà Nội cũng xác định thành các kế hoạch, chương trình, đề án để xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đề án. Cụ thể như xây dựng đề án mở rộng, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ lập kế hoạch điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn (theo năm sản xuất) thông qua đăng ký, để đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

P.V (tổng hợp theo hanoi.gov, ICT News)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội sẽ thu phí phụ ô nhiễm môi trường đối với phương tiện?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...