Thứ sáu, 19/04/2024 07:34 (GMT+7)

Hà Nội thu phí phương tiện vào nội đô: Quá vội vàng!

MTĐT -  Thứ bảy, 03/11/2018 18:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc đồng ý để TP. Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô.

Cụ thể, theo thông tin trên báo Tiền Phong, Chính phủ đồng ý với các đề nghị của Bộ Tài chính về các nội dung TP. Hà Nội đề xuất liên quan đến bổ sung phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Mục đích của việc này là để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào và quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.

Văn bản cũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội tiếp thu các ý kiến của Bộ Tài chính để lập “Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới”, trình HĐND TP. Hà Nội trước khi báo cáo Chính phủ theo đúng quy định tại Luật phí và Lệ phí.

Chính phủ đồng ý cho Hà Nội thu phí phương tiện vào nội đô. Ảnh: Internet.

UBND TP. Hà Nội báo cáo Bộ Tài chính về cơ sở pháp lý, sự cần thiết, nội hàm và tác động của khoản phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP. Hà Nội, chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để thực hiện đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”.

Theo đó, Hà Nội đề xuất 3 nội dung chính, gồm: Lập đề án Thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực nội đô; Quy định mức phụ thu phí ô nhiễm môi trường theo khí thải thông qua đăng kiểm phương tiện; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thiện quy định quản lý xe đạp điện, ô tô điện.

TP. Hà Nội cho rằng, đây là biện pháp kinh tế nhằm tăng cường quản lý phương tiện, thông qua việc nộp phí lưu hành để giảm lưu lượng phương tiện tại một số khu vực. Biện pháp này cũng đang được các thành phố lớn như London (Anh), Singapore… áp dụng và khá hiệu quả khi hạn chế được lượng lớn xe ô tô đi vào nội đô hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, tại danh mục phí, lệ phí của Luật phí và lệ phí hiện hành không có khoản phí phương tiện cơ giới vào nội đô trên địa bàn thành phố vì vậy để triển khai được nhiệm vụ trên, thành phố đề xuất Chính phủ bổ sung khoản phí này vào danh mục của Luật phí và lệ phí.

Tại nội dung đề xuất phụ thu phí ô nhiễm môi trường, khí thải thông qua đăng kiểm phương tiện, lãnh đạo TP. Hà Nội cho rằng, đến năm 2020 Thủ đô sẽ có hơn 843 nghìn ô tô, hơn 6 triệu xe mô tô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ô tô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu (hiện nay là 5 triệu xe máy, 500 nghìn ô tô).

Và nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì ùn tắc, ô nhiễm trong thời gian tới sẽ rất nghiêm trọng. Do vậy cùng với thu phí phương tiện vào nội đô, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ xem xét, giao các bộ ngành có liên quan xây dựng quy định để thực hiện việc thu phí bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm.

Khi thu phí xe vào nội đô, TP. Hà Nội tin rằng “sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham giao giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế”. Người tham gia giao thông có sự cân nhắc lựa chọn chuyến đi, lộ trình và phương tiện di chuyển cho phù hợp.

Nói về đề án này, theo báo Dân Việt, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, đây là cách làm được nhiều nước áp dụng và thành công, song để thành công thì Hà Nội cần phải quyết tâm giải quyết vấn đề về công nghệ thông tin, vấn đề đồng bộ giữa hệ thống ngành giao thông với ngành ngân hàng... Tiền thu từ phí chống ùn tắc sẽ được đầu tư ngược lại vào hạ tầng, điều tiết giao thông.

Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn với đề án này. Ảnh: Internet. 

Để thu phí được phương tiện vào nội đô, ông Liên cho rằng UBND TP. Hà Nội phải sẽ phải thực hiện các vấn đề về hạ tầng. Hà Nội phải đầu tư, nâng cấp về hạ tầng để cho đảm bảo trật tự, cho người dân được thừa hưởng dịch vụ tốt hơn. Khi đó, dù phải bỏ thêm tiền, người dân cũng chấp nhận.

Đặc biệt, không thể lập các trạm thu được mà phải áp dụng công nghệ thông tin. Có nghĩa là xe đi qua phải thu phí nhưng không thể dừng xe lại thu được sẽ gây ùn tắc. Tất cả phải tự động.

Còn trao đổi với báo Người lao động, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhận định: “Đây là một biện pháp để giảm ùn tắc trong nội đô. Tuy nhiên, ở Hà Nội điều kiện cần thì có nhưng điều kiện đủ thì chưa. Hiện hạ tầng Hà Nội còn quá yếu kém, các cửa ô, ngã tư, hè phố hay giao thông thông minh chưa đâu vào đâu. Hơn nữa, hệ thống giao thông công cộng cũng chưa hiệu quả. Từ những lý do đó nên không thể đổ lỗi ùn tắc cho người dân vì dùng quá nhiều phương tiện cá nhân được, nếu không dùng phương tiện cá nhân mà sử dụng những phương tiện công cộng thì người dân sẽ không làm việc được. Đây là phương án vội vàng, tôi không đồng ý với đề án này”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội thu phí phương tiện vào nội đô: Quá vội vàng!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.