Thứ bảy, 20/04/2024 10:06 (GMT+7)

Hiệp hội Vận tải ô tô VN: Grab là taxi nhưng cố tình ‘lách luật’?

Giang San -  Thứ sáu, 26/10/2018 23:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản gửi Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về những bất cập trong tờ trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86.

Cần xác định đúng loại hình vận tải

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa văn bản báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Trường Hòa Bình về những nội dung bất hợp lý trong Tờ trình và Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ. Văn bản do Phó chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Công Hùng ký.

Theo đó, Hiệp hội này kiến nghị cần áp dụng phần mềm quản lý vận tải đối với cả 5 loại hình vận tải chứ không chỉ đối với 2 loại hình là xe hợp đồng và xe du lịch.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định Grab thực chất chỉ là hoạt động kinh doanh như taxi. Ảnh minh họa.

Luật Giao thông đường bộ quy định có 5 loại hình vận tải. Trên thực tế đã chứng minh, do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm. Đồng thời các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, bảo kê cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lời bất chính, gây mất an toàn giao thông.

“Nghị định mới cần quy định việc ứng dụng nghệ phải được áp dụng cho cả 5 loại hình vận tải; quy định chuẩn về dữ liệu thông tin bắt buộc cũng như việc truyền dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm chống tình trạng “xe dù, bến cóc”, vi phạm luật giao thông, gây mất an toàn giao thông và chống trốn thuế”, ông Nguyễn Công Hùng kiến nghị.

Vấn đề thứ hai Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị là cần xác định đúng loại hình và biện pháp quản lý đối với taxi, tránh đánh tráo khái niệm, cố tình ngụy biện xếp sai loại hình, gây bất bình đẳng vì lợi ích nhóm.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết từ khi có Uber, Grab, các doanh nghiệp taxi Việt Nam đã có những thay đổi nhanh để bắt kịp và thậm chí sáp nhập với nhau để tạo nên tổ chức lớn hàng ngàn phương tiện nâng cao chất lượng và lợi ích cho khách hàng.

Đơn cử như G7 Taxi, sáp nhập từ 3 hãng taxi là Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội. Sau khi sáp nhập, hãng G7 Taxi có trên 3.000 xe, trở thành hãng taxi lớn nhất Hà Nội. Với hàng ngàn xe, giá cước rẻ, độ phủ lớn, có app để đặt xe, hãng taxi này đã nâng cao tiện ích, chất lượng dịch vụ và có đủ tiềm lực để cạnh tranh sòng phẳng với Grab. G7 taxi được xem là hãng tiên phong cho sự sáp nhập để tăng sức cạnh tranh. Được biết, G7 Taxi sẽ chính thức ra mắt vào đầu tháng 11 tới.

Nhiều chuyên gia khẳng định việc sáp nhập của 3 hãng taxi tại Hà Nội là tất yếu và kỳ vọng sẽ thay đổi được diện mạo của taxi truyền thống. Với tiềm lực mạnh, G7 Taxi có thể chạy đua đường dài với các hãng khác và cả Grab.

Hiệp hội cho rằng trong khi các hãng taxi đang tự thay đổi để cạnh tranh thì Grab lợi dụng quyết định 24/QĐ-BGTVT để vi phạm pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đã chỉ ra Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải theo đề án thí điểm. Thực tế, Grab đã lợi dụng đề án thí điểm để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi, tương tự Vinasun.

VKS cho rằng đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi”, văn bản của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam dẫn lời của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM.

Có sự không công bằng?

Trong văn bản gửi Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã liệt kê 17 điểm được xem là bất bình đẳng giữa taxi truyền thống với Grab như niên hạn sử dụng xe, tính cước, giá cước, thời gian làm việc của lái xe, Thuế giá trị gia tăng…

“Grab lấy danh nghĩa là bảo vệ cái mới, ủng hộ việc ứng dụng dụng khoa học công nghệ thời đại 4.0 để ngụy biện, đưa ra những luận điểm nhằm đánh tráo khái niệm, thu lợi từ việc duy trì những điều kiện kinh doanh bất bình đẳng”, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định.

Vị này cho rằng Grab hiện đang được hưởng rất nhiều lợi thế từ điều kiện kinh doanh không công bằng đem lại. Grab hoạt động taxi nhưng không phải chịu điều kiện của kinh doanh taxi. Vì vậy có thể nói việc hạ giá thành của Grab là dựa trên việc cắt giảm chi phí đối với người lao động (người lao động không được nộp BHXH, BHYT theo quy định), hay cắt giảm nghĩa vụ đối với NSNN (Grab không phải chịu thuế GTGT vì được coi là kinh doanh phần mềm); đây là điểm lách luật của Grab.

Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Grab tiếp tục nóng.

Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói rằng việc coi Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi cũng không hề  ảnh hưởng đến việc “ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh”, “đi ngược xu thế 4.0” hay “xóa sổ Grab” như một số ý kiến đưa ra. Nếu chỉ vì coi loại hình này như taxi mà Grab không không phát triển được hoặc “bị xóa sổ” thì chứng tỏ trong suốt thời gian qua Grab tồn tại và phát triển là do được hưởng quá nhiều những lợi thế từ chính sách đem lại chứ không phải do công nghệ mang lại.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Công ty Grab vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ bày tỏ một số ý liên quan tới Dự thảo Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô để thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đó, ông Lim Yen Hock - Giám đốc Công ty TNHH Grab cho biết hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình lên Chính phủ.

Theo Grab, những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại.

Grab cho rằng, sự ra đời Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng điện tử đã mở ra một đoạn chưa từng có đối với ngành vận tải Vệt Nam, thúc đẩy phát triển thị trường vận tải, hỗ trợ cơ quan nhà nước phương án quản lý hữu hiệu bằng công nghệ và là nguồn cảm hứng cho 4.0 tại Việt Nam.

Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định taxi truyền thống không cố tình bảo thủ, không bằng mọi giá bảo vệ quyền lợi của riêng mình, mà rất muốn mọi việc phải thật sự khách quan, minh bạch, đúng pháp luật và hợp lý. Vì thế, Hiệp hội rất mong Phó thủ tướng Thường trực Trường Hòa Bình tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với tất cả các doanh nghiệp vận tải (cả Uber, Grab), các chuyên gia giao thông vận tải và lãnh đạo bộ, cơ quan tư pháp, nhằm làm rõ những nội dung cần phải chỉnh sửa, để tránh tình trạng lợi ích nhóm, gây lộn xộn, thiệt hại cho Nhà nước & xã hội.

Bạn đang đọc bài viết Hiệp hội Vận tải ô tô VN: Grab là taxi nhưng cố tình ‘lách luật’?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ