Thứ ba, 16/04/2024 22:20 (GMT+7)

Không cần quản lý Uber, Grab chặt như taxi truyền thống?

MTĐT -  Thứ năm, 22/03/2018 15:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Quản lý taxi công nghệ”, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Trường Đại học GTVT cho rằng, taxi truyền thống hiện được quản lý quá chặt, taxi công nghệ không nhất thiết phải chặt như vậy.

Liên quan đến những tranh cãi về việc quản lý Uber, Grab, có mặt tại buổi tọa đàm "Quản lý taxi công nghệ” do báo Giao thông tổ chức diễn ra sáng 22/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, xu thế tất yếu của thế giới là ứng dụng công nghệ vào tất cả lĩnh vực, trong đó có cả giao thông vận tải (GTVT).

Theo ông, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước vào sản xuất, phát triển dịch vụ đã đem lại lợi ích rất thiết thực cho người dân, cho xã hội. Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Hiện chúng ta đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Chính phủ cũng giao Bộ GTVT tổng hợp đánh giá, đề nghị Quốc hội sửa Luật Giao thông đường bộ”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, Luật Giao thông đường bộ quy định có 5 loại hình vận tải hành khách, gồm: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, vận tải tuyến cố định và cuối cùng là vận tải hành khách du lịch.

Hình ảnh buổi tọa đàm về quản lý taxi công nghệ diễn ra sáng nay (22/3). Ảnh: Dân Trí

5 loại hình này đều được cụ thể hoá bằng các nghị định, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có những đối tượng không đề cập hết, đặc biệt sau khi ứng dụng công nghệ trong GTVT xuất hiện.

“Bộ GTVT đang dự thảo trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 theo hướng quản lý chặt chẽ, công bằng, công khai, nghiêm minh các đối tượng kinh doanh vận tải cả về phương tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ… Các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm; Các cơ quan chức năng khác như ngành thuế cũng cần có những hướng dẫn, những quy định cụ thể để tạo sự đồng bộ và tạo sân chơi công bằng, lành mạnh trong hoạt động vận tải”, ông Thọ cho biết.

Cần một giải pháp hài hoà

Dưới góc độ nghiên cứu, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Trường Đại học GTVT nêu quan điểm: Dịch vụ vận tải hành khách rất phổ biến, có những yêu cầu nhất định về giá thành. Taxi công nghệ có những lợi thế về giá, thậm chí thường xuyên khuyến mãi giảm giá nên khách hàng đón nhận rất nồng nhiệt. Với lợi thế ứng dụng công nghệ 4.0 và tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ, taxi công nghệ có nhiều ưu điểm nổi trội hơn taxi truyền thống.

Theo ông, hiện chúng ta có khá nhiều văn bản pháp quy để quản lý dịch vụ taxi truyền thống, thì taxi công nghệ cần quản lý về: Nhận diện thương hiệu. Thứ hai, phải tôn trọng pháp luật giá của Việt Nam, khuyến mãi phải tuân theo pháp lệnh giá, điều tiết giá trần và giá sàn. Thứ ba, cần phải có sự chuyên nghiệp hơn như giá vé phải có bảo hiểm cho hành khách. Thứ tư, cần có sự cạnh tranh lành mạnh.

“Bất kỳ cái gì cũng có giải pháp, cấm là không nên. Taxi truyền thống hiện được quản lý quá chặt, taxi công nghệ không nhất thiết phải chặt như vậy nhưng cũng phải quản lý, phải có logo nhận diện thương hiệu, đồng hồ tính tiền. Theo tôi cần một giải pháp hài hoà nhất, chứ không thể để như hiện nay. Các doanh nghiệp cần lấy khách hàng làm trung tâm, phát triển hài hoà các lợi ích; hoạt động minh bạch công khai.” - ông Sùa cho hay.

“Cháy nhà mà không vào dập lửa mà cứ chờ là sao”

Trong khi đó, phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP. HCM lại cho rằng, không yêu cầu cấm Uber và Grab mà là mong muốn có một sân chơi công bằng.

Theo ông, để các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM không đau đầu với việc số lượng xe Uber, Grab phát triển chóng mặt, Bộ GTVT cần phải điều chỉnh lại Quyết định 24/2016 về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó dừng ngay việc cấp phù hiệu cho xe dưới 9 chỗ, để ngăn chặn hệ lụy xã hội, đảm bảo sự công bằng.

Tiếp tục có những tranh cãi nảy lửa về việc quản lý Uber, Grab. Ảnh: Internet.

Thứ trưởng, Bộ GTVT Lê Đình Thọ, khẳng định việc tạm dừng cấp phù hiệu xe dưới 9 chỗ là thẩm quyền của địa phương, nếu địa phương cảm thấy “nhà quá tải rồi” thì Sở GTVT có nhiệm vụ tham mưu. Không phải cái gì cũng đẩy lên Bộ GTVT.

Đáp lại, ông Hỷ cho rằng việc dừng cấp phù hiệu không hề đơn giản. Ông Hỷ cho biết đã tâm sự với một vài Giám đốc Sở GTVT, tất cả đều bảo không dám dừng vì Quyết định 24 của Bộ GTVT, đơn vị tham gia thí điểm cũng là Bộ GTVT duyệt. Nếu dừng phải có quyết định của Bộ GTVT: “Tôi cho rằng nếu được Bộ GTVT ra một văn bản ngắn với nội dung ủy quyền cho địa phương dừng cấp phù hiệu xe dưới 9 chỗ…”, ông Hỷ nêu giải pháp.

Không đồng tình, ông Lê Đình Thọ cho rằng nếu cảm thấy đó là thẩm quyền của Bộ GTVT, địa phương phải có đề nghị lên để Bộ GTVT xem xét: “Nhưng đây tôi muốn nói là thẩm quyền quản lý Nhà nước tại địa phương, thẩm quyền tổ chức giao thông tại địa bàn thuộc UBND mà cơ quan tham mưu là Sở GTVT”, ông Lê Đình Thọ nói.

Ông Hỷ nói tiếp: “Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng nói đúng, nhưng nhiêu khê lắm. Cụ thể, UBND phải trình vấn đề này lên HĐND tỉnh thông qua và được Bộ GTVT đồng ý… Tức là quá trình không phải đơn giản, nói là ngày mai làm được. Thậm chí trong văn bản tổng kết 2 năm thí điểm Quyết định 24, Bộ GTVT cũng có kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng cấp phù hiệu cho xe dưới 9 chỗ, hiện Chính phủ vẫn chưa có ý kiến có tạm dừng hay không…”, ông Hỷ nhấn mạnh

Đáp lại, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định Bộ GTVT kiến nghị tạm dừng. Nhưng vấn đề là địa phương có thể tạm dừng rồi báo cáo Bộ GTVT: “Làm sao Bộ GTVT biết hết được những vấn đề địa phương. Tôi khẳng định vấn đề này là việc của địa phương, nếu như cháy nhà mà anh không vào dập lửa mà cứ chờ là sao…”, ông Thọ nêu ví dụ và cho biết nếu Hà Nội muốn dừng có thể làm báo cáo trên cơ sở thực trạng địa phương, chứ không phải Bộ GTVT tự nhiên chỉ đạo.

Tổng hợp theo (PLO, Dân Trí)

Bạn đang đọc bài viết Không cần quản lý Uber, Grab chặt như taxi truyền thống?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.