Thứ ba, 19/03/2024 10:34 (GMT+7)

Kon Tum: Cận cảnh con đường 40 tỷ chưa bàn giao đã xuống cấp

A LỰC -  Chủ nhật, 12/05/2019 16:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đoạn đường thôn 2, xã Đăk La, huyện Đăk Hà dài gần 2km được đầu tư gần 40 tỷ từ nguồn vốn ODA và ngân sách Nhà nước còn chưa kịp bàn giao đã có dấu hiệu xuống cấp khiến người dân bức xúc.

Nhiều điểm xuống cấp nhanh chóng

Được biết, đây là dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên tại Kon Tum, được đầu tư gần 40 tỷ từ nguồn vốn ODA và vốn ngân sách Nhà nước tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà.

Dự án này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên do tỉnh Kon Tum làm đại diện.

Thế nhưng, công trình chưa kịp bàn giao để sử dụng thì đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng khiến nhiều người dân bức xúc và dư luận đặt ra nghi vấn “Liệu công trình có bị “rút ruột” hay không mà xuống cấp nhanh chóng như vậy?”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum là đơn vị chủ đầu tư trong dự án này.

 Tiếp xúc với PV, ông Võ Tất Thành là người dân thôn 2, xã Đăk La cho biết: Tuyến đường này mới được thi công cách đây vài tháng, nhưng từ sau Tết nguyên đán 2019 đã xuất hiện nhiều đoạn bị bong tróc, nhiều vết nứt, nhiều đoạn xuất hiện ổ gà, hố ga nằm lộ thiên giữa đường, khoảng cách giữa mặt đường và lề đường tạo thành bậc tam cấp gây mất an toàn giao thông, các tấm đan bê tông 2 bên đường bị vỡ nhiều tháng mà chưa khắc phục.

Cách đây khoảng 20 ngày, một số đơn vị thi công đến tiến hành khắc phục sửa chữa con đường này nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả mà ngược lại càng làm cho nhiều người bị ảnh hưởng vì bụi bay mù mịt trong quá trình sửa chữa.

Con đường đang được khắc phục sửa chữa.

 Cũng thông tin với PV, bà Lê Ngọc Hoa là người dân thôn 2, xã Đăk La cho biết: Cách đây khoảng 20 ngày, một số đơn vị thi công đến đây để sửa chữa con đường này như trám lại những vết nứt, những chỗ bong tróc và đổ đất đỏ sang 2 bên lề đường để cho bằng phẳng.

Các đơn vị thi công đổ đất đỏ để mở rộng 2 bên lề đường mà không tưới nước, không có biện pháp đảm bảo môi trường nên mỗi khi có xe qua lại thì bụi bay mù mịt.

Bà Hoa cho biết thêm, mới đây, đoạn đường gần nhà bà còn có một ổ gà rất to nằm ngay giữa đường, người dân xung quanh đây phải lấy bao xi măng, cây tạo thành biển báo để thông báo với người đi đường.

“Con đường này mới làm nhưng không hiểu vì lý do gì mà đường lại bong tróc, hư hại, xuống cấp mặt dù mới làm. Gần 20 ngày nay người dân chúng tôi sống chung với bụi, mỗi khi có xe qua lại là bụi bay mù mịt làm mất an toàn giao thông, không biết sống như thế này được bao lâu”, bà Hoa bức xúc chia sẻ.

Trong quá trình sửa chữa đơn vị thi công để đất đá vương vãi trên mặt đường gây mất an toàn giao thông.

 Tiếp tục phản ánh, anh Lê Xuân Toàn là người dân thôn 2, xã Đăk La cho biết: Các tấm đan bê tông bị vỡ cách đây gần nửa năm mà vẫn chưa khắc phục, mãi đến gần đây mới có đơn vị thi công đến thay lại. Việc đào đường thoát nước để đặt những tấm đan này cũng rất sơ sài, đơn vị thi công đào đường thoát nước rất nông, chỉ phả một lớp xi măng rất mỏng trên bề mặt đến nỗi người dân dùng tay đào lên được.

Trong quá trình thi công đường thoát nước để lắp các tấm đan, đơn vị thi công còn để lại bao xi măng, đất, đá dưới đường thoát nước mà mỗi khi mưa thì đường thoát nước bị nghẹt dẫn đến nước không chảy được nên tràn ra đường. Nhiều người dân phải di chuyển các tấm đan lên thì nước mới thoát được.

Theo ghi nhận của PV, tại tuyến đường trên có điểm đầu giao nhau với Quốc lộ 14 đến hết thôn 2, xã Đăk La dài gần 2km đang được đơn vị thi công tiến hành khắc phục sửa chữa. Việc đổ đất đỏ 2 bên lề đường để cho bằng phẳng khiến cho mỗi khi có xe đi qua lại đoạn đường này thì bụi bay mù mịt, đất đá vương vãi trên mặt đường gây mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó PV còn bắt gặp nhiều điểm xuống cấp, hư hỏng vẫn còn nhiều đoạn mặt đường bị bong tróc, lởm chởm đất đá. Bên dưới đường thoát nước nằm ở 2 bên đường có nhiều bao xi măng, đất, đá, bê tông sau khi các đơn vị thi công hoàn thành mà không dọn dẹp nếu trải qua một trận mưa dễ gây ứ đọng nước vì các vật cản trên.

Cơ quan chức năng nói gì?

Để tìm hiểu vấn đề này, sáng 25/4, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum (Chủ đầu tư-PV).

Tại đây, ông Phạm Quang Thành – Phó Chánh văn phòng cho biết: Ghi nhận phản ánh của PV và sẽ chỉ đạo bằng văn bản sang Ban QLDA phát triển Cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất tỉnh Kon Tum để làm việc, tìm hiểu thông tin chi tiết vì cơ quan này có đầy đủ thông tin để cung cấp cho báo chí.

Khi có xe qua lại đoạn đường này thì bụi bay mù mịt.

Tiếp tục làm rõ vấn đề, chúng tôi có làm việc với với Ban QLDA phát triển Cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất tỉnh Kon Tum (đại diện Chủ đầu tư).

Tại đây, ông Hoàng Văn Thuận – Giám đốc Ban QLDA cho biết: Đây là tiểu dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Kon Trang Kla, Đăk Trít và hạ tầng nông thôn khu vực xã Đăk La, huyện Đăk Hà, Kon Tum được đầu tư tại Quyết định số 155/QĐ-UBND ngày 16/3/2015 của UBND tỉnh Kon Tum với quy mô xây dựng tràn xả lũ Đập Đăk Trít, xây dựng 2 cống tiêu thoát nước, xây dựng 1.066m kênh tiêu kết hợp tưới, xây dựng 564m kênh tưới và nâng cấp 14.665m đường giao thông nông thôn từ đường đất lên đường bê tông xi măng với tổng vốn đầu tư là 120 tỷ từ nguồn vốn ODA và vốn ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng tháng 6/2019.

Phần GTNT được thiết kế theo tiêu chuẩn đường GTNT loại A, B, C với kết cấu bê tông xi măng M 300 trên lớp cấp phối đá dăm dày 15cm được chia thành 1 gói thầu với 3 lô thầu.

Tuyến đường bê tông có điểm đầu từ thôn 2, xã Đăk La, huyện Đắk Hà (giao QL14) đến thôn 5 xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) thuộc Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất thuộc tuyến đường cấp A, có chiều dài toàn tuyến là hơn 10 km, tổng kinh phí đầu tư khoảng 40 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA và ngân sách Nhà nước. Tuyến đường có bề rộng nền đường là 5m; bề rộng mặt đường là 3,5m; bề rộng lề đường 2 x 0,75m.

Đường thoát nước 2 bên đường có dấu hiệu xuống cấp.
Bên trong đường thoát nước có nhiều vật cản như bao xi măng, đá, bê tông làm cản trở dòng chảy khi mưa xuống.

 Ông Thuận cho biết, đoạn đường này do Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Minh làm đơn vị tư vấn giám sát, liên danh Công ty TNHH Đông Anh và Công ty TNHH Nguyên Minh Kon Tum trực tiếp thi công.

Trong quá trình thi công chủ đầu tư cũng như các nhà thầu xây dựng thiết kế đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế đã phê duyệt, tuy nhiên một số hạng mục công trình của các đơn vị thi công chưa thực hiện theo đúng quy trình về đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ dẫn đến còn một số tồn tại trên hiện trường.

Sau khi báo chí phản ánh, Ban QLDA chỉ đạo cho các đơn vị thi công tiến hành sửa chữa khắc phục. Trong thời gian tới Hội đồng nghiệm thu (bao gồm Sở GTVT, Sở Xây Dựng, Sở NN&PTNT) sẽ tiến hành công tác nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

Một vài đoạn đơn vị thi công chưa sửa chữa để lộ mặt đường bị bong tróc, nhiều đá vương vãi gây mất an toàn giao thông.

 Theo ông Thuận, nguyên nhân của việc xuống cấp, hư hỏng, bong tróc tuyến đường bê tông tại thôn 2, xã Đăk La là do các gói thầu không được triển khai đồng bộ, cụ thể gói thầu sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi Kon Trang Kla được tổ chức thi công trước, đường GTNT tổ chức thi công sau (sau 1 năm) vì nằm trên đường vào công trình thủy lợi nên các xe chở vật tư, vật liệu, các phương tiện cơ giới hóa đi trên đường bê tông xi măng chưa đạt đủ độ cứng, đảm bảo cường độ theo quy định nên dẫn tới việc một số tấm bê tông bị nứt. Một vài nguyên nhân khách quan khác như thời tiết 2017 – 2018 diễn biến bất thường mưa kéo dài không có biện pháp che chắn khi mưa dẫn đến mặt đường bị rỗ bong bật. Công tác giám sát thi công chưa thực sự sâu sát thường xuyên và nghiêm túc, Ban QLDA chưa quyết liệt chấn chỉnh công tác thi công giám sát.

Ông Thuận cho biết thêm, trách nhiệm chính để xảy ra vụ việc lần này được xác định là do các nhà thầu thi công và nhà thầu giám sát thi công mặc dù được nhiều lần Ban QLDA nhắc nhở nhưng vẫn chưa kịp thời khắc phục, sửa chữa.

Ngoài ra, Ban QLDA đã nghiêm túc kiểm điểm tập thể lãnh đạo do chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo cán bộ kĩ thuật và các đơn vị thi công, đơn vị giám sát.

Đề nghị giám sát chặt chẽ công trình

Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên tại Kon Tum có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo sự liên kết phát triển kinh tế khu vực xã Đăk La và Ngọc Wang (huyện Đăk Hà).

Dự án này nhằm phục vụ sản xuất trên 1.000ha lúa và cây công nghiệp bao gồm 2.017 hộ dân với 9.559 nhân khẩu được hưởng lợi. Từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Đăk Hà nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.

Tuy nhiên, đến nay mục đích chính của tuyến đường bê tông là để phục vụ giao thông lại đang gây ra nhiều điểm bất cập, mất an toàn giao thông cho người dân.

Để đảm bảo an toàn giao thông và tính mạng của người dân cũng như phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng cần tổ chức giám sát, kiểm tra chặt chẽ quá trình nghiệm thu, đảm bảo cho công trình đạt chất lượng mang lại hiệu quả cho việc phục vụ đời sống nhân dân.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum: Cận cảnh con đường 40 tỷ chưa bàn giao đã xuống cấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.