Thứ sáu, 29/03/2024 18:30 (GMT+7)

Công nghệ nào được sử dụng để làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam?

Phạm Giang -  Thứ tư, 12/09/2018 18:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ trưởng cho rằng dự án cần được nghiên cứu kỹ, đưa ra cơ sở lý luận sâu sắc để lựa chọn kỹ công nghệ, tốc độ tàu hợp lý, đảm bảo được yếu tố hiện đại, tiên tiến.

Chiều ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì Cuộc họp nhằm lấy ý kiến góp ý từ nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan để lựa chọn công nghệ, hình thức vận tải đề xuất áp dụng ở Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, đánh giá kỹ trước khi trình lên Chính phủ, Quốc hội: “Dự án ĐSTĐC là những vấn đề chúng ta phải nghiên cứu, đánh giá để báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Do đó cần  phân tích, so sánh ưu, nhược điểm của từng công nghệ, độ bền ra sao, công nghệ nào phù hợp với Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Liên danh tư vấn (Tedi-Tricc-Tedisouth) đã báo cáo tổng quan về hệ thống ĐSTĐC; phân tích, so sánh ưu, nhược điểm của các loại hình và công nghệ ĐSTĐC trên thế giới; phân tích lựa chọn công nghệ đoàn tàu, công nghệ thông tin tín hiệu điều khiển tàu phù hợp cho ĐSTĐC Bắc - Nam. Trên cơ sở nghiên cứu, Tư vấn đánh giá, hiện nay có 2 xu hướng công nghệ đối với đoàn tàu tốc độ cao là sử dụng động lực phân tán và động lực tập trung.

Cụ thể, công nghệ tập trung chỉ có 2 toa động lực nằm ở hai đầu đoàn tàu (kéo - đầy). Công nghệ phân tán là trong một đoàn tàu có nhiều toa động lực, được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn như do các thiết bị phân tán nên tải trọng trục của đoàn tàu nhẹ làm giảm quy mô đầu tư công trình, hệ số an toàn, sức chuyên chở lớn, tiêu thụ ít điện năng hơn…

Lựa chọn công nghệ cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo kinh nghiệm của các nước nhập khẩu công nghệ, cần lựa chọn công nghệ đồng bộ để tránh tình trạng chắp vá, gây phát sinh chi phí và khó khăn làm chủ công nghệ. Sau cuộc họp này, Bộ GTVT chỉ đạo hoàn thiện nghiên cứu, làm rõ các nội dung chuyên gia, nhà khoa học góp ý trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2018 để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến thống nhất trước khi trình Quốc hội vào năm 2019.

Bên canh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Tư vấn tiếp thu, làm rõ các nội dung góp ý của đại biểu dự họp, hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam và báo cáo Bộ GTVT tại cuộc họp cuối kỳ vào tháng 10 tới.  

Bộ trưởng cho rằng, dự án sau khi được thông qua phải 20-30 năm mới xong toàn tuyến Bắc - Nam nên nghiên cứu kỹ, đưa ra cơ sở lý luận sâu sắc để lựa chọn kỹ công nghệ, tốc độ tàu hợp lý, đảm bảo được yếu tố hiện đại, tiên tiến theo xu hướng chung của thế giới, cũng như các tiêu chí an toàn, hiệu quả, tối ưu với điều kiện địa lý, khai thác, giá cả và phải thuyết phục được toàn dân và Quốc hội.

Bạn đang đọc bài viết Công nghệ nào được sử dụng để làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới