Thứ sáu, 29/03/2024 05:48 (GMT+7)

Ô tô kinh doanh vận tải phải lắp “hộp đen”: Không cần thiết

MTĐT -  Thứ tư, 08/08/2018 12:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, sau hai năm soạn thảo. Thế nhưng có một số điều khoản đang gây tranh cãi.

Theo đó, đáng chú ý có điều 12 quy định về việc lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơ moóc, semi rơ moóc...

Thiết bị giám sát hành trình phải bảo đảm các yêu cầu lưu giữ thông tin gồm: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe, thời gian làm việc của lái xe trong ngày, hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe theo quy định của Bộ trưởng Giao thông.  

Theo Ban soạn thảo, điểm mới của quy định là thiết bị giám sát hành trình phải tích hợp thêm hình ảnh người lái xe so với bộ thiết bị giám sát hiện nay. Việc này nhằm theo dõi hoạt động của người lái trên đường, đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ Giao thông đưa ra lộ trình áp dụng thiết bị này với xe du lịch, xe hợp đồng từ 1/7/2022; với xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe container, xe đầu kéo kéo rơ moóc từ 1/7/2023; xe tải trên 20 tấn từ 1/7/2024; các loại xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ như taxi, Grab từ 1/7/2025.

Ảnh: Internet. 

Gây lãng phí, không hiệu quả

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất gắn thêm camera trên các phương tiện kinh doanh vận tải là không phù hợp, nên cân nhắc kỹ vì sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp (DN) và gây lãng phí cho xã hội.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách liên tỉnh và du lịch TP HCM trao đổi với báo Người lao động cho rằng, để hạn chế những tiêu cực trên đường như tình trạng mãi lộ thông qua việc gắn camera trên xe là không khả thi. Lý do là camera sẽ gắn ở những vị trí cố định, không dễ để ghi nhận được những hình ảnh tiêu cực, nếu có.

“Đề xuất như trên là không cần thiết bởi hiệu quả không được bao nhiêu, trong khi chi phí bỏ ra lại lớn. Hơn nữa, khi chi phí tăng lên, đối tượng chịu thiệt thòi lại chính là người dân, bởi DN sẽ cộng vào kinh phí vận chuyển” - ông Tính nhìn nhận.

Về phía DN, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, việc gắn thêm camera để hạn chế tình trạng DN và lực lượng chức năng tham nhũng, trốn thuế, xe dù, bến cóc, hay "mãi lộ" trên đường là không phù hợp.

“Việc hạn chế tiêu cực là trách nhiệm của cơ quan quản lý, không thể không quản được thì đổ lên đầu DN” - ông Vinh thẳng thắn.

Cũng theo ông Vinh, camera nếu gắn trên xe để giám sát các hành vi của tài xế thì hợp lý hơn, tuy nhiên không cần thiết bởi để gắn một thiết bị giám sát hành trình có hình ảnh trực tiếp đã rất  tốn kém, chưa kể chi phí vận hành, mà DN lại tự chịu.

Đề xuất gắn thêm camera trên các phương tiện kinh doanh vận tải đang gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Internet. 

Hành khách đi xe phải chịu?

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho hay, quy định lắp hộp đen trên mới được đưa vào dự thảo nghị định. Các dự thảo trước đó Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp không có nội dung này.

“Doanh nghiệp mất thêm chi phí nhưng như vậy họ sẽ tính vào giá vé, hành khách đi xe phải chịu”, ông Thanh nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Hà Nội trao đổi với VOV rằng, hiệp hội và doanh nghiệp của ông cũng không được lấy ý kiến về quy định lắp hộp đen.

Đề xuất gắn camera hành trình gây lãng phí. Ảnh: Internet.

Theo ông Liên, cần xem hộp đen ô tô là công cụ để doanh nghiệp quản lý phương tiện và con người của mình, không nên bắt doanh nghiệp trang bị để cơ quan quản lý dựa vào đó xử phạt vi phạm, trừ khi có tai nạn, hoặc phát hiện vi phạm mới trích xuất hộp đen để thêm cơ sở xử lý.

Ông Liên cho rằng, “Bộ GTVT nên giảm bớt quản lý đối với thiết bị này, giao cho doanh nghiệp mới có lợi. Chỉ khi nào xảy ra tai nạn hay có vấn đề gì, cơ quan chức năng mới trích xuất hộp đen để đối chiếu”.

“Làm thế nào để khai thác thiết bị có hiệu quả, có lợi cho doanh nghiệp, còn làm theo kiểu áp đặt, thông tin không chính xác, thiết bị không chính xác thì doanh nghiệp sẽ phản ứng”, ông Liên phân tích.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ô tô kinh doanh vận tải phải lắp “hộp đen”: Không cần thiết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.