Thứ năm, 18/04/2024 08:09 (GMT+7)

Ô tô là nguyên nhân gây ùn tắc, tại sao lại cấm xe máy?

Lam Vy -  Thứ năm, 05/12/2019 07:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyên gia GT Nguyễn Xuân Thủy: "Tôi không ủng hộ 2 phương án trên, khi nào tàu điện, xe bus, đường sắt trên cao có thể đảm nhiệm 40% trở lên nhu cầu đi lại thì chúng ta mới nên hạn chế”

Mới đây,  trong báo cáo gửi đến kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội, UBND thành phố cho biết  về tình trạng xe cá nhân đang tăng nhanh, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên địa bàn.

Để khắc phục tình trạng này, thành phố sẽ đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Được biết, Sở Giao thông Vận Hà Nội vừa hoàn thành lấy ý kiến về hai phương án "Phân vùng hạn chế, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030". Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thành Hà Nội trong thời gian tới, Sở GTVT đã đưa ra hai phương án.

Phương án thứ nhất là hạn chế xe máy theo quận, tiến hành ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận gồm Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng từ năm 2030.

Phương án 2 là hạn chế xe máy theo vành đai. Trong 5 vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, vành đai 3 được cho đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy.

 Hạn chế xe máy vào các quận là không nên

Tuy nhiên khi Sở GTVT Thành phố Hà Nội đưa ra hai phương án trên thì đã có chuyên gia bày tỏ quan điểm không ủng hộ vì cho rằng Hà Nội tới năm 2030 chưa chắc đã đáp ứng được về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống giao thông công cộng. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Nguyễn Xuân Thủy-  Chuyên gia giao thông.

Bày tỏ quan điểm của mình với hai phương án trên, ông Thủy cho biết: “Theo tôi,  tới năm 2030 không biết hệ thống giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng của Việt Nam có tốt lên hay không?

Nếu như giao thông công cộng tới năm 2030 đạt được 40% trở lên, khi người dân sử dụng xe công cộng thì lúc đó mình mới dùng đến phương án hạn chế xe máy. Còn việc hạn chế xe máy vào các quận là không nên”.

TS.  Nguyễn Xuân Thủy- TS. Chuyên gia giao thông

Ông Thủy chia sẻ thêm, về việc tại sao Việt Nam lại  không học các nước có thể cấm theo ngày chẵn ngày lẻ, cấm theo lượng xe trong một thời gian giới hạn nào đó chứ không nên cấm toàn bộ. Bởi vì một gia đình sử dụng phương tiện đi lại bằng xe máy, nếu như không có phương tiện công cộng thay thế khác thì việc di chuyển, sinh hoạt sẽ diễn ra rất bất lợi. Tới năm 2030, Việt Nam cũng ít nhất phải  tới 60% người dân sử dụng xe máy.

Ô tô chiếm diện tích bằng 4-10 lần so với xe máy

Trao đổi với PV về phương án hạn chế xe máy theo vành đai, ông Thủy chia sẻ thêm: “Đó là phương án giới hạn để các xe máy không vào được. Không cho vào khu vực trung tâm để tránh ùn tắc giao thông,  nhưng theo quan điểm của tôi thì không nên như vậy. 

Vì ùn tắc chủ yếu là do ô tô chứ đâu phải xe máy, ô tô là nguyên nhân chủ yếu gây ra ùn tắc hiện nay, trong tương lai, bởi ô tô chiếm diện tích bằng 4-10 lần hoặc thậm chí tới 15 lần so với xe máy vậy thì tại sao lại đi cấm xe máy- một phương tiện đi lại rất thuận tiện của người dân, mà lại không cấm ô tô.

Tôi không ủng hộ 2 phương án trên, khi nào tàu điện, xe bus, đường sắt trên cao có thể đảm nhiệm 40% trở lên nhu cầu đi lại thì chúng ta mới nên hạn chế”.

Tình trạng xe cá nhân đang tăng nhanh, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên địa bàn.

Đối với đề án phân vùng hoạt động, tiến tới cấm xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố xác định đây là việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân; do vậy, đề án sẽ được triển khai thận trọng.

Nhưng với cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống giao thông công cộng chưa thể đáp ứng cho nhu cầu hiện nay của người dân, cũng như việc hệ thống xe chưa đem lại sự thuận tiện cho người dân thì việc thực hiện phương án trên vẫn là bài toán khó và cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng thực tế.

Bạn đang đọc bài viết Ô tô là nguyên nhân gây ùn tắc, tại sao lại cấm xe máy?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới