Thứ sáu, 29/03/2024 13:05 (GMT+7)

Sai phạm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cần lập hội đồng nghiên cứu?

MTĐT -  Thứ ba, 21/04/2020 10:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Công an vừa kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông chủ trì, thành lập hội đồng, lập dự án nghiên cứu, xây dựng giải pháp và tính toán chi phí khắc phục sửa chữa đúng quy định.

Dính nhiều sai phạm

Mới đây, Bộ Công an vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả điều tra, xử lý vụ án. Theo đó, cơ quan điều tra đã phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông vận tải giám định 7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 (đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ từ Km 0 - Km 65, thông xe, đưa vào sử dụng đến ngày 2/8/2017).

Kết quả xác định các lớp nền - móng - mặt đường của cả 7 gói thầu nêu trên đều không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án. Đây là nguyên nhân gây hư hỏng công trình, đặc biệt khi gặp nắng nóng kéo dài kết hợp tác động của tải trọng và lưu lượng xe.

Dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi sau 14 tháng vận hành đã bị hư hỏng cục bộ. Ảnh: Tiền Phong

Tương tự, đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi (Km 65 - Km 139+204) thuộc giai đoạn 2 dự án được đưa vào khai thác từ ngày 2/9/2018 nhưng đã xuất hiện hư hỏng. Cơ quan điều tra đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám định tư pháp về chất lượng công trình xây dựng đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án.

Lập hội đồng nghiên cứu sai phạm

Từ những sai phạm qua kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông chủ trì, thành lập hội đồng, lập dự án nghiên cứu, xây dựng giải pháp và tính toán chi phí khắc phục sửa chữa đúng quy định và yêu cầu thiết kế dự án đã đặt ra. Trên cơ sở đó giúp cơ quan điều tra có căn cứ đánh giá đúng tính chất, mức độ của tội phạm và người phạm tội để xử lý theo pháp luật.

Nêu quan điểm về việc này với Đất Việt, PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) bày tỏ không ủng hộ với đề xuất trên.

Phân tích cụ thể, vị chuyên gia đưa ra hai giả thiết.

Với giả thiết thứ nhất, việc đề xuất thành lập hội đồng đánh giá nhằm đi tìm nguyên nhân, bắt bệnh cho dự án thì việc này nằm ngoài khả năng, hội đồng không làm được.

Theo PGS Trần Chủng, muốn bắt bệnh cho một dự án tức là phải đi điều tra, khảo sát, đánh giá lại từ đầu về khảo sát, thiết kế, chất lượng thi công... do đó, phải cần tới một cơ quan có tư cách pháp nhân riêng, có đủ năng lực chuyên môn và phải chịu trách nhiệm độc lập trước Chính phủ để thực hiện việc này.

Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng hiện nay đang có những triệu chứng hư hỏng rất rõ như vỡ đường, ổ gà, ổ voi... tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những triệu chứng đó để đánh giá hỏng hóc, xuống cấp của một dự án thì chưa bảo đảm.

Vì cấu trúc của một con đường bao gồm rất nhiều lớp, trong đó có việc xử lý nền đất là rất quan trọng. Tiếp đến mới là kết cấu đường, lớp áo nhựa 1, lớp áo nhựa 2... Việc bong tróc mặt đường, vỡ mặt đường có thể do ảnh hưởng từ chất lượng mặt áo của đường nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác.

Muốn tìm ra một giải pháp chữa trị hữu hiệu cho dự án cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng phải có được đánh giá rất cụ thể, chi tiết căn nguyên dẫn tới sự cố cho dự án là gì? Là do lớp nền, lớp móng hay còn do yếu tố khác?

Và muốn làm được như vậy bắt buộc các cơ quan chuyên môn phải lấy những điểm hư hỏng mẫu, phải khoan thăm dò mới có tính toán, đánh giá được. Việc này không phải cơ quan nào cũng làm được mà chỉ có những đơn vị có chuyên môn, có năng lực mới làm được.

Sau khi đã tìm ra nguyên nhân rồi, cơ quan này sẽ phải bảo vệ những quan điểm, đánh giá của mình trước hội đồng chuyên môn, lúc đó mới cần thành lập hội đồng đánh giá.

Hội đồng chỉ là bước hậu kiểm, sau khi đã thực hiện xong các bước điều tra, thẩm định, đánh giá như đã nêu ở trên. Ý kiến của hội đồng là nhằm khẳng định các kết luận của cơ quan chuyên môn có chính xác không, tính toán có hợp lý không, có bảo đảm khách quan hay không, trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét để kết luận.

Lấy ví dụ khi điều tra nguyên nhân sự cố sập cầu Cần Thơ năm 2007, Chính phủ thành lập Ủy ban điều tra sự cố Nhà nước về dự án.

Ủy ban này đã trưng cầu hai cơ quan là Viện khoa học công nghệ xây dựng và Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tham gia đo đếm, đánh giá ngày đêm để đưa ra kết luận xác định rõ nguyên nhân. Sau khi có kết luận nguyên nhân của hai cơ quan này, Ủy ban điều tra quốc gia mới thành lập hội đồng đánh giá lại kết luận trên của cơ quan chuyên môn.

Từ những phân tích trên, PGS Trần Chủng nhắc lại quan điểm ông không ủng hộ đề xuất thành lập hội đồng đánh giá, lập dự án nghiên cứu, xây dựng giải pháp, tính toán chi phí khắc phục, sửa chữa cho dự án.

Với giả thiết thứ hai, là cơ quan điều tra muốn thành lập một hội đồng điều tra dựa trên các kết luận giám định tư pháp đã có, việc này lại càng không cần thiết.

Vị PGS cho biết, giám định tư pháp cũng giống như giám định pháp y trong khoa học pháp y vậy. Tức là để tìm nguyên nhân, cơ quan pháp y bắt buộc phải tiến hành mổ xẻ, phân tích tử thi. Dựa trên những phân tích, tính toán khoa học, cơ quan pháp y sẽ đưa ra kết luận về nguyên nhân tử vong.

Giám định tư pháp trong xây dựng cũng vậy, nếu đã có giám định tư pháp tức là phải có những đánh giá, phải xác định được nguyên nhân, khi đó, cơ bản nguyên nhân đã được xác định, không cần thành lập cả một hội đồng để thực hiện việc điều tra thêm nữa.

Nói thêm về vấn đề trách nhiệm, PGS Trần Chủng cho rằng, việc làm rõ được căn nguyên dẫn tới sự cố cho dự án cũng là mấu chốt để xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị có liên quan.

Theo vị chuyên gia, Luật xây dựng công trình đã quy định rất rõ, chủ đầu tư là đơn vị phải chịu trách nhiệm chung nhưng muốn làm rõ được vấn đề trách nhiệm, tránh bỏ sót, bỏ lọt người sai phạm thì phải làm rõ được lỗi ở đâu, lỗi tại ai?

Ví dụ, nếu chất lượng thi công không đúng với thiết kế được phê duyệt thì lỗi chính thuộc về người thi công. Tiếp đến là lỗi của người giám sát thi công.

Hay, khi thực hiện khảo sát đơn vị thiết kế không đánh giá được hết tính chất của các tầng địa chất dẫn tới dự án bị sụt, lún thì lỗi này thuộc về đơn vị khảo sát, thiết kế. Trách nhiệm của cơ quan này là đã không khảo sát tới nơi tới chốn dẫn đến thiết kế không phù hợp.

"Khi làm rõ được lỗi ở đâu sẽ xác định được trách nhiệm của từng người, và sẽ tìm được người chịu trách nhiệm cụ thể, không thể đổ vòng quanh", PGS Trần Chủng nói.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tổng vốn đầu tư khoảng 34.500 tỷ đồng, nhưng chỉ trong vòng một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã liên tục hư hỏng. Khi báo chí vào cuộc thì hàng loạt sai phạm bị phát lộ, phanh phui.

Những sai phạm tại cao tốc 34.500 tỷ này như: Có dấu hiệu bớt xén, thay đổi vật liệu khi thi công dẫn đến chất lượng công trình kém; nhà thầu bán nguyên gói thầu lớn; công tác thiết kế, thi công, giám sát và quản lý có vấn đề.

Ngày 13/2 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 5 bị can về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Những bị can này nguyên là giám đốc, phó giám đốc các gói thầu thi công dự án. Trước đó, 4 bị can khác đã bị truy tố trước pháp luật.

Đến nay, đã có 9 cá nhân bị khởi tố liên quan đến những sai phạm tại Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Sai phạm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cần lập hội đồng nghiên cứu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới