Thứ sáu, 29/03/2024 17:03 (GMT+7)

Tắc từ trong ra ngoài, bao giờ mới “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất?

V.Chương -  Thứ ba, 19/02/2019 06:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước tình cảnh nhà ga tại sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, ACV vừa đề xuất hơn 11.400 tỷ đồng xây nhà ga T3. Nếu phương án này được phê duyệt thì phải 4 năm nữa Tân Sơn Nhất mới được “giải cứu”.

Hơn 11.400 tỷ đồng trên 100.000 m2 và con số 4 năm

Sân bay Tân Sơn Nhất là cảng hàng không trọng điểm của TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Từ năm 2016 đến nay, sân bay này lâm vào tình trạng tắc nghẽn từ trên trời xuống dưới đất, bãi đỗ máy bay đến nhà ga và cả đường nối từ thành phố đến sân bay. Đã có lúc tưởng chừng việc giải quyết ùn tắc ở sân bay quốc tế này sẽ phải “buông xuôi” và trông chờ cho đến khi sân bay Long Thành hoàn thành.

Sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn từ trên trời xuống dưới đất, từ trong ra ngoài. Ảnh: Zing.vn.

Với công suất thiết kế 2 nhà ga hiện hữu T1, T2 với 28 triệu hành khách/năm nhưng đến năm 2016, sân bay này đã đón 32 triệu hành khách, năm 2017 lên 36 triệu hành khách và theo thống kê chưa đầy đủ năm 2018 đạt 40 triệu hành khách. Theo dự báo đến năm 2021, Tân Sơn Nhất sẽ gồng mình gánh 53 triệu hành khách và 78 triệu hành khách vào năm 2025. Việc tắc nghẽn đã dẫn đến hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng các chuyến bay và tăng chi phí cho các hãng bay.

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đề xuất Bộ GTVT xây dựng nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm để giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đề xuất của ACV, dự án nhà ga hành khách T3 sẽ có công suất thiết kế 20 triệu khách/năm với tổng diện tích khoảng 100.000 m2. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.430 tỷ đồng.

Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án dự kiến sẽ mất khoảng 43 tháng tính từ thời gian chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa vào khai thác. Trong đó, việc lập báo cáo khả thi (bao gồm cả lựa chọn nhà thầu, tuyển chọn phương án kiến trúc) dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2020.

Cảnh tượng bên trong nhà ga của sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp cuối năm. Ảnh: Zing.vn.

Khoảng thời gian tiếp theo dự kiến sẽ dành cho công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán; Thẩm tra, thẩm định, phê duyệt; Lựa chọn nhà thầu thi công… trước khi có thể khởi công sớm nhất vào quý III/2020, hoàn thành vào quý II/2022.

Như vậy, nếu đề xuất của ACV được đồng ý thì phải gần 4 năm mới hoàn thành. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất đang phải căng mình vì quá tải, nhất vào các ngày lễ, Tết. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng với đề xuất và phương án của ACV là quá chậm trễ. Hơn nữa, với tốc độ phát triển hàng không như hiện nay, 4 năm nữa, ga T3 mà ACV hoàn thành cũng khó giải quyết được tình trạng tắc nghẽn. Việc cần làm ngay bây giờ làphải xây dựng được nhà ga T3 càng sớm càng tốt.

Khẩn trương và tiết kiệm chi phí

Mới đây, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) vừa được một tập đoàn lớn khánh thành. Đây là sân bay đầu tiên do tư nhân sở hữu, khai thác. Dự án được khởi công vào tháng 3/2016 trên diện tích hơn 300 ha, đầu tư theo hình thức BOT với số tiền khoảng 7.700 tỷ đồng, đạt cấp 4E, theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.

Nhiều chuyên gia nói rằng, việc để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào lĩnh vực đầu tư sân bay sẽ khiến tiến độ các dự án được đẩy nhanh hơn. Thực tế cho thấy khi Chính phủ mở cửa đầu tư sân bay, đây được xem là cơ hội đầu tư rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Tương tự, cách đây không lâu, tập đoàn FLC tuyên bố đầu tư 10.000 tỷ đồng vào Khu phức hợp dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao FLC tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá với tổng mức đầu tư giai đoạn I trên diện tích 3.000 ha, trong đó có sân bay Thọ Xuân. Tập đoàn này “mạnh miệng” nói rằng sẽ đưa sân bay Thọ Xuân  thành cảng quốc tế theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đáp ứng nhu cầu phục vụ khách quốc tế của Bamboo Airways.

Trong khi công suất 2 nhà ga Tân Sơn Nhất chỉ là 28 triệu hành khách/năm thì số lượng hành khách đến và đi tại Tân Sơn Nhất đã vượt rất nhiều. Đồ họa: V.Chương.

Trước đó, tại sân bay Phú Quốc, trong tháng 4/2018, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã đề xuất xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh thứ hai có chiều dài 3.000 m, rộng 45 m, có thể đón được máy bay thế hệ mới như Boeing787, Airbus 350, với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nói thế để thấy rằng việc đầu tư, mở rộng, xây các hạng mục trong sân bay hiện nay được coi là một trong những cơ hội đầu tư rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp. Quay trở lại với việc “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều người lo ngại, việc để một Tổng công ty nhà nước như ACV thực hiện xây dựng nhà ga T3, nhiều chuyên gia lo lại sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí cao.

Được biết, cũng liên quan đến nhà ga T3, Tân Sơn Nhất, cách đây 8 năm, Công ty Cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (VSA) thực hiện hàng loạt các công việc chuẩn bị. Theo doanh nghiệp này, nhà ga T3 đã được VSA lập quy hoạch, thiết kế chi tiết cho công suất 9,8 triệu hành khách/năm cả nội địa quốc tế với diện tích xây dựng 56.000m2, tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, thời gian thực hiện chỉ 18 tháng từ khi cho phép triển khai đầu tư, xây dựng.

Dự án được lập trên quy hoạch 10ha đất quốc phòng đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho VSA theo quyết định số 882. Đại diện của doanh nghiệp này cho biết đến nay VSA đã chi ra số tiền hơn 630 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư. Doanh nghiệp này khẳng định nhu cầu mở rộng nhà ga, nâng tiếp công suất lên 20 triệu hành khách/năm ở giai đoạn sau có thể thực hiện được một cách dễ dàng, thông qua việc giao bổ sung cho họ hơn 16 ha liền kề theo đúng cơ chế hàng không lưỡng dụng.

Theo số liệu của Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) dự kiến từ ngày 20/1 đến 19/2 (15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng), sân bay sẽ phục vụ hơn 4 triệu lượt khách. Trung bình mỗi ngày có hơn 134.200 người đi và đến sân bay, tăng khoảng 17.500 lượt so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đại diện Cảng vụ Hàng không Miền Nam, ngày 2/2 (28 tháng Chạp), có đến 900 lượt máy bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày mùng 6 Tết (20/2), cũng có đến gần 900 lượt máy bay cất hạ cánh. Tình trạng chậm, hủy chuyến trước đây vốn đã phức tạp thì nay càng trở nên căng thẳng hơn.

Hệ lụy chắc hẳn nhiều người có thể mường tượng ra, trung bình tại sân bay Tân Sơn Nhất có gần 90 chuyến bay bị trễ giờ mỗi ngày. Trong đó, trung bình VietJet Air 51 chuyến/ngày; Jetstar 20 chuyến/ngày, VNA 16 chuyến/ngày.

Bạn đang đọc bài viết Tắc từ trong ra ngoài, bao giờ mới “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.