Thứ năm, 25/04/2024 17:12 (GMT+7)

Tàu tốc độ cao Bắc-Nam: Từ Hà Nội đi TP.HCM chỉ còn mất hơn 5 giờ

MTĐT -  Thứ ba, 25/12/2018 14:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu chạy tàu với tốc độ 320 km/h, dừng mỗi ga 2 phút, đơn vị tư vấn tính toán thời gian chạy tàu từ Hà Nội đi TP.HCM chỉ còn mất 5 giờ 17 phút.

Theo Vnexpress, mới đây Ban quản lý dự án đường sắt đã trình Bộ Giao thông Vận tải hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sau nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành giao thông.

Theo báo cáo tiền khả thi, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài 1.559 km đi qua 20 tỉnh thành, từ Bắc vào Nam gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP HCM.

Điểm đầu dự án tại ga Hà Nội, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự kiến 60% chiều dài tuyến đi trên cầu cạn, 10% đi trong hầm, 30% đi trên nền đất.

 Ảnh minh họa: Internet. 

Nếu chạy tàu với tốc độ 320 km/h, dừng mỗi ga 2 phút, đơn vị tư vấn tính toán thời gian chạy tàu đoạn Hà Nội - Vinh hết 1 giờ 20 phút, đoạn TP HCM - Nha Trang là 1 giờ 35 phút, đoạn Hà Nội - Đà Nẵng là 2 giờ 24 phút. Toàn tuyến từ Hà Nội đến TP HCM tàu vận hành khoảng 5 giờ 17 phút nếu đỗ ít ga và 6 giờ 50 phút nếu đỗ nhiều ga.

Được biết, dự án chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 (2020-2030) sẽ đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh (dài 282,65km) và Nha Trang - TP.HCM (dài 362,15km).

Giai đoạn 2 (2030-2045) đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang (dài khoảng 901km), trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2045.

Về quy mô đầu tư, dự án thực hiện xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi, khổ đường tiêu chuẩn 1.435mm, điện khí hóa, chỉ vận chuyển hành khách. Tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h.

Toàn tuyến có 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng. Đoàn tàu được đề xuất là loại tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán (EMU). Công nghệ tín hiệu điều khiển được để xuất sử dụng công nghệ tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (BQLDA) chia sẻ: “Theo tính toán, để đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, chúng ta sẽ cần tới 58,7 tỷ USD. Từ nay đến tháng 4/2019, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ tổ chức thẩm định dự án”.

Liên quan đến vấn đề tìm đâu 58,7 tỷ USD mà không để làm “gánh nặng”cho nợ công? Tư vấn nhận định, phần đầu tư cho thiết bị và một số chi phí quản lý vận hành khai thác từ khối tư nhân khoảng 10% đến 20% tổng mức đầu tư dự án (6-12 tỷ USD), Nhà nước sẽ đầu tư tối thiểu 80% tổng mức đầu tư (52-47 tỷ USD).

Như vậy, phần vốn đầu tư của Nhà nước ước chiếm khoảng 7 - 10% vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng giai đoạn 2020-2030 và khoảng 7 - 7,6% cho giai đoạn 2030-2040.

Nếu tính tỷ lệ GDP, mức đầu tư cho dự án chiếm tỷ lệ khoảng 0,4 - 0,55% cho giai đoạn 2020-2030 và khoảng 0,35 - 0,4% cho giai đoạn 2030-2040.

"Có thể thấy đến các giai đoạn này, với tốc độ phát triển của kinh tế Việt Nam, việc tập trung huy động vốn đầu tư cho dự án sẽ không bị tác động quá lớn đến việc phân bổ vốn đầu tư cho hạ tầng cơ sở cũng như đầu tư toàn xã hội và nợ công của quốc gia", tư vấn đánh giá.

Trong báo cáo, tư vấn cũng tính toán nhu cầu về nhân lực cho hệ thống đường sắt tốc độ cao cần đào tạo khoảng 13.773 nhân lực cho các chuyên ngành.

Được biết, từ tháng 5 đến tháng 7/2019, Bộ GTVT sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền về Dự án đường sắt cao tốc, sau đó, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Chính phủ vào tháng 8/2019.

Dự kiến, tháng 10/2019, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tàu tốc độ cao Bắc-Nam: Từ Hà Nội đi TP.HCM chỉ còn mất hơn 5 giờ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.