Thứ tư, 24/04/2024 19:27 (GMT+7)

TP HCM cấm hẳn xe máy vào nội đô, dân đi bằng gì?

MTĐT -  Thứ bảy, 25/08/2018 12:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, với hệ thống giao thông công cộng như hiện nay, đến 2030, nếu TP.HCM cấm hẳn xe máy thì phải có phương tiện khác thay thế và phải có hệ thống giao thông công cộng phủ kín.

Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) mới công bố đề xuất hạn chế, tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm thành phố (các quận 1, 3, 5 và 10) vào năm 2030.

Theo đó, trong thời gian xe máy bị hạn chế thì xe buýt giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thống metro, monorail được hình thành theo quy hoạch đến năm 2030.

Đề án do Sở GTVT TP đặt hàng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải thực hiện này lại nhận được sự phản ứng từ dư luận và giới chuyên gia.

Tuy nhiên, ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP.HCM lại khẳng định rằng, đến năm 2030 TP.HCM chưa cấm xe gắn máy.

“Thành phố sẽ nghiên cứu cũng như thực hiện các biện pháp mà đề án nêu để kiểm soát việc sử dụng loại xe này cùng các phương tiện giao thông cá nhân khác. Chỉ khi nào chứng minh có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì TP mới tính đến việc cấm xe máy”, giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định.

Phương tiện giao thông công cộng tại TP. HCM vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Internet. 

Thất bại từ trong “trứng nước”

Trao đổi với Người lao động, KTS Ngô Viết Nam Sơn đặt câu hỏi nếu cấm xe máy thì người dân sẽ đi bằng gì? Nếu muốn cấm xe máy thì phải có phương tiện khác thay thế để người dân đi lại, và quan trọng là giao thông công cộng phải phủ kín. Đơn cử, nếu cấm ở quận 1, 3, 5, 10 thì người dân buộc phải đi lại bằng xe buýt từ quận này qua quận khác, nhưng mạng lưới xe buýt phải thật sự tiện lợi.

Các nhu cầu như đi làm, đi học, đi xem phim hoặc thăm người thân người dân đều có cả, người dân chỉ đi bộ trong vòng bán kính 500m để lên xe buýt chứ không thể xa hơn. Liệu xe buýt có thể đi đến mọi ngóc ngách hay không? Xe buýt có hoạt động 24/7 hay không? Nếu xe buýt hoạt động 24/7 thì tiền đâu bù lỗ cho xe buýt?

Đó là chỉ nói riêng khu vực trung tâm chứ chưa nói đến nhu cầu đi lại của người dân từ ngoại thành vào trung tâm để làm việc, vui chơi.

Nếu chưa giải được bài toán giao thông công cộng và những câu hỏi trên thì đề án thất bại từ trong “trứng nước”.

KTS Sơn cho rằng cấm phương tiện không phải là giải pháp tốt trong quản lý giao thông đô thị. Vấn đề của nhà quản lý là phải đưa ra nhiều giải pháp đi lại để người dân lựa chọn, người dân thấy phương tiện nào thuận lợi, phù hợp với mình thì họ đi. Như ở nước ngoài, giao thông công cộng phủ khắp, nhiều người giàu có vẫn chọn đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm vì nó an toàn.

Hạn chế ô tô cá nhân

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, TS Võ Kim Cương, chuyên gia quy hoạch đô thị bày tỏ quan điểm, chủ trương cấm xe cá nhân, nhất là xe máy như lộ trình là chưa hợp lý. Bởi 90% người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông chính và người dân đang làm ăn, sinh sống phụ thuộc vào các phương tiện này.

TP.HCM về cấu trúc cơ bản chỉ phù hợp cho xe máy mà không hề phù hợp với ô tô, bởi cấu trúc đường chủ yếu là đường nhỏ, hẻm. Nếu Nhà nước muốn chuyển toàn bộ TP thành một nơi không có xe máy thì phải cải tạo lại cấu trúc hạ tầng của TP.

Bởi vậy, theo tôi, lộ trình cấm hoàn toàn xe máy đến năm 2030 không khả thi. Phải chăng có cấm thì nên cấm ô tô cá nhân chứ không nên cấm xe máy. Nhà nước không nên đặt ra việc cấm xe cá nhân thực hiện đến năm nào mà chỉ nên hạn chế phương tiện cá nhân trong một phạm vi cụ thể.

Những năm gần đây, lượng xe máy tại TP.HCM tăng mạnh, mỗi năm lượng xe máy tăng khoảng từ 400.000 - 450.000 chiếc, tốc độ tăng trung bình hàng năm là 7 - 8%.

Tình trạng kẹt xe ở TP.HCM - đô thị lớn nhất nước cũng đang trong tình trạng đáng báo động, nhất là vào những giờ cao điểm ở những nút giao thông huyết mạch.

Kẹt xe đang là nỗi ám ảnh với người dân thành phố. Ảnh: Internet. 

Hình ảnh người dân thành phố vất vả nhích từng chút một vào đầu giờ sáng hay chiều tan tầm không còn quá xa lạ. Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TP.HCM là kết quả của việc hạ tầng giao thông không đáp ứng được lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng.

Dẫn thống kê của Sở GTVT TP.HCM, báo Lao động đưa tin, tính đến năm 2017, thành phố đang quản lý gần 8 triệu ôtô và xe máy (7,3 triệu xe máy và gần 640 nghìn ôtô), chưa tính khoảng một triệu xe mang biển số tỉnh đang lưu thông trên địa bàn thành phố.

Theo số liệu và tính toán của PGS.TS Phạm Xuân Mai, TP.HCM là địa phương có lượng xe máy cao nhất thế giới, trung bình có 910 xe máy/1.000 dân.

Con số này ở Hà Nội là 653, ở Bangkok (Thái Lan) 265, ở Dehli (Ấn Độ) 175 và Jakarta (Indonesia) 160. Hiện 98% gia đình ở TPHCM có xe máy theo số liệu từ năm 2017.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết TP HCM cấm hẳn xe máy vào nội đô, dân đi bằng gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.