Thứ năm, 25/04/2024 21:46 (GMT+7)

TP. HCM đề xuất kiểm soát khí thải xe máy, có khả thi?

MTĐT -  Thứ hai, 21/05/2018 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành.

Đồng thời xây dựng lộ trình tăng dần tiêu chuẩn về kiểm tra khí thải đối với ô tô đang lưu hành để thành phố áp dụng, nhằm giảm mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Trường hợp chưa thể ban hành quy định kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành trên cả nước, thì Bộ hướng dẫn thủ tục cần thiết để có thể thực hiện thí điểm tại TP. HCM.

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, tính đến tháng 3/2018, thành phố có gần 7,5 triệu xe máy, hơn 677.000 ô tô. Đây là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Con số từ các cơ quan kiểm soát và nghiên cứu môi trường TP cho biết, mô tô lưu thông thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ôxit nitơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.

“Với tốc độ tăng mô tô trên địa bàn 10%-15%/năm và vẫn chạy với chuẩn EURO 2 (mức đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua thì có thể suy đoán lượng mô tô tăng kéo theo lượng khí phát thải tăng nên việc sớm kiểm soát khí phát thải từ mô tô ở TP là cần thiết!” - một cán bộ Sở GTVT TP nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lĩnh vực môi trường, việc TP. HCM xin làm thí điểm kiểm soát khí thải mô tô là rất khó vì chưa có các quy định chung, chuẩn chung làm cơ sở áp dụng hoặc vận dụng. Chẳng hạn, từ những năm sau 2010, vấn đề tuổi mô tô bao nhiêu phải kiểm khói đã là đề tài nóng, gây nhiều tranh cãi từ Cục Đăng kiểm, các vụ chuyên môn của Bộ GTVT đến các sở GTVT.

Sau khi có văn bản xin thí điểm của Sở GTVT TP, vấn đề tuổi mô tô được hâm nóng trở lại. Có ý kiến cho rằng việc lấy tuổi xe để buộc phải đi kiểm khói là thiếu khoa học. Vì lẽ có một trong hai thông số để xác định xe xuống đời, giảm chất lượng (đồng nghĩa với việc mức xả thải càng cao) là thời gian sử dụng hoặc số km lưu hành. Tại TP lớn như TP. HCM, tần suất sử dụng xe rất cao nên việc lấy thời gian sử dụng xe để buộc phải kiểm khói sẽ không chính xác.

“Vì với các xe đời mới, xe tay ga dù chưa qua ba năm sử dụng nhưng nếu chạy nhiều thì bầu lọc gió bám bụi, bụi bám đầy muội than… thì khí xả phát thải vẫn cứ vượt chuẩn” - ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-04 V, TP. HCM, nêu vấn đề.

Còn nếu lấy số km thì lại gây khó cho cơ quan chức năng khi phải nhìn đồng hồ, xem số km xe chạy để kiểm khói… Chưa kể ở TP.HCM, vùng Chợ Lớn còn có “nghề”… chỉnh đồng hồ km mô tô.

Thực tế, vấn để kiểm soát khí thải mô tô đã được đặt ra trước đây. Trước đó, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải mô tô kèm theo Quyết định 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010. Trong đó, việc thực hiện Đề án chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 2010 - 2013 phấn đấu đạt được 20% số người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy ở thành phố Hà Nội và TP. HCM thực hiện kiểm định và bảo dưỡng, sửa chữa xe mô tô, xe gắn máy đạt tiêu chuẩn khí thải; Hình thành mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy với ít nhất 100 cơ sở tại thành phố Hà Nội và 150 cơ sở tại TP. HCM.

TP. HCM đề xuất kiểm soát khí thải xe máy. Ảnh minh họa: Internet.

Giai đoạn từ năm 2013 - 2015 thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80% đến 90% số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 60% số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố loại 1 và loại 2.

Tuy nhiên, hầu hết các mục tiêu cơ bản của Đề án đến nay đều không đạt được.

Lý do chậm triển khai Đề án vì vấn đề kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân ở các thành phố lớn và có nhận thức rất khác nhau về vấn đề kiểm soát khí thải.

Trong khi đó, mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trong những năm tới, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố khi giao thông công cộng đáp ứng không quá 10% nhu cầu, giao thông cá nhân bằng ô tô còn hạn chế, ít nhất đến năm 2020. Lượng mô tô, xe gắn máy đăng ký mới tiếp tục tăng nhanh, hiện gấp 1,5 lần so với thời điểm phê duyệt Đề án (năm 2010).

Hơn nữa, đa số người sử dụng chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải mô tô, xe gắn máy và tác dụng, sự cần thiết phải kiểm tra khí thải, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm độ bền, hiệu quả hoạt động, giảm khí thải độc hại, tiết kiệm nhiên liệu.

Ngoài ra phạm vi thực hiện của Đề án bao gồm 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM; 17 thành phố loại 1; 24 thành phố loại 2 thuộc 20 tỉnh là quá rộng. Trong khi đó chưa xây dựng được lộ trình thời gian hợp lý.

Đến năm 2016, Bộ GTVT tiếp tục trình Chính phủ về Đề án kiểm soát khí thải xe máy. Đề án mới đưa ra lộ trình, theo đó giai đoạn 2018-2020 hoàn thiện các văn bản pháp quy, xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy, bổ sung nghị định xử phạt hành chính với hành vi vi phạm khí thải mô tô, xe gắn máy.

P.V (tổng hợp VietTimes, PLO)

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM đề xuất kiểm soát khí thải xe máy, có khả thi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.