Thứ bảy, 20/04/2024 01:23 (GMT+7)

TP. HCM: Vì sao các DN chưa mặn mà với xe buýt nhiên liệu sạch?

MTĐT -  Thứ tư, 18/07/2018 11:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo kế hoạch trong giai đoạn từ 2014-2017, TP.HCM đầu tư mới 1.680 xe buýt, nhưng hết năm 2017 mới đầu tư được 1.162 chiếc, nhưng mới có 352 xe sử dụng khí CNG còn lại là 810 xe vẫn chạy dầu diesel.

Cơ chế còn nhiều bất cập

Để giảm thiểu ô nhiễm khí thải, TP. HCM đã hướng tới việc sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường, trong đó có dòng xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG).

Theo kế hoạch, TP. HCM sẽ đầu tư mới 1.680 xe buýt trong giai đoạn từ năm 2014-2017. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP. HCM thì đến hết năm 2017, toàn thành phố đầu tư được 1.162 trên tổng số 1.680 xe buýt nói trên, đạt tỷ lệ 69%, đáng nói trong đó mới chỉ có 352 xe buýt sử dụng khí CNG, còn lại là 810 xe buýt vẫn sử dụng dầu diesel.

Theo đó, nguyên nhân khiến dự án xe buýt nhiên liệu sạch chưa thu hút được các doanh nghiệp là do cơ chế hỗ trợ đầu tư loại xe CNG còn nhiều điểm bất cập, nên các doanh nghiệp và hợp tác xã xe buýt tại TP. HCM không mặn mà đầu tư loại xe này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp giờ đây từ bỏ ý định đầu tư loại xe buýt thân thiện với môi trường.

Đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch đang gặp nhiều bất cập. Ảnh: Internet. 

Trao đổi với Thời báo KTSG, ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TPH. CM, cho rằng bất cập lớn nhất là vấn đề trợ giá. Xe buýt CNG chỉ được trợ giá bằng với xe chạy dầu diesel, trong khi xe buýt CNG có vốn đầu tư cao gấp đôi so với xe sử dụng dầu diesel.

Không chỉ khó khăn trong việc đầu tư, việc thiếu trạm nạp nhiên liệu CNG cũng khiến các doanh nghiệp đau đầu. Trên địa bàn TP. HCM hiện chỉ có 4 trạm nạp nhiên liệu CNG đặt tại quận Thủ Đức, Tân Bình, quận 12, và huyện Bình Chánh.

Do trạm nhiên liệu ít, lại cách xa bến đậu nên hợp tác xã có xe CNG phải tốn thêm chi phí và thời gian để đi nạp nhiên liệu. Không những vậy, đơn vị cung cấp nhiên liệu lại độc quyền và đang đề nghị tăng giá. Bên cạnh đó, chi phí sửa chữa xe CNG cũng cao hơn nhiều so với xe chạy bằng dầu diesel vì phụ tùng của loại xe này đều phải nhập khẩu.

“Lẽ ra cơ quan nhà nước phải có chính sách hỗ trợ về giá khí để khuyến khích sử dụng xe CNG vì có lợi hơn xe chạy dầu diesel. Đằng này chính sách lại đi ngược thực tế, đầu tư xe thân thiện với môi trường cũng bằng xe không thân thiện với môi trường thì ai dám đầu tư”, ông Hải nói lên sự bất cập.

Trạm nạp khí CNG vẫn còn ít

Còn ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc HTX Vận tải số 15 trao đổi với báo Người lao động cho biết, với chính sách hỗ trợ của TP hiện nay, các chủ xe chỉ bỏ ra 30% giá trị xe, 70% còn lại vay ngân hàng và được TP hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ lãi suất cố định 3%/năm nhưng HTX vẫn gặp khó khăn với việc trả lãi do doanh thu không ổn định mà tiền vay lại lớn.

Đại diện một HTX đã từng đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch nhận xét ngoài các yêu tố bất lợi trên, loại phương tiện này có nhiều ưu điểm. Đó là không gây ô nhiễm môi trường, chi phí nhiên liệu thấp hơn so với dầu diesel. Vì vậy, nhất thiết TP phải có cơ chế riêng trong việc trợ giá, lãi suất ngân hàng để khuyến khích đầu tư, chứ cứ như bây giờ thì DN không mặn mà.

Hà Nội cũng cho chạy xe buýt nhiên liệu sạch. Ảnh minh họa: Internet. 

Theo Sở GTVT TP. HCM, đề án đầu tư 1.680 xe buýt mới vẫn đang bị nhiều vướng mắc, trong đó bao gồm việc đầu tư các trạm nạp khí CNG chậm, chưa gắn với kế hoạch đầu tư xe buýt trên từng tuyến khiến tiến độ đầu tư bị ảnh hưởng. Kế đến là việc thực hiện thủ tục hỗ trợ lãi vay cho các đơn vị vận tải còn chậm nên sở đang triển khai nhiều biện pháp để nhanh chóng tháo gỡ.

Cụ thể, Sở GTVT đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới các trạm nạp khí CNG và có chính sách ổn định giá bán loại nhiên liệu này cho hoạt động vận tải hành khách công cộng tại TP. Đồng thời, TP cũng đã thống nhất chủ trương bố trí kinh phí và đã chỉ đạo các sở - ngành sớm hoàn tất các thủ tục giải ngân hỗ trợ lãi vay đối với số xe buýt đã thay mới theo đề án 1.680 xe.

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường rõ rệt

Theo đánh giá của Sở GTVT TP. HCM, việc xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách rõ rệt so với xe buýt sử dụng nhiên liệu Diesel.

Cụ thể là: Giảm lượng khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường; Giảm lượng khí nhà kính CO2 phát thải; Giảm tiếng ồn và rung động. Bước đầu thành công trong việc xây dựng các tuyến buýt kiểu mẫu về chất lượng dịch vụ thông qua việc trang bị các hệ thống GPS, bán vé tự động…; được hành khách và nhân dân thành phố ủng hộ vì xe có tính tiện nghi cao và giảm ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam nên xe buýt CNG tiết kiệm được khoảng 30% chi phí nhiên liệu so với xe sử dụng Diesel, qua đó làm giảm giá thành vận tải.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM: Vì sao các DN chưa mặn mà với xe buýt nhiên liệu sạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...