Thứ bảy, 20/04/2024 04:01 (GMT+7)

TP.HCM cấm xe máy vào nội đô, tranh cãi chưa có hồi kết

MTĐT -  Thứ bảy, 02/03/2019 12:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 1/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM cùng Sở GTVT tổ chức buổi phản biện đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Nhiều chuyên gia đánh giá cao mục tiêu tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát xe cá nhân trên địa bàn TP. HCM nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu kỹ hiện trạng cho phù hợp thực tế, bởi hạn chế xe cá nhân trong giai đoạn ngắn sắp tới là khó khả thi với hạ tầng giao thông hiện nay.

Thiệt hại nặng nề vì tắc đường, ô nhiễm

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia. Theo báo Thanh Niên, mở đầu hội nghị, TS Phạm Hoài Chung, Giám đốc Viện Chiến lược - Phát triển GTVT (Bộ GTVT) - đơn vị được Sở GTVT đặt hàng xây dựng đề án, đã khái quát bức tranh giao thông TP.HCM hiện nay thông qua những con số.

Cụ thể, hiện có khoảng 11 - 12 triệu người sinh sống, hoạt động thường xuyên trên địa bàn TP, kéo theo sự bùng nổ xe máy, ô tô cá nhân trong khi kết cấu hạ tầng cả về chỉ tiêu chiều dài đường và diện tích đường đang ở mức rất thấp so với tốc độ tăng trưởng của phương tiện. Điều này tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông của TP.

Tắc đường, ô nhiễm môi trường gây thiệt hại nặng nề cho TP HCM. Ảnh minh họa: Internet. 

“Mỗi năm TP thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỉ USD/năm do ùn tắc giao thông và 2,3 tỉ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới”, vị này ước tính và cho rằng cần có các biện pháp căn cơ hạn chế sự tăng trưởng của phương tiện cá nhân, trong đó có việc hoàn chỉnh mạng lưới giao thông công cộng để tiến tới phân vùng, cấm xe gắn máy tại một số khu vực trung tâm vào giai đoạn 2025 - 2030.

Đảm bảo phương tiện công cộng mới hạn chế xe máy

Đồng tình việc cấm xe máy, nhưng theo Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Giảng viên Đại học GTVT, xe máy đang được xem là phương tiện di chuyển tối ưu cho cá nhân nhưng đang là tai họa của xã hội. Không thể viện lý do chờ đến khi vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đảm bảo cho mọi người dân đi lại mới bắt đầu hạn chế xe cá nhân.

TS Phạm Hoàng Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ GTVT), thông tin mạng lưới giao thông xe buýt hiện nay chưa hoàn thiện, phần lớn là xe buýt lớn trong khi đường nhỏ, hẻm nhiều, cơ cấu xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

“Đến năm 2030 thì TP cần phát triển xe buýt số lượng lớn, đường sắt đô thị cần có giải pháp đột phá, phát triển buýt thủy, taxi, xe đạp công cộng… TP cũng cần phát triển minibus để gom khách từ các trục là tuyến đường lớn” - ông Trung đề xuất.

Cân nhắc thông điệp cấm xe máy

Theo Vnexpress, nên ý kiến về vấn đề này, TS Huỳnh Thế Du (Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam) lưu ý thành phố cần cân nhắc thông điệp cấm xe máy - điểm nhấn trong đề án. Bởi có khả năng đẩy nhanh xu hướng chuyển từ xe máy sang ôtô, là nguyên nhân chính làm cho tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày một trầm trọng.

Theo ông, nếu chọn cách tiếp cận theo hướng cấm phương tiện cá nhân do không tìm được giải pháp khả dĩ hơn, thì thông điệp nên là: "Đến năm 2030, thành phố sẽ không cho phép các phương tiện cá nhân lưu thông ở một số khu vực, nhất là khu trung tâm".

Chính quyền thành phố cần làm cho người dân hiểu rằng sở hữu phương tiện là quyền tự do của mỗi người, nhưng người dùng sẽ phải trả toàn bộ chi phí gây ra cho xã hội, sẽ rất tốn kém. Chứ không phải cấm xe máy là đương nhiên, chuyển sang ôtô vì tương lai mù mịt của giao thông công cộng thành phố.

Chuyên gia lo ngại việc cấm xe máy sẽ khiến người dân chuyển sang ô tô và ngày càng tắc đường hơn. 

"Đối với giao thông đô thị, phụ thuộc vào ôtô đang là một trong những vấn đề đau đầu, hay nói mạnh hơn là cơn ác mộng của nhiều thành phố trên thế giới. Do vậy, xu hướng đưa ra các chính sách giảm dần sự phụ thuộc vào ôtô đang ngày một mạnh mẽ hơn", ông Du cho biết.

Theo PGS. TS Phạm Xuân Mai, TPHCM cần có nhiều giải pháp đột phá, cụ thể là phải có chính quyền giao thông đô thị vì lĩnh vực này liên quan đến nhiều sở ban ngành, cần phải có chính quyền giao thông đô thị để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, đầu tư, kinh phí. “Xe buýt mới đáp ứng 4-5% nhu cầu đi lại thì còn rất thấp. Mỗi năm, TPHCM bỏ ra khoảng 1.000 tỷ để thu hút 300 triệu hành khách đi xe buýt thì chưa hiệu quả. Các nước trợ giá cao gấp 3-4 lần TPHCM nhưng đáp ứng đến 70% nhu cầu đi lại của người dân”, ông Mai nói.

Đề án tăng cường giao thông công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện cá nhân ở TP.HCM được chia làm ba giai đoạn thực hiện: Từ nay đến năm 2020; từ năm 2021 đến 2025 và từ năm 2026 đến 2030.

Giai đoạn đầu hoàn thiện quy hoạch, cơ chế chính sách, bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng cùng với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông khác.

Từ năm 2021 đến 2025, ngoài các giải pháp giao thông công cộng, giai đoạn này sẽ thực hiện một số giải pháp làm cơ sở triển khai việc kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, ngừng hoạt động mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại khu vực trung tâm TP.

Giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, TP sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ, tiến tới ngưng hoạt động mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực. Sở GTVT TP dự kiến kinh phí thực hiện đề án khoảng 52,5 tỉ đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM cấm xe máy vào nội đô, tranh cãi chưa có hồi kết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...