Thứ tư, 24/04/2024 18:01 (GMT+7)

TP.HCM: Mở làn đường dành riêng cho xe buýt, liệu có khả thi?

MTĐT -  Thứ năm, 04/10/2018 18:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đang nghiên cứu đề án mở làn đường ưu tiên cho xe buýt. Đồng thời, lấy ý kiến chuyên gia và người dân trước khi thí điểm đề án này.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, trong thời gian tới sẽ thực hiện thí điểm 2 tuyến xe buýt trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu, để đánh giá chất lượng dịch vụ. Sau đó sẽ tiến hành thực hiện làn đường ưu tiên dành riêng cho xe buýt.

Ảnh minh hoạ.

Theo báo Dân Sinh, làn đường ưu tiên cho xe buýt sắp thí điểm sẽ khởi hành từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Lý Thái Tổ trên đường Điện Biên Phủ, dài 3,6 km và từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Dân Chủ trên đường Võ Thị Sáu, dài 2,2 km.

Lý do để Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM chọn thí điểm trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ làm làn đường ưu tiên là vì đáp ứng được 3 - 4 làn xe rộng. Ngoài ra, hai đường này còn là trục chính của giao thông công cộng với mật độ xe cao, số tuyến xe buýt di chuyển nhiều và không đảm bảo về thời gian.

Theo khảo sát của báo Pháp Luật, không đồng tình với đề án này, anh Đào Viết Giang, tài xế taxi ở TP.HCM, cho rằng đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ thường xuyên kẹt xe, nay phải dành một làn đường để ưu tiên xe buýt thì sẽ gây kẹt cục bộ. Việc để xe buýt chạy một làn ưu tiên đồng nghĩa với việc thu hẹp phần diện tích mặt đường dành cho xe máy, ô tô. Vì vậy, tình trạng giao thông càng thêm phức tạp. Đã vào giờ cao điểm mà còn ưu tiên cho xe buýt thì các phương tiện khác di chuyển từ trục đường chính đến các đường nhánh Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Ngoài ra, anh Nguyễn Huy Hoàng (quận 3) cũng cho rằng việc chọn thí điểm hai tuyến đường huyết mạch ở TP.HCM là khó khả thi. Anh Hoàng lý giải: “Đường ở TP.HCM khá nhỏ hẹp, nếu bỏ một làn đường dành cho xe buýt sẽ khiến tình trạng ách tắc giao thông càng trở nên nghiêm trọng. Việc mở làn đường ưu tiên nghĩa là chỉ kẻ vạch phân làn thì các phương tiện khác sẽ lấn qua lấn lại, rất khó điều tiết để các phương tiện khác không lấn qua làn xe buýt đang trống khi làn còn lại kẹt cứng”.

Được biết, ngoài việc nghiên cứu làn đường ưu tiên cho xe buýt Trung tâm Quản lý giao thông công cộng còn nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác được di chuyển vào làn đường ưu tiên này như xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt… Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống giao thông công cộng trong TP ngày càng phát triển hơn, thu hút người dân sử dụng dịch vụ giao thông công cộng. Đồng thời, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, với ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiện nay của một số người dân ta còn yếu, lượng phương tiện giao thông trong thành phố lại bị quá tải, không thể bỏ ngay xe máy mà đi xe buýt được. Do đó, Sở GTVT cần phải nghiên cứu, cũng như lấy ý kiến người dân trước khi đưa đề án này vào thực tế, để tránh làm đảo lộn giao thông trong TP.

Ngọc Bùi T/H

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Mở làn đường dành riêng cho xe buýt, liệu có khả thi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.