Thứ tư, 17/04/2024 04:34 (GMT+7)

Trạm “thu phí” biến thành trạm “thu giá”: Bộ trưởng GTVT nói gì?

MTĐT -  Thứ tư, 23/05/2018 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Bộ trưởng GTVT, phí thì liên quan đến HĐND, Quốc hội quyết định. Còn giá là dịch vụ của một doanh nghiệp cung cấp. Đây là sản phẩm của doanh nghiệp thì sẽ được điều chỉnh cho hợp lý.

Trước những thắc mắc của dư luận về việc các trạm thu phí BOT giao thông tiến hành thu phí để hoàn vốn đầu tư, nhưng gần đây lại xuất hiện thuật ngữ “thu giá BOT” và tên gọi các “trạm thu phí” BOT cũng được chuyển thành trạm “thu giá” BOT. Ông Đỗ Văn Quốc – Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT đã có những lý giải về vấn đề này.

Theo ông Quốc, việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá là theo quy định của Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Trong đó, kể từ ngày 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa sẽ do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định.

Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.

Trước khi Luật Phí và lệ phí ban hành và có hiệu lực, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.

Trong đó, mỗi dự án BOT được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí cụ thể và mức phí nằm trong quy định chung tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính.

Sau khi Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành, căn cứ Nghị định 149/2016 của Chính phủ, ngày 15/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.

Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại Điều 6 của Thông tư 35/2016.

“Về bản chất, khi chuyển từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT”, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính” – lãnh đạo Vụ Tài chính, Bộ GTVT cho biết.

Nhiều trạm thu phí đã được chuyển thành trạm thu giá. Ảnh: VOV.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, lý do chuyển tên từ trạm thu phí sang trạm thu giá là do quy định của Nghị định 149/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giá quy định thẩm quyền và trách nhiệm định giá của Bộ Giao thông vận tải.

Phí thì liên quan đến Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định. Còn giá là dịch vụ của một doanh nghiệp cung cấp. Đây là sản phẩm của doanh nghiệp thì sẽ được điều chỉnh cho hợp lý.

Khi chuyển qua giá thì mình mới thực hiện được việc giảm giá sao cho cân đối được phương án tài chính của từng dự án. Chứ nếu coi đó là phí thì phải thông qua các bộ, ngành… mất nhiều thủ tục và thời gian hơn. Đây là cơ chế của Chính phủ. Điều này không khác gì cả, khi mình chuyển sang thu giá sẽ linh động hơn rất nhiều.

Ông Thể cũng cho biết thêm, một dự án BOT thì dĩ nhiên nhà nước và nhà đầu tư bỏ vốn ra, căn cứ vào phương án hoàn vốn của doanh nghiệp. Nhà nước cố gắng điều chỉnh cho đến mức thấp nhất để hài hòa cho các bên, có lợi cho xã hội.

“Hiện nay trạm thu giá nào có điều kiện là Bộ Giao thông Vận tải thực hiện việc giảm đến mức thấp nhất, dĩ nhiên cần phải tuân theo quy luật thị trường. Doanh nghiệp nào cũng phải tính toán giá thành để thu hồi vốn. Ví dụ giống tôi bỏ tiền gửi ngân hàng thì tôi cũng phải nhận được lãi suất”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

P.V (tổng hợp theo TTXVN, VOV)

Bạn đang đọc bài viết Trạm “thu phí” biến thành trạm “thu giá”: Bộ trưởng GTVT nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.