Thứ bảy, 20/04/2024 10:21 (GMT+7)

Tranh cãi gay gắt về việc gắn hộp đèn “Taxi điện tử” cho xe Grab

MTĐT -  Thứ ba, 17/07/2018 11:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc yêu cầu taxi công nghệ phải có thêm hộp đèn (mào) chữ “TAXI ĐIỆN TỬ” gắn cố định trên nóc xe của Bộ GTVT đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều.

Mới đây Bộ GTVT tiếp tục đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Dự thảo lần này đã rõ hơn khái niệm vận tải hành khách bằng xe ô tô, trong đó bổ sung các công đoạn được xác định là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: Quyết định giá cước vận tải (kể cả việc thực hiện các công đoạn này thông qua phần mềm).

Với định nghĩa mới này, các hãng taxi công nghệ sẽ đương nhiên trở thành công ty kinh doanh vận tải, vì họ có quyền quyết định giá cước thông qua phần mềm. Điều này, nhằm giải quyết việc Grab bấy lâu nay luôn tranh luận vì cho rằng mình là hãng công nghệ, không phải vận tải.

Đặc biệt, dự thảo lần này có điều khoản gây tranh cãi là, taxi công nghệ phải có thêm hộp đèn (mào) chữ “TAXI ĐIỆN TỬ” gắn cố định trên nóc xe. Phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: Thông tin doanh nghiệp kinh doanh, về lái xe, về xe, lộ trình, cự ly di chuyển, giá cước...

Sau khi dự thảo này được đưa ra đã làm dấy lên những tranh luận, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường taxi.

Việc gắn hộp đèn “Taxi điện tử” cho xe Grab đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Internet.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, trao đổi với Vnexpress cho biết, ủng hộ đề xuất này của Bộ Giao thông. “Tôi đồng tình đề xuất gắn hộp đèn Taxi điện tử hay gắn logo để phân biệt với xe tư nhân. Khi lái xe Grab kinh doanh giống như taxi thì phải gắn mào, còn nếu anh thấy ngại hoặc xấu hổ vì gắn như vậy thì đừng kinh doanh nữa”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, bản chất của xe Uber, Grab trước khi vào Việt Nam là “kinh tế chia sẻ”, giúp giảm xe cá nhân lưu thông trên đường. Song thực tế hiện nay nhiều người đầu tư xe hợp đồng điện tử để kinh doanh như taxi, tỷ lệ xe cá nhân hoạt động khi nhàn rỗi trong lĩnh vực này không nhiều.

“Tôi không biết tỷ lệ bao nhiêu, song khi hỏi lái xe Grab thì đều nhận được câu trả lời rằng họ kinh doanh chuyên nghiệp, không phải tận dụng xe nhàn rỗi”, ông Thanh nói.

Từng trao đổi với Tuổi trẻ, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức, cho rằng việc gắn hộp đèn taxi điện tử hoặc phù hiệu xe hợp đồng là không cần thiết, gây tốn kém.

Ông Tuấn cho rằng muốn quản lý tốt các loại hình vận tải hành khách bằng taxi thì phải căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia, người dân và tài xế đảm bảo tính khách quan, trên cơ sở đó Bộ Giao thông - Vận tải có thể đề xuất các công cụ quản lý khác.

“Chúng ta cũng có thể quản lý bằng tem thay vì hộp đèn hay phù hiệu. Chất lượng dịch vụ và giá cước vẫn phù hợp với như cầu của khách hàng”, ông Tuấn nói.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội, cho rằng, “xe Grab là kết quả của công nghệ, không thể bắt nó mặc áo quần như taxi truyền thống”.

Theo ông Liên, nếu bắt buộc xe Grab phải gắn mào sẽ làm tăng chi phí xã hội, do đó, các phương tiện này phải được quản lý bằng công nghệ chứ không nên quản lý như taxi thường. Việc gắn hộp đèn trên nóc là không cần thiết vì hiện xe taxi điện tử đã có phù hiệu, “đủ để các cơ quan chức năng kiểm soát”.

“Grab là khai thác xe nhàn rỗi, bắt lái xe đục lỗ gắn mào trên nóc sẽ rất khó. Nhiều hành khách cũng không muốn đi xe có mào vì họ thích cảm giác được đi xe riêng”, ông Liên nhận định.

Tuy nhiên, theo báo Lao động, dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tháng 7 này, bộ sẽ cố gắng hoàn thành dự thảo sửa đổi và trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến ban hành Nghị định 86. Khi ban hành Nghị định 86 sẽ kết thúc thí điểm ứng dụng gọi xe tại Quyết định 24.

Bên cạnh việc sửa đổi nghị định 86, Bộ GTVT cũng sẽ đề nghị sửa Luật Giao thông Đường bộ bởi Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 đưa ra 5 loại hình vận tải, gồm: Xe hợp đồng, xe taxi, xe buýt, xe chạy tuyến cố định, xe du lịch, nhưng về bản chất vẫn là vận tải hành khách. Trong đó, chỉ có xe buýt là được trợ giá do vận tải hành khách công cộng, có điều kiện kinh doanh cụ thể còn các loại hình khác để cụ thể hóa ranh giới là điều cực kỳ khó khăn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi gay gắt về việc gắn hộp đèn “Taxi điện tử” cho xe Grab. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ