Thứ sáu, 29/03/2024 04:31 (GMT+7)

Từ 1/1/2020, quy định mới về xử phạt vi phạm giao thông được áp dụng

MTĐT -  Thứ năm, 02/01/2020 11:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ ngày 1/1/2020, hàng loạt quy định mới về xử phạt vi phạm giao thông sẽ được áp dụng như Luật phòng chống tác hại của rượu, bia; quy định mới về đào tạo sát hạch cấp bằng lái xe;.....

Luật phòng chống tác hại rượu bia

Từ ngày 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực, nghiêm cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo điều 5, có 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Vì vậy, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện... hay phương tiện giao thông thô sơ đường bộ như xe đạp, xích lô... đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.

Theo Luật hiện hành cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe dù trong người có nồng độ cồn, trong đó với xe gắn máy cho phép dưới ngưỡng 50 miligam trong 100 mililít máu hoặc 0,25 miligam trong một lít khí. Như vậy, quy định mới sẽ cấm hoàn toàn và không còn quy định khung nồng độ cồn.

Cụ thể, người nào uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng bị xử phạt. Đối với người điều khiển ô tô, mức xử phạt cao nhất từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô, mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

Ngoài ra, luật cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Luật nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Đối với rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ, không được quảng cáo trên truyền hình trong thời gian từ 18h - 21h hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài…

Khi quảng cáo, phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia; không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em; không quảng cáo trên phương tiện giao thông…

Lần đầu tiên có quy định riêng phạt lùi xe trên cao tốc

Nghị định 100/2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, ngoài hành vi vi phạm nồng độ cồn, rất nhiều mức phạt đối với các hành vi vi phạm khác cũng được nghị định quy định nghiêm khắc hơn.

Cụ thể, theo Nghị định, khi lần đầu tiên hành vi lùi xe trên cao tốc được quy định riêng, với mức phạt rất cao. Theo đó, người điều khiển ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) có thể bị phạt tới 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe bảy tháng.

Như vậy, quy định mới đã nâng mức phạt đối với hành vi cực kỳ nguy hiểm này lên tới hơn 10 lần.

Ngoài ra, một số hành vi vi phạm khi điều khiển phương tiện là ô tô cũng được tăng mức phạt đáng kể. Chẳng hạn chở người trên xe không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy bị phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng thay vì từ 100.000 đến 200.000 đồng như trước đây.

Hoặc hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng…) sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, thay vì 1,2 triệu đến 2 triệu đồng như cũ.

Đặc biệt, mức phạt cao nhất trong Nghị định 100/2019 lên tới mức kịch khung là 30 triệu đến 40 triệu đồng, trong đó có hành vi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Tiêu chuẩn khí thải

Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2020, các loại xe ô tô sản xuất từ năm 2008 trở lại đây (khoảng 2,4 triệu xe) phải đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thải mới mới được cấp chứng nhận đăng kiểm để tham gia giao thông. Cụ thể, xe ô tô chạy xăng chỉ được có tối đa 3,5% nồng độ CO (mức hiện tại là 4,5%); còn xe dùng nhiên liệu diesel động cơ 4 kỳ có giới hạn tối đa chất HC là 800ppm thể tích (mức hiện tại là 1.200) và tỷ lệ khói HSU tối đa là 60%.

Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn thiện thử nghiệm phần mềm kiểm tra khí thải theo tiêu chuẩn mới; đang tập huấn, chuyển giao cho các trung tâm đăng kiểm toàn quốc cài đặt, sử dụng từ 1/1/2020.

Đào tạo sát hạch cấp bằng lái xe sẽ thay đổi

- Thực hiện việc giám sát trực tuyến trên toàn quốc

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp GPLX với nhiều điểm mới.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2020, sẽ thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch như: điểm xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc.

- Học viên phải sát hạch xử lý các tình huống trên phần mềm mô phỏng

Đối với công tác đào tạo, Thông tư quy định, kể từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết. Học viên phải học đầy đủ thời gian của môn học lý thuyết mới được dự sát hạch. Đặc biệt, Thông tư quy định các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên. Ngoài ra, thông tư cũng bổ sung thêm hai môn học là học xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin tập lái.

- Đối với nội dung sát hạch, trước đây học viên chỉ thi 3 nội dung, nay bổ sung thêm nội dung là học viên phải sát hạch xử lý các tình huống trên phần mềm mô phỏng

Thiết bị mô phỏng bao gồm hệ thống máy tính, phần mềm mô phỏng và cabin học lái ô tô sẽ được sử dụng cả trong đào tạo và sát hạch. Thời gian một người học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ, sau khi đã hoàn thành các khoa mục tập lái trên sân và trước khi ra tập lái trên đường. Còn trình tự sát hạch mới sẽ là lý thuyết - mô phỏng - trong hình - trên đường. Như vậy, nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng sẽ không được sát hạch trên ô tô. Việc đào tạo bằng thiết bị mô phỏng được thực hiện từ 1/1/2021 và sát hạch từ 1/5/2021.

- Học viên phải học 2 giờ với nội dung "phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông"

Một thay đổi đáng lưu ý so với chương trình đào tạo cũ là nội dung các môn học lý thuyết được bổ sung, dù thời lượng từng môn vẫn không đổi.Ví dụ như: Môn đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông được đổi thành đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Trong đó, nội dung "phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông" chiếm 2 giờ.

Bạn đang đọc bài viết Từ 1/1/2020, quy định mới về xử phạt vi phạm giao thông được áp dụng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.