Thứ sáu, 29/03/2024 13:05 (GMT+7)

VEC chỉ định thầu cho sân sau ‘Út trọc’: Ai phải chịu trách nhiệm?

Nhóm PV -  Thứ tư, 07/11/2018 10:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong văn bản 1260 của Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám gửi HĐTV cho thấy nghi án ban lãnh đạo VEC nhiệm kỳ 2011-2016 ký kết trao trạm dừng nghỉ cho nhà đầu tư chưa được Bộ GTVT ủy quyền.

VEC chỉ định thầu hơn 220 tỷ cho công ty của “Út trọc”?

Trong văn bản số 1603/VEC-KVS về việc xã hội hoá các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, dự án do VEC làm chủ đầu tư do Kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông gửi Bộ GTVT có nói đến 8 trạm dừng nghỉ không qua đấu thầu.

Trong văn bản, kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông chỉ rõ tình trạng nhà đầu tư được ưu ái đến mức “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Theo đó, nhà đầu tư tự lập phương án thiết kế, dự toán, tính toán phương án tài chính của dự án trình VEC xem xét, đàm phán ký hợp đồng. Văn bản khẳng định, việc lựa chọn nhà thầu như vậy là ngược trình tự đầu tư xây dựng cơ bản.

Nhiều lùm xùm tại các trạm dừng nghỉ của VEC.

Ngoài ra, Tổng mức đầu tư cho các công việc cần xã hội hoá tại các trạm dừng nghỉ không được VEC phê duyệt để quản lý chi phí. Không có kế hoạch đấu thầu, dự toán giá gói thầu, hồ sơ yêu cầu và chấm thầu.

Một điểm đáng lưu ý, các thủ tục còn được thực hiện theo dạng “đi đêm” như không tổ chức công khai kêu gọi nhà đầu tư tham gia hợp tác đầu tư trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc (ví dụ đăng báo mời nhà đầu tư); Không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật đấu thầu.

Văn bản cũng nêu rõ, VEC không quản lý được chi phí đầu vào, không thẩm định lại thiết kế, dự toán, không có quy định chặt chẽ, đầy đủ về việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán phần chi phí đầu tư thực hiện này để làm cơ sở tính toán lại phương án tài chính, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư vào lợi nhuận của VEC.

Trong văn bản số 1603/VEC-KVS, ông Đông cũng cảnh báo, tất cả các tồn tại nêu trên có thể dẫn tới tổng vốn đầu tư của tất cả các trạm dịch vụ trên tuyến cao tốc là chưa phù hợp. Hiện nay vốn đầu tư đều dựa trên đề xuất của Nhà đầu tư nên có chi phí lớn, dẫn đến thời gian hoàn vốn bị kéo dài. VEC không có lợi nhuận, không tăng hiệu quả kinh tế của các dự án đường cao tốc.

Về trách nhiệm, văn bản khẳng định VEC là đơn vị xây dựng phương án đầu tư cụ thể cho từng dự án trạm dừng nghỉ. Hội đồng thành viên VEC chịu trách nhiệm quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và báo cáo Bộ GTVT các vấn đề vượt thẩm quyền. Nhưng tất cả các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc đều không được VEC xây dựng phương án đầu tư cụ thể cho từng dự án mà đã lựa chọn nhà đầu tư là không đúng với hướng dẫn tại văn bản số 9570/BGTVT-KHĐT.

Theo báo cáo của ông Đông, trong 8 dự án chỉ định thầu của VEC có dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, lãnh đạo VEC nhiệm kỳ 2011-2016 đề xuất định thầu cho Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng (sân sau của Đinh Ngọc Hệ - tức "Út trọc") tại văn bản số 1065/VEC-KHĐT ngày 8/4/2015.

VEC ‘vượt mặt’ Bộ GTVT?

Cũng liên quan đến các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, văn bản số 1260/BL-VEC-QLKT ngày 11/5/2018 của Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám gửi Hội đồng thành viên VEC còn cho thấy nghi án ban lãnh đạo VEC nhiệm kỳ 2011-2016 ký kết trao trạm dừng nghỉ cho nhà đầu tư mà chưa được Bộ GTVT ủy quyền.

Theo đó, trên cơ sở xem xét hợp đồng các trạm dừng nghỉ đã ký kết và căn cứ vào các quy định của pháp luật về hợp đồng, có thể thấy các hợp đồng ký kết giữa VEC và nhà đầu tư không xác định rõ hình thức BOT hoặc BCC. Các hợp đồng đều không có bảo lãnh thực hiện hợp đồng và không có điều khoản để VEC can thiệp, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện khi không có bảo lãnh ngân hàng.

Đối với hợp đồng BCC (hợp tác kinh doanh), khoản 16 Điều 3, Luật đầu tư số 59/2005/QH11 nêu rõ “là hình thức đầu tư được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân. Nhưng đối chiếu với nội dung hợp đồng giữa VEC và các nhà đầu tư không có quy định về việc phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm.

Trạm dừng nghỉ Tuấn Tú Phú Thọ tại Km57+500 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai được VEC đồng ý cho chỉ định thầu mà không qua đấu thầu.


Mặt khác, đối với hợp đồng BOT, các chủ thể ký kết hợp đồng với nhà đầu tư phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc cơ quan được uỷ quyền). Tuy nhiên, các hợp đồng trên đều được ký kết giữa VEC (là doanh nghiệp) và nhà đầu tư mà chưa được Bộ GTVT ủy quyền.

Trong khi, theo Luật đấu thầu số 43/2013 (có hiệu lực từ 1/7/2014), đối với hình thức hợp đồng BOT, phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cũng liên quan đến ký kết tại các trạm dừng nghỉ, theo báo cáo của kiểm soát viên Trương Việt Đông, các trạm dừng nghỉ đều đã được đầu tư san lấp hạ tầng, đường nối từ đường chính, đường địa phương vào trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, lát vỉa hè, hàng rào bằng nguồn vốn của VEC. Nhưng trong phương án tàu chính và Hợp đồng kinh tế giữa VEC và nhà đầu tư chưa tính toán phân chia lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh trạm dịch vụ cho VEC. Điều này là không hợp lý.

Trong văn bản số 1260/BL-VEC-QLKT ngày 11/5/2018, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC cho biết từ tháng 6 đến 7/2018, Phòng thẩm định VEC và Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Bắc (NEPMU) đã làm việc tại hiện trường và rà soát 8/8 dự án trạm dừng nghỉ. Đoàn kiểm tra kết luận: nhà đầu tư chưa tuân thủ thiết kế cơ sở được duyệt.

Đáng chú ý, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng - sân sau "Út trọc”, sau một thời gian dài triển khai thực hiện không đáp ứng được tiến độ, chậm chễ trong việc thi công xây dựng (giai đoạn 1 chậm tới 17 tháng, giai đoạn 2 chưa triển khai. Mặt khác, công ty Thái Sơn không có động thái tích cực triển khai các hạng mục chính như: tổ hợp nhà hàng, dịch vụ, văn phòng quản lý, cứu hộ giao thông, khu vui chơi.

Đến ngày 8/5/2018, VEC đã có văn bản số 1228/VEC-QLKT buộc chấm dứt hợp đồng với Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn tại trạm dừng nghỉ tại Km 41+ 100 cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây.

Được biết, người ký văn bản chỉ định thầu cho công ty sân sau của Út "trọc" là ông Mai Tuấn Anh, khi đó là Tổng Giám đốc VEC, hiện nay là Chủ tịch HĐTV. Nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của VEC nói chung, ông Mai Tuấn Anh trong việc chỉ định thầu 8 dự án trạm dừng nghỉ như thế nào?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin. 

Bạn đang đọc bài viết VEC chỉ định thầu cho sân sau ‘Út trọc’: Ai phải chịu trách nhiệm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới