Thứ sáu, 29/03/2024 22:15 (GMT+7)

Xe công nghệ sẽ hoạt động ra sao sau quyết định dừng thí điểm?

MTĐT -  Thứ ba, 18/02/2020 17:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ 1/4, Bộ GTVT sẽ dừng hoạt động thí điểm xe công nghệ, nhiều người lo lắng cho số phận của các hãng gọi xe công nghệ như Grab, FastGo,..., trong đó không ít hãng mới thành lập.

Bộ GTVT vừa có quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT).

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm (bao gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa) hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải đang tham gia Kế hoạch thí điểm trên địa bàn địa phương dừng hoạt động thí điểm kể từ ngày 1/4/2020.

Sau thông tin này, nhiều người lo lắng cho số phận của các hãng xe công nghệ như Grab đang hoạt động tại Việt Nam.

Nghị định mới cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe trước đó. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Hiện nay, tại Việt Nam đang có doanh nghiệp Grab kinh doanh vận tải dưới dạng xe ôtô chở khách dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử không theo tuyến cố định”.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, việc Nghị định 10 quy định các loại hình xe công nghệ như GrabCar, BeCar bằng tên gọi "Xe hợp đồng điện tử" không bắt buộc gắn hộp đèn nhưng phải dán phù hiệu "Xe hợp đồng" trên kính. Thay vào đó, dạng xe này hoạt động hợp pháp phải được dán 3 tem: phù hiệu xe hợp đồng (thường gắn ở kính trước xe), logo hợp tác xã (gắn ở cửa xe), tem GrabCar (dán ở kính lái bên trong xe).

Đáng chú ý, xe taxi truyền thống cũng không bắt buộc phải gắn hộp đèn (mào) có chữ “Taxi” trên nóc xe như trước đây mà có thể dán cụm từ “Xe taxi” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu là 6x20 cm.

“Như vậy, việc Nghị định 10 được ban hành sẽ tạo ra môi trường kinh doanh vận tải taxi công bằng hơn giữa các doanh nghiệp. Khách hàng cũng có thể dễ dàng lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình. Tuy nhiên, giá sử dụng dịch vụ cũng là mấu chốt quan trọng quyết định tới việc khách hàng lựa chọn”, Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

Theo Nghị định 10, trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ô tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 36 Nghị định 10.

Như vậy, hầu hết các xe GrabCar hiện nay nếu có đủ các điều kiện kinh doanh như trên thì vẫn hoạt động bình thường, chỉ phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng theo quy định mới, trong khoảng thời gian từ nay đến hết 1/7/2021 - quá đủ thời gian cho các xe GrabCar thực hiện.

Trong các dịch vụ vận chuyển hiện nay của Grab hay một số ứng dụng gọi xe khác, chỉ có vận chuyển bằng xe ô tô chịu các quy định của Nghị định 10. Dịch vụ GrabBike hiện hoạt động theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Bộ Công thương quản lý, không chịu ảnh hưởng bởi nghị định mới của Bộ GTVT.

Cũng theo các chuyên gia vận tải, với quy định mới này, những lo lắng của các hãng taxi công nghệ được xóa bỏ, đồng thời cũng khép lại những tranh cãi kéo dài trong công tác quản lý đối với xe taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Trao đổi với VTC News, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Nghị định 10/2020 cơ bản đáp ứng yêu cầu về quy định pháp lý trong kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô hiện nay, dù vẫn còn nhiều điểm chưa thật sự hài lòng. Tuy nhiên, việc ban hành nghị định vào lúc này là cần thiết bởi công tác soạn thảo cũng đã kéo dài tới hơn 2 năm nay, trong khi bối cảnh hiện nay rất cần có một nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 không còn phù hợp.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh, một trong những quy định được chờ đợi nhất trong Nghị định 10 là quy định cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định “cứng nhắc” trước đó là bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh vẫn cho hay đây chỉ là giải pháp “tình thế”. Thực tế, ở các nước trên thế giới, taxi vẫn được quy định phải gắn hộp đèn phía trên với quy định “khi có khách thì tắt đèn, không có khách thì bật đèn”. “Đây được xem là quy định nhận dạng mang tính chất phổ thông và phổ cập trên toàn thế giới đối với xe taxi”, ông Thanh nói.

Thừa nhận thực trạng các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn còn thiếu cơ chế để quản lý hiệu quả taxi công nghệ, theo ông Thanh, trong thời gian tới, vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng nhất giữa hai loại hình taxi.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Xe công nghệ sẽ hoạt động ra sao sau quyết định dừng thí điểm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới