Thứ bảy, 20/04/2024 10:45 (GMT+7)

Gỡ khó cho nhà tập thể cũ

MTĐT -  Thứ tư, 21/07/2021 14:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cách đây 20 năm, TP Hà Nội đã đặt vấn đề cải tạo nhà tập thể cũ. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại mới có 18 dự án cải tạo lại và đã đưa vào sử dụng, số còn lại vẫn bế tắc và gặp rất nhiều khó khăn.

Dù đã xuống cấp nhưng nhiều khu nhà tập thể vẫn chưa thể cải tạo, xây mới.

1/ Theo số liệu từ Sở Xây dựng, hiện toàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, phần lớn diện tích căn hộ từ 30 - 50 m2. Nhiều khu tập thể như Văn Chương, Thành Công, Giảng Võ… được đánh giá nguy hiểm mức độ D (cấp độ nguy hiểm nhất). Nằm ở tầng 4 dãy nhà khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình), căn hộ của ông Nguyễn Văn Thành có tổng diện tích khoảng 50 m2. Ông nói, sống ở đây đã nửa đời người nên thấy rất rõ sự xuống cấp và mức độ nguy hiểm của khu tập thể này. Thế nên, ông và nhiều hộ dân ở đây mong muốn lãnh đạo các cấp, ngành cần sớm cải tạo, xây dựng lại khu nhà để người dân được ổn định nơi ăn, chốn ở, bảo đảm cuộc sống.

Mong muốn là vậy, song vẫn còn một số hộ dân không đồng tình với việc cải tạo, xây mới vì hệ số đền bù với nhà đầu tư chưa thống nhất. Cụ thể, theo phương án đền bù do nhà đầu tư đưa ra, với diện tích nhà ở đã được cấp sổ đỏ thì tầng 1 có hệ số đền bù K là 1,5; tầng 2-3 là 1,3; tầng 4-5 là 1,2. Đối với phần diện tích cơi nới, mức hỗ trợ cao nhất là 3 triệu đồng/m2; mức hỗ trợ thấp nhất là 500.000 đồng/m2. Căn hộ dưới 30 m2 sẽ được hỗ trợ thêm diện tích cho đủ với diện tích căn hộ thấp nhất ở khu chung cư mới (dự kiến diện tích từ 29 - 98 m2). Trường hợp không nhận căn hộ sẽ nhận đền bù 40 triệu đồng/m2. Với diện tích cơi nới chỉ dựng khung sắt thì hỗ trợ từ 500.000 - 1 triệu đồng/m2, tùy trường hợp. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của một số hộ dân thì hệ số đền bù ít nhất phải được như diện tích hiện tại, bao gồm cả phần cơi nới thêm với hệ số K từ 1,5 trở lên. Thậm chí, các hộ dân tầng 1 yêu cầu mức đền bù cao hơn cả hệ số K từ 2,5 - 3.

Nhận định về mức đền bù trên, đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Bắc Hà cho biết, hệ số đền bù mà nhà đầu tư đưa ra đã rất có lợi cho dân. Nếu tiếp tục tăng giá đền bù, hỗ trợ lên theo kiến nghị của người dân thì doanh nghiệp sẽ lỗ và cũng không doanh nghiệp nào làm được.

2/ Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 1/9. Theo đó, nhà chung cư, tập thể cũ thuộc những trường hợp sau phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác. Thứ nhất, nhà thuộc diện phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật. Thứ hai, nhà hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật, nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng… Thứ ba, nhà bị hư hỏng một trong các kết cấu chính của công trình, gồm: móng, cột, tường, dầm, xà và không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định, nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo quy định tại khoản 2, Điều 110 của Luật Nhà ở. Đáng chú ý, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũng đã được nêu rõ tại nghị định này.

Ngoài ra, tùy theo cấp độ, quy hoạch, quy mô, diện tích…, việc cải tạo chung cư cũng sẽ được thực hiện theo ba nhóm. Với nhóm 1 (quy mô lớn hơn 2 ha), thí dụ như những khu tập thể lớn như Kim Liên, Giảng Võ, Thành Công…, dự án cải tạo, tái thiết quy hoạch 1/500 cần đồng bộ giải pháp tái định cư tại chỗ, cho phép xây dựng cao tầng; giải phóng quỹ đất đủ lớn để phát triển dịch vụ, thương mại, hạ tầng kết hợp khai thác không gian ngầm. Nhóm hai (gồm 5 - 7 chung cư, quy mô nhỏ hơn 2 ha) thực hiện tương tự như nhóm 1. Nhóm 3 tập trung vào các chung cư riêng lẻ có diện tích nhỏ, nằm xen kẽ trong khu dân cư chật hẹp, khó triển khai quy hoạch và khai thác đầu tư. Nhóm này sẽ được thực hiện theo phương thức quy gom tái định cư tại chỗ vào một quỹ đất hiện có trên địa bàn quận; quỹ đất còn lại để phát triển công trình kinh doanh thương mại dịch vụ và nhà ở trong trường hợp được bổ sung quy mô dân số…

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, công cuộc tái thiết các khu nhà ở cũ nhiều năm qua gặp khó khăn do thiếu khung pháp lý. Lần này, cơ chế cải tạo nhà tập thể cũ rất rõ ràng, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan. TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thí điểm trước rồi nhân rộng mô hình ở các địa phương khác.

Theo HOÀNG HÀ/ nhandan.vn

Bạn đang đọc bài viết Gỡ khó cho nhà tập thể cũ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ