Thứ năm, 25/04/2024 12:46 (GMT+7)

Hà Nội dừng thu hồi sổ hồng: Cần truy cứu trách nhiệm những ai?

Hải Sơn -  Thứ hai, 22/07/2019 10:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội thu hồi sổ hồng đã cấp là rủi ro bất khả kháng đối với các ngân hàng và người mua nhà, nhưng hậu quả này cần được xác định là ai có vi phạm cần phải truy cứu và xử lý trách nhiệm.

Hà Nội dừng việc thu hồi sổ hồng đã cấp sai

Ngày 19/7/2019, Bộ TNMT hành văn bản số: 3470/BTNMT - TCQLĐĐ gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan của UBND TP Hà Nội dừng thu hồi sổ hồng liên quan đến việc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi hàng nghìn giấy chứng nhận sở hữu nhà ở đối với căn hộ chung cư (hay còn gọi là  “sổ hồng” hoặc theo quan niệm dân gian là: “sổ đỏ”) đã cấp cho các hộ dân tại các dự án nhà ở của Tập đoàn Mường Thanh do đã chuyển đổi công năng trái phép và nâng tầng sai quy hoạch đã được phê duyệt.

Sau thông tin Sở TNMT Hà Nội đưa ra về việc thu hồi sổ hồng của cư dân đã mua nhà tại các dự án của ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh), hàng nghìn hộ dân trong diện buộc phải thu hồi “sổ hồng” không khỏi hoang mang, lo lắng vì không biết tài sản của mình sẽ được xử lý như thế nào? Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, Bộ TNMT đã làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của UBND TP Hà Nội, đồng thời ban hành văn bản số 3470/BTNMT - TCQLĐĐ đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo dừng việc thu hồi sổ hồng đã cấp cho các hộ dân ở một số chung cư, do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng.

Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân mua nhà ở theo quy định pháp luật, Bộ TNMT đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan có liên quan dừng việc thu hồi sổ đỏ đã cấp. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện việc thanh tra, xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý có liên quan ở địa phương đã để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc ở địa phương. Trên cơ sở đó, xem xét, giải quyết việc cấp sổ hồng cho người đã mua nhà ở theo đúng quy định pháp luật.

Khu chung cư HH Linh Đàm của Tập đoàn Mường Thanh (Ảnh: The Leader)

Theo Bộ TNMT, căn cứ để gửi văn bản đề nghị TP Hà Nội dừng thu hồi sổ đỏ đã cấp cho các hộ dân kể trên là theo quy định tại điều 106 luật Đất đai 2013; điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đất đai; khoản 56 điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, Bộ TNMT khẳng định việc thu hồi sổ đỏ đã cấp trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ phát hiện sổ đỏ đã cấp không đúng quy định pháp luật về đất đai phải được kiểm tra và thông báo lại cho người sử dụng đất, căn hộ biết rõ lý do và quyết định thu hồi sổ đỏ đã cấp. Sau chỉ đạo này, Hà Nội cũng đã tạm dừng việc thu hồi sổ hồng đã cấp sai trước đó.

Cần truy cứu trách nhiệm của những ai?

Để hiểu rõ hơn về tính pháp lý việc thu hồi này, phóng viên đã có trao đổi với Luật sư Vũ Văn Biên (Văn phòng Luật sư An Phước). Theo luật sư Biên, việc thu hồi hàng nghìn sổ hồng tại 14 dự án chung cư của thuộc Tập đoàn Mường Thanh sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn đối với người dân, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng liên quan. Do đó, cần phải làm rõ và xử lý trách nhiệm đối các tổ chức, cá nhân thi hành công vụ của Bộ Xây Dựng, các cơ quan thuộc UBND TP Hà Nội đã để xảy ra vi phạm pháp luật về xây dựng tồn tại công nhiên trong nhiều năm, nhưng lại được sự “tiếp tay” hợp lý hóa để cấp sổ hồng!

“Việc Bộ TNMT đề nghị UBND TP Hà Nội dừng việc thu hồi sổ đỏ đã cấp cho các hộ dân để xác minh, làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan và chủ đầu tư là cần thiết”, luật sư Biên nêu vấn đề.

Luật sư Vũ Văn Biên, Văn phòng Luật sư An Phước

Lý giải thêm về việc xác định trách nhiệm đối với các cơ quan chức năng của Hà Nội về vấn đề này, luật sư Vũ Văn Biên cho hay: “Chúng ta cần phải lật lại quy trình cấp giấy chứng nhận sổ hồng của cơ quan quản lý Nhà nước là không hề đơn giản, bởi điều kiện cấp sổ hồng gồm rất nhiều thủ tục như: Dự án phải phù hợp quy hoạch, nguồn gốc sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư... có đáp ứng đủ không mới cấp sổ hồng cho các hộ dân được.

Ở đây cần xác định thêm, Chủ đầu tư được các cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận: UBND TP Hà Nội giao làm Chủ đầu tư Dự án; Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thẩm định Dự án để cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế xây dựng của Dự án Nhà chung cư cao tầng (công trình cấp 1); Sở Quy hoạch Kiến trúc quản lý quy hoạch; Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng; UBND quận và cấp xã quản lý giám sát về xây dựng; Sở Tài chính và liên ngành xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì mới tiến hành thủ tục cấp sổ hồng; Cục Cảnh sát PCCC (nay đã giao công tác PCCC về Công an các tỉnh thành) thẩm định bản vẽ PCCC và nghiệm thu PCCC; Cục Giám định Bộ Xây dựng nghiệm thu đưa tòa nhà vào sử dụng đánh giá tổng quan dự án có xây dựng đúng thiết kế (bao gồm hạ tầng xã hội, diện tích chung riêng, có xây dựng thiết kế được duyệt, công trình có an toàn…).

Việc kiểm duyệt, thẩm định hồ sơ để cấp được sổ hồng cho người dân tưởng chừng là một trong những quy trình chặt chẽ và nghiêm ngặt nhất với sự tham gia của rất nhiều cơ quan ban ngành (giám sát, phê duyệt, thẩm tra, nghiệm thu, xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính…) thì không còn kẽ hở nào nhưng làm thế nào Sở TNMT Hà Nội vẫn có thể cấp sai được tới hàng nghìn sổ hồng cho chủ đầu tư?

Ở đây, tôi phải lưu ý rằng, trách nhiệm trong việc để xảy ra các sai phạm của các chủ đầu tư công nhiên nâng tầng, chuyển đổi công năng, xây dựng sai giấy phép thậm chí không được cấp phép, lấn chiếm diện tích sử dụng chung… tại các tòa nhà chung cư không thể xảy ra nếu tất cả các toà nhà chung cư đều được Bộ xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng. Đúng ra, đây cần phải được coi là văn bản bắt buộc để các dự án được cấp sổ hồng thì sẽ không có chuyện sổ hồng được Sở TNMT Hà Nội cấp sai đến hàng nghìn sổ trên bình diện 14 dự án mà ông Lê Thanh Thản và Tập đoàn Mường Thanh triển khai.

Chúng ta cũng cần đặt ra như vậy liệu ngoài dự án của Tập đoàn Mường Thanh thì rất nhiều dự án đang xảy ra tranh chấp về diện tích chung riêng, về việc nâng tầng trái phép, chuyển đổi công năng trái phép… trong giai đoạn vừa qua được báo chí phản ánh liệu có bao nhiêu dự án đã được cấp sổ hồng và liệu có xảy ra tình trạng như dự án của Tập đoàn Mường Thanh không?”, luật sư Biên bày tỏ quan điểm.

Văn bản chỉ đạo của Bộ TNMT

Luật sư Vũ Văn Văn Biên cũng cho rằng, khi đề cấp đến vấn đề trách nhiệm, chúng ta cũng thấy rằng các vi phạm của chủ đầu tư diễn ra trong thời gian dài và ngang nhiên tại sao công tác kiểm tra, giám sát của các cấp quận huyện, phường xã lại không hề hay biết thì liệu đang có “vấn đề” không?

Tất cả cũng cần phải làm rõ để truy cứu trách nhiệm của tất cả các cơ quan đã được giao quyền quản lý nhưng để xảy ra sai phạm bao gồm: Bộ Xây dựng, Cục PCCC/Công an TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở TNMT Hà Nội, UBND các quận/huyện nơi có các dự án vi phạm (bao gồm cả thanh tra xây dựng, phòng quản lý đô thị.); Sở Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) quản lý việc đăng ký hợp đồng mẫu; các Sàn giao dịch bất động sản đã tham gia môi giới mua bán các dự án trên… chứ không chỉ xử lý tập trung duy nhất vào Sở TNMT Hà Nội thì mới xử lý triệt để vấn đề về sổ hồng cho người dân.

Xử lý tổ chức, các nhân vi phạm căn cứ theo quy định nào?

Về việc xử lý đối với các hành vi vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai theo luật sư Biên trao đổi sẽ căn cứ theo Điều 207 Luật Đất đai 2013 để xử lý.

Cụ thể: Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai thì: 1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;

c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai. 2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Người dân, các ngân hàng, các tổ chức tài chính… lo ngại hậu quả pháp lý và an sinh xã hội của việc thu hồi sổ hồng sẽ ra sao? Việc Bộ TNMT đề nghị tạm ngừng thu hồi sổ hồng nhưng sau khi xử lý trách nhiệm vi phạm của Chủ đầu tư, các cơ quan quản lý Nhà nước để ra sai phạm thì người dân có thể được cấp/giữ lại sổ hồng để an cư lạc nghiệp không? Trao đổi về những lo ngại này, luật sư Biên trao đổi, theo quy định tại Điều 26, Luật đất đai năm 2013 thì Nhà nước có cơ chế bảo đảm được ghi rõ:

Điều 26. Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất

1. Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.

2. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật...

Như vậy, Nhà nước luôn đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người dân khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Nhưng như chúng ta đã biết thì 14 dự án của Tập đoàn Mường Thanh khó hoặc không thể đáp ứng được đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật do chuyển đổi công năng trái phép, nâng tầng,…

Do đó, sau khi xử lý triệt để các vi phạm của các bên liên quan và cần có cơ chế đặc biệt từ Chính phủ để chủ đầu tư khắc phục triệt để các sai phạm nhằm đảm bảo rằng các dự án có thể được chuyển đổi công năng, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh thiết kế…thì các Dự án vi phạm mới có thể đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nhằm cấp lại hoặc chấp nhận sự tồn tại của những sổ hồng đã được cấp cho người dân mà muốn làm được điều đó thì chắc chắn cần phải có Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi hàng loạt các Bộ luật thì mới có thể xử lý “đặc biệt” mới có thể giải quyết được các sai phạm của 14 dự án trên. 

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội dừng thu hồi sổ hồng: Cần truy cứu trách nhiệm những ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới