Thứ sáu, 19/04/2024 20:14 (GMT+7)

Hà Nội “xin” trồng 600.000 cây không đấu thầu: Đã đúng quy định?

MTĐT -  Thứ hai, 28/10/2019 11:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo chuyên gia, đối với việc trồng 600.000 cây xanh của Hà Nội nên thông qua đấu thầu vì đây là hình thức minh bạch nhất, và mang lại lợi ích cho nhà nước.

UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Thủ tướng cho áp dụng cơ chế đặc thù trồng bổ sung 600.000 cây xanh, hướng tới xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.

Theo đó, Hà Nội sẽ trồng bổ sung khoảng 600.000 cây xanh trên các tuyến đường, phố có vỉa hè rộng, các dải phân cách, và các khu vực trang trí phục vụ các sự kiện lớn của Thủ đô như chào năm mới 2020, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17.

Đồng thời đề xuất trồng thêm cây xanh tại các khu vực tổ chức giải đua xe công thức 1 Grand Prix, Sea Game 31, các sự kiện chào mừng 45 năm giải phóng Thủ đô, sự kiện đối ngoại nhân dịp Việt Nam là chủ tịch ASEAN và các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội khác.

Theo quy định của Chính phủ, việc trồng cây xanh phải áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Hà Nội đề nghị trồng 600.000 cây xanh không qua đấu thầu

Tuy nhiên, theo lý giải của Hà Nội, khi tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của cả nước, Hà Nội thường được Trung ương Đảng, Chính phủ giao thực hiện nhiều nội dung công việc đột xuất, trong đó có trang trí cây hoa, trồng bổ sung cây xanh với khối lượng lớn trong thời gian ngắn. Công tác trang trí thường phải hoàn thành gấp nên rất khó xác định kinh phí tổ chức đấu thầu.

Hơn nữa, việc trồng bổ sung cây xanh trên các tuyến phố, phố cũ, phố cũ, khuôn viên các trụ sở thuộc Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, cơ quan ngoại giao lại có yêu cầu rất cao về bảo đảm an ninh, chính trị.

Vì vậy, TP Hà Nội cho rằng việc lựa chọn đơn vị thực hiện trồng cây xanh, cây cảnh trang trí phải có sự cân nhắc và theo dõi phản ứng của nhân dân, các chuyên gia trong việc lựa chọn chủng loại cây, thời điểm trồng. Do đó, Hà Nội thấy rằng việc lựa chọn đơn vị thực hiện thông qua đấu thầu là không phù hợp.

Trao đổi về vấn đề này với báo GT, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kĩ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, Hà Nội nên đánh giá lại công tác trồng 1 triệu cây xanh vừa để có phương án hợp lý trong việc trồng 600.000 cây xanh tiếp theo.

“Vừa qua Hà Nội làm rất tốt trong việc trồng 1 triệu cây xanh, vì vậy cần đánh giá lại để có cái nhìn tổng quan mặt nào được, mặt nào chưa được từ đó xem xét nên thực hiện cơ chế đấu thầu hay là đặt hàng ở 600.000 cây tiếp theo”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho hay.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết, ở những dịch vụ công, đặc biệt là lĩnh vực trồng cây xanh ở đô thị, nên thông qua đấu thầu từ đó sẽ tạo ra sự minh bạch và lợi ích cho nhà nước.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến

“Ở dịch vụ công, để có sự minh bạch cao nhất thì nên thông qua đấu thầu vẫn là tốt nhất. Trồng cây xanh ở Hà Nội thông qua đấu thầu thì nó đang đúng các quy định hiện hành. Trong trường hợp không đủ điều kiện để đấu thầu, phương án cuối cùng mới là đặt hàng. Từ việc tính minh bạch cao của đấu thầu đó dẫn đến sẽ có lợi về kinh tế cho nhà nước, cho doanh nghiệp và cả người dân”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kĩ thuật, Bộ Xây dựng phân tích.

Đồng tình với quan điểm của Tp. Hà Nội về việc trồng bổ sung cây xanh trên các tuyến phố, phố cũ, phố cũ, khuôn viên các trụ sở thuộc Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, cơ quan ngoại giao lại có yêu cầu rất cao về bảo đảm an ninh, chính trị thì không cần thiết phải đấu thầu. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng cần phải rà soát lại xem những khu vực này đã trồng lại cây trong số 1 triệu cây Tp. Hà Nội vừa trồng hay chưa.

“Ở những khu vực không yêu cầu cao về bảo đảm an ninh, chính trị thì nên đấu thầu khi trồng cây xanh, bởi như đã nói ở trên, đấu thầu là hình thức minh bạch nhất, và có lợi cho nhà nước”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nhấn mạnh.

Cũng trao đổi về vấn đề này với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng ở góc độ nào đó, những lý do mà Hà Nội đưa ra có thể có tính hợp lý nhất định, đặc biệt khi Hà Nội thực hiện các công việc đột xuất phục vụ cho các sự kiện quan trọng.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, 600.000 cây xanh là một con số lớn và được trồng rải ra ở nhiều đường phố (trồng bổ sung), không phải thực hiện trong một thời gian ngắn hay chỉ ở một số địa điểm nhạy cảm.

Bởi vậy, ông khẳng định, lý do Hà Nội đưa ra chưa đủ thuyết phục để bắt buộc phải thực hiện việc chỉ định thầu.

"Cây xanh ở Hà Nội là một câu chuyện dài, từng có chuyện chặt cây khiến người dân phản ứng, trồng cây không phù hợp... Giữa giao thầu và đầu thầu, đôi khi giao thầu cũng có cái hay của nó, còn đấu thầu mất thời gian mà chi phí, nhưng xét cho cùng đấu thầu vẫn là biện pháp tốt nhất để đảm bảo sự minh bạch, hạn chế những tiêu cực không đáng có", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Ông chỉ ra một số điểm cho thấy việc đấu thầu trồng cây xanh không hề khó khăn đối với Hà Nội.

Theo đó, các đơn vị có thể cung cấp và trồng cây xanh trên địa bàn Thành phố không quá nhiều, Hà Nội có thể xem xét đấu thầu trong diện hẹp, chỉ gồm những đơn vị cung cấp cây xanh của Hà Nội mà thôi. Khi ấy, thủ tục sẽ đơn giản và nhanh, vừa đảm bảo tính cạnh tranh, thị trường, đồng thời đảm bảo tính hợp lý.

Chi phí trồng bổ sung khác với trồng đại trà và đương nhiên Thành phố đã có tính toán hết, nhưng cần thống nhất nguyên tắc rằng: dù đấu thầu hẹp cũng phải quy định cho rõ ràng, cụ thể: giá mỗi cây xanh bao nhiêu, trồng cây gì, ở đâu, như thế nào; thời gian trồng ra sao, yêu cầu kỹ thuật thế nào...

"Kinh nghiệm cho thấy, vốn ngân sách bị thất thoát, thâm thủng thường là vì hợp đồng không quy định cụ thể, chi tiết nên các bên mới "ù xọe" với nhau được", ông Thịnh nhấn mạnh.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội “xin” trồng 600.000 cây không đấu thầu: Đã đúng quy định?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...