Thứ ba, 19/03/2024 13:43 (GMT+7)

Hải Phòng: Điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng

MTĐT -  Thứ hai, 19/04/2021 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, thành phố Hải Phòng triển khai thực hiện nhiều dự án trọng điểm về giao thông, chỉnh trang đô thị.

Nhờ có sự đồng lòng của nhân dân và chính quyền, công tác giải phóng mặt bằng tại Hải Phòng đã đạt được kết quả nhất định.

Đường Hồ Sen – Cầu Rào 2

Quận trung tâm triển khai nhiều dự án lớn

Theo ông Phạm Văn Đoan – Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng: Quận Hồng Bàng là quận trung tâm, nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính đầu não của thành phố Hải Phòng. Thời gian qua, trên địa bàn quận triển khai nhiều dự án trọng điểm, góp phần thay đổi diện mạo đô thị quận nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Trong đó, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại quận Hồng Bàng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Điển hình là dự án chỉnh trang sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên Tam Bạc) có tổng giá trị đầu tư trên 1.454 tỷ đồng, trong đó: Chi phí xây lắp là trên 785 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là trên 668 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Quy mô dự án có diện tích trên 253m2, với các hạng mục: Nạo vét lòng sông Tam Bạc sâu từ 2,1m đến 2,5m, rộng đều khoảng 63m, có kè bê tông dự ứng lực hai bên bờ sông; mặt cắt đường Thế Lữ và Tam Bạc từ 16,5m đến 18m. Chủ đầu tư: Ban Quản lý các công trình dự án quận Hồng Bàng. Giải phóng mặt bằng: Chỉ trong 2 tháng, 430 hộ dân, 7 doanh nghiệp đã bàn giao 50.171,6m2 diện tích mặt bằng. Thời gian thi công: Từ 14/5/2018 đến 8/5/2019.

Hiện trạng cũ: Tuyến đường Tam Bạc xuống cấp khá nghiêm trọng nhiều chỗ bị sút nút, kè bờ sông có hiện tượng bị chuyển dịch ra phía bờ sông. Lòng sông: Bùn, rác, cỏ lau... Mỗi lần nước hạ xuống nhìn mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Tuyến đường Thế Lữ: Các hộ dân đa số sống bằng nghề lao động tự do, rất nhiều người làm nghề chài lưới xung quanh sông, tuyến đường nhỏ, rộng nhất cũng chỉ là 3m, có chỗ hẹp chỉ hơn 1m, nhà phía bến đò xuống cấp nghiêm trọng, lụt sụp...

Triển khai đồng bộ với dự án, UBND quận Hồng Bàng xây dựng mô hình, kiến trúc chung cho toàn bộ khu vực này để khi hoàn thành dự án thì công trình nhà ở của các hộ dân cũng xong. Quy định về quản lý kiến trúc của quận Hồng Bàng với rất nhiều điểm mới, thể chế hóa các quy định của pháp luật và đồ án quy hoạch tỷ lệ chi tiết 1/500 từ: Chiều cao cốt nền, chiều cao các tầng, ban công, màu sắc công trình… Đây là điểm sáng về đô thị quận Hồng Bàng nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung (được nhân dân đồng tình ủng hộ) không có hộ dân nào xây dựng sai với quy định của UBND quận Hồng Bàng ban hành. Đến nay, có hơn 390 hộ dân thực hiện xây dựng đạt trên 90%.

Đàn thiên nga bơi trên sông Tam Bạc (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Bên cạnh đó, dòng sông Tam Bạc được trang hoàng với trên 200 con thiên nga bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Hai bên dòng sông bố trí hơn 3000 chậu cây hoa giấy dọc 1,5km chiều dài bờ sông, 2 cây cầu bố trí ánh sáng hiện đại với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Đây là điểm thu hút du khách vào dịp cuối tuần.

Dự án chỉnh trang Tam Bạc giai đoạn 2 có tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch 17,29ha. Khái toán kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 208,07 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện bằng ngân sách thành phố. Dự kiến sẽ thực hiện khởi công dịp cuối năm 2021. Dự án hoàn thành sẽ kết nối từ cổng cảng 4 đến công viên Rồng Biển khép kín dải trung tâm thành phố với tổng chiều dài 8,5km.

Một công trình khác là dự án Nút giao nam cầu Bính (phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng) có mức đầu tư 1.484 tỷ đồng từ ngân sách thành phố do Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng làm chủ đầu tư giao cho Ban Quản lý các công trình giao thông Hải Phòng làm nhà thầu thi công. Dự án đầu tư xây dựng nút giao Nam cầu Bính được khởi công ngày 2/9/2018 và hoàn thành sau hơn 20 tháng khẩn trương thi công. Dự án gồm 3 hạng mục chính: Đường trong nút giao, cầu trực thông từ cầu Bính và hầm chui đường Hồng Bàng - Bạch Đằng thực hiện trong 18 tháng.

Đây là nút giao thông khác mức ba tầng hiện đại của Hải Phòng. Nút giao có hầm chui theo hướng đường Bạch Đằng - Hồng Bàng rộng 13m; cầu vượt các nhánh trong nút giao rộng 8 - 12m tùy theo vị trí; tốc độ thiết kế trong nút giao từ 30 - 40 km/giờ, đường ngoài nút giao 60 km/giờ; tải trọng thiết kế HL93; kết cấu mặt đường cấp cao A1; tĩnh không vượt đường bộ 4,75m; tĩnh không vượt đường sắt 6m; cùng hệ thống chiếu sáng trang trí nghệ thuật, cây xanh.

Nút giao Nam cầu Bính là điểm giao giữa đường dẫn bờ Nam cầu Bính với đường Hồng Bàng (Quốc lộ 5 mới), đường Bạch Đằng (đường vào trung tâm thành phố Hải Phòng qua cầu Thượng Lý), đường Hùng Vương (đường vào trung tâm thành phố đi qua cầu Quay), đường Hà Nội (Quốc lộ 5 cũ) đi về phía Sở Dầu và tuyến đường quy hoạch qua sông Rế kết nối với đường vành đai 2 của thành phố Hải Phòng. Đây là nút giao ngã sáu ở cửa ngõ vào trung tâm thành phố Hải Phòng. Từ khi nút giao đi vào hoạt động đã giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, giảm tải tình trạng tai nạn giao thông khu vực ngã ba Thượng Lý (trước đây).

Nút giao nam cầu Bính (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Quận Hồng Bàng thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 8 tổ chức doanh nghiệp với diện tích 96.327.7m2, 68 hộ dân với diện tích 4.668,7m2 (33 hộ dân phường Sở Dầu với 3.192,7m2; 35 hộ phường Thượng Lý: 1.476m2). UBND quận Hồng Bàng xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân phường Thượng Lý tại đất Công ty xây dựng số 9. Đến nay, có 22/35 hộ xây dựng xong nhà với quy định do UBND quận quản lý. Các hộ dân tại phường Sở Dầu được bố trí tái định cư tại khu vực tái định cư hồ Đá.

Để triển khai thi công các dự án lớn trên địa bàn quận Hồng Bàng đạt nhiều kết quả, công tác giải phóng mặt bằng được quan tâm và triển khai quyết liệt. Lãnh đạo quận Hồng Bàng luôn bám sát lắng nghe các khó khăn vướng mắc của nhân dân trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. Quận ủy, UBND quận Hồng Bàng cử các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy và một Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường quận làm Trưởng đoàn trực tiếp xuống từng hộ dân, bám dân để tuyên truyền, vận động không kể ngày nghỉ để giải quyết dứt điểm các kiến nghị và báo cáo tiến độ về Thường trực Quận ủy. Quận cũng cử một đoàn là cán bộ đô thị các phường ứng trực tại các khu tái định cư tiến hành xác định ranh giới, mốc giới các thửa đất, giao đất tại thực địa, đo vẽ giác móng khi nhân dân xây dựng để đảm bảo đúng kích thước thửa đất, không để xảy ra tranh chấp đất đai với hộ dân liền kề trong quá trình xây dựng và sử dụng.

Việc tổ chức bốc thăm nhận đất tái định cư được quận tổ chức công khai dưới sự chứng kiến của nhân dân, đảm bảo công bằng, minh bạch. Đối với các lô đất đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, quận kịp thời tổ chức bàn giao tại thực địa, trao ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế và cấp phép xây dựng cho các hộ dân tại trụ sở UBND phường.

Quận Hồng Bàng giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất với chính quyền, luôn nhận khó khăn về chính quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hộ dân lên trên. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng; làm tốt công tác nắm tình hình, phân hóa, ngăn chặn không để những trường hợp xấu lôi kéo, kích động các hộ dân chống lại chủ trương thu hồi đất... Đây cũng là kinh nghiệm quý trong việc thực hiện thành công giải phóng mặt bằng của quận Hồng Bàng.

Thần tốc giải phóng mặt bằng dự án sau 27 năm khởi công

Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 được khởi công từ năm 1994. Đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hệ thống giao thông của thành phố Hải Phòng theo hướng Bắc - Nam... Dự án sau nhiều lần gián đoạn, thay đổi chủ đầu tư, được điều chỉnh mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng; diện tích đất phải thu hồi gần 60.000 m2, liên quan đến 469 hộ dân ở khu vực lõi trung tâm của quận Lê Chân. Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hệ thống giao thông thành phố Hải Phòng theo hướng Bắc - Nam.

Nguyên nhân khiến dự án này kéo dài tới 27 năm là do không giải phóng được mặt bằng. Người dân không đồng thuận chủ trương khai thác, đấu giá quỹ đất hai bên trục đường này sau khi hoàn thành. Để giải quyết dứt điểm nút thắt trong giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nêu rõ quan điểm phải đảm bảo tốt lợi ích của người dân thì người dân mới đồng thuận. Nếu không thay đổi mà vẫn thu hồi đất ở hai bên đường để tạo quỹ đất đấu giá thì chắc là rất khó giải phóng mặt bằng.

Từ quan điểm đó, lãnh đạo quận Lê Chân xuống tận nhà từng hộ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của người dân. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục để nhân dân ủng hộ chủ trương chung của thành phố, hiểu rõ chính sách, pháp luật để tự nguyện bàn giao mặt bằng là giải pháp then chốt. Sau khi nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, công tác giải phóng mặt bằng, thi công công trình được chủ đầu tư và các nhà thầu gấp rút thực hiện, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.

Để hoàn thành giải phóng mặt bằng gần 60.000m2 dự án xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, quận Lê Chân thành lập 5 đoàn công tác xuống từng hộ dân để lắng nghe ý kiến, kiến nghị cụ thể về đất đai, kiến trúc, cây cối, hoa màu... Trên cơ sở nắm bắt chi tiết tâm tư, nguyện vọng của người dân, lãnh đạo quận trực tiếp chỉ đạo giải quyết thỏa đáng, công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật. Việc thực hiện giải phóng mặt bằng dự án này là một trong những thành tích nổi bật của quận Lê Chân trong năm 2020 và năm 2021.

Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân, công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Trong đó, đoạn từ ngã ba giao với phố Chợ Con tới phố Tô Hiệu gặp nhiều vướng mắc, trở ngại. Tại đây, có 28 hộ dân sinh sống với diện tích thu hồi 1.203m2, trong đó có nhiều hộ ở mặt đường kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh lâu năm nên không muốn di dời.

Ban Thường vụ Quận ủy, lãnh đạo UBND quận Lê Chân và các phòng liên quan, UBND phường Trại Cau khẩn trương vào cuộc, tổ chức nhiều đoàn do lãnh đạo Quận ủy, UBND quận làm trưởng đoàn trực tiếp đến từng hộ gặp gỡ, thông tin về chủ trương của thành phố, yêu cầu phát triển giao thông, đô thị, sự cần thiết mở rộng quy mô và nối dài tuyến đường tới phố Tô Hiệu. Đồng thời, tiến hành vận động người dân chấp hành. Quận Lê Chân giao các phòng chức năng nghiên cứu, áp dụng đầy đủ cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật để tính toán đền bù, bồi thường một cách linh hoạt theo hướng có lợi nhất đối với người dân. Do đó, các hộ dân từng bước chấp hành, ủng hộ chủ trương của thành phố.

Kinh nghiệm của quận Lê Chân trong giải phóng mặt bằng đó là: Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Các chủ trương của thành phố về chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng đều được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành từ quận tới phường được giao trực tiếp phụ trách địa bàn bám sát địa bàn để nắm bắt và có biện pháp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ khi mới phát sinh. Người đứng đầu cấp ủy, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về kết quả công tác giải phóng mặt bằng của địa phương, đơn vị.

Huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của đoàn thể nhân dân, cán bộ chủ chốt cơ sở trong công tác giải phóng mặt bằng. Quận Lê Chân đã thành lập các Tổ làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, người dân, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chính sách bồi thường, tái định cư, tạm cư. Qua đó, phân loại đối tượng và tuyên truyền, vận động có trọng tâm, trọng điểm.

Tùy từng dự án cụ thể, xác định chia nhóm đối tượng vận động như: Nhóm có gia đình người thân là đảng viên; nhóm cán bộ, công nhân, viên chức; nhóm gia đình có hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên... để có hình thức vận động phù hợp. Đa dạng hóa cách thức tuyên truyền, vận động, như: Tổ chức họp số đông các hộ dân có ảnh hưởng bởi các dự án để phổ biến chính sách, họp đảng bộ, chi bộ, các đoàn thể; tiếp xúc, đối thoại với từng nhóm đối tượng; tăng cường tiếp xúc, vận động những trường hợp cá biệt. Trong đó, đặc biệt coi trọng vai trò của những người có uy tín, có sức ảnh hưởng trong nhân dân để tạo sức lan tỏa. Các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ các gia đình vận chuyển đồ đạc, bàn giao mặt bằng.

Thực hiện nghiêm chủ trương công khai, minh bạch và đảm bảo tối đa quyền lợi của nhân dân, để nhân dân thấy được ý nghĩa của các dự án đối với sự phát triển chung, những lợi ích trực tiếp, gián tiếp mà nhân dân có được khi dự án hoàn thành. Với đặc điểm đất đai bị thu hồi ở những khu vực đô thị lõi có giá giao dịch thị trường cao so với khung giá đất thì việc vận dụng tối đa chính sách để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân bị thu hồi đất là rất quan trọng. Đồng thời, trong tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo tái định cư đi trước một bước, bố trí quỹ đất tái định cư tại chỗ ở những nơi có điều kiện, việc tái định cư phải bảo đảm điều kiện sống và sinh kế bằng và tốt hơn. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân được ưu tiên hàng đầu...

Để gỡ các “nút thắt” trong công tác giải phóng mặt bằng, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo kịp thời, giải quyết các khó khăn vướng mắc. Cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp vào cuộc quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, đảm bảo lợi ích của người dân được ưu tiên hàng đầu, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân. Đây được coi là “chìa khóa” để thực hiện thành công việc giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án lớn trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong thời gian qua.

Theo Hải Nguyên/Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới