Thứ năm, 28/03/2024 23:00 (GMT+7)

Hoài Đức: Đất nông nghiệp biến thành nhà, xưởng như thế nào?(Bài 3)

Nhóm PV -  Thứ năm, 06/06/2019 08:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà, xưởng đã được xây dựng trên đất nông nghiệp từ những năm trước đó nhưng không bị xử lý. Đến nay lại được các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền cho chuyển nhượng rồi cấp GCNQSD đất.

Nhộn nhịp bán mua

Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có bài: Đông La (Hoài Đức) vi phạm đất đai có thách thức pháp luật? và bài: Vi phạm đất đai ở Đông La: Chính quyền có “bảo kê”? phản ánh về tình trạng sai phạm đất đai xảy ra tại xã Đông La, huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội).

Đó là tình trạng đang diễn ra tấp nập tại khu Đống Tranh, thôn Đồng Nhân, xã Đông La (Hoài Đức), cảnh san lấp đất ruộng chuyên trồng lúa nước sang trồng lan. Sau đó từ trồng lan sang làm nhà, xưởng một cách dễ dàng.

Khu Đống Tranh đang diễn ra tấp nập tình trạng vi phạm pháp luật.

Theo Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoài Đức thì riêng xã Đông La năm 2017-2018 có tới hàng nghìn trường hợp đăng ký biến động đất đai, xin cấp  giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD đất) nông nghiệp.

Sau thời gian dài tìm hiểu Nhóm PV Môi trường và đô thị Việt Nam đã dần làm sáng tỏ "quy trình" biến đất nông nghiệp thành nhà, xưởng một cách hợp pháp.

Theo đó, với sự “giúp sức” của các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền trong việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhằm hợp thức hoá sai phạm dù nhà, xưởng xây dựng từ nhiều năm trước nhưng mới đây vẫn được cấp GCNQSD đất mới. Mặc dù nó vẫn ghi mục đích sử dụng: Đất chuyên trồng lúa nước.

Trên GCNQSD đất mới được cấp năm 2019 là đất chuyên trồng lúa nước nhưng đã làm nhà xưởng từ năm 2015.

Trường hợp cụ thể là Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Ngô Văn H., trú tại xóm 1, thôn Đồng Nhân, xã Đông La chuyển nhượng cho ông Ngô Văn C., trú tại xóm Quyết Tiến, xã La Phù (Hoài Đức), GCNQSD đất được cấp ngày 29/1/2019.

Mặc dù trong GCNQSD đất vẫn ghi đất chuyên trồng lúa nước. Tuy nhiên trên thực tế khu này đã được xây dựng nhà xưởng từ năm 2015. Và trường hợp này thể hiện rõ nét "quy trình" biến đất nông nghiệp thành nhà, xưởng một cách hợp pháp.

Đo hồ sơ kỹ thuật... trong phòng máy lạnh

Theo tìm hiểu của PV, việc cấp GCNQSD đất phải qua nhiều bước, nhiều thủ tục. Trong đó có việc đo đạc, xác định hiện trạng bản đồ thửa đất. Tuy nhiên, trong khâu này lại có nhiều bất cập.

Trường hợp của ông H. và C., trong hồ sơ kỹ thuật thửa đất số 120/2018/HSKT do Công ty TNHH đo đạc và đầu tư xây dựng Hưng Thịnh lập và giám đốc Nguyễn Anh Thịnh ký ngày 28/3/2018 ghi rõ: Đất chuyên trồng lúa nước.

Trao đổi với ông Nguyễn Anh Thịnh về việc cán bộ kỹ thuật có xuống hiện trường để đo hiện trạng cũng như thực tế thửa đất như thế nào không? Có biết thửa đất này đã được xây dựng nhà, xưởng từ nhiều năm trước hay không? Ông Thịnh cho biết: Cán bộ kỹ thuật Nguyễn Minh Đức người trực tiếp lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất đã nghỉ việc tại công ty. Còn hiện trạng thửa đất như thế nào thì công ty chỉ dựa trên trích đo và sao chép từ tài liệu gốc (tức là GCNQSD đất đã được cấp). Việc hồ sơ kỹ thuật thửa đất sau khi người đo vẽ, giám đốc ký chuyển lại cho khách hàng còn việc ai ký vào phần chuyển nhượng cho ai thì công ty không biết.

Hồ sơ đo kỹ thuật không cần biết hiện trạng.

Sau khi có GCNQSD đất kèm hồ sơ kỹ thuật thửa đất, ông H. và C. tới văn phòng công chứng Tây Đô tiến hành lập hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất giữa ông H. và ông C. số 2763/HĐ-CN ngày 08/6/2018. Tại phần 1.2 hợp đồng ghi rõ: Bên A đồng ý chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất cho bên B… Chi tiết hiện trạng, vị trí thửa đất được thể hiện trong hồ sơ kỹ thuật thửa đất số 120/2018/HSKT do Công ty Hưng Thịnh lập ngày 28/3/2019.

Văn phòng công chứng đã thêm nội dung chi tiết hiện trạng, vị trí thửa đất.

Trao đổi với PV, vị đại diện Văn phòng công chứng Tây Đô cho biết: Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc chuyển nhượng đất nông nghiệp nếu ở địa phương khác, chứng minh là làm nông nghiệp là được phép vì đây là đất trồng lúa? 

Hồ sơ kỹ thuật không cần biết hiện trạng, nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng Văn phòng công chứng ghi một dòng chắc chắn chi tiết hiện trạng, vị trí thửa đất theo hồ sơ kỹ thuật, mục đích sử dụng: Đất chuyên trồng lúa nước.

Sau đó, hồ sơ này được nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (chi nhánh tại Hoài Đức) để thực hiện việc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất. Hồ sơ được thẩm định, kiểm tra đủ điều kiện sẽ tiến hành cấp giấy CNQSD đất cho người đăng ký mà không cần kiểm tra, thẩm định lại hồ sơ.

Kể cả bộ hồ sơ này còn xuất hiện nhiều bất thường, chữ ký khác nhau, không có phần xác nhận của địa phương, văn bản thẩm định của cán bộ chuyên môn không có chữ ký...

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bài tiếp: Chữ ký có dấu hiệu giả mạo?

Bạn đang đọc bài viết Hoài Đức: Đất nông nghiệp biến thành nhà, xưởng như thế nào?(Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.