Thứ bảy, 20/04/2024 23:15 (GMT+7)

Kè Hồ Gươm bằng khối hộp bê tông Xanh

MTĐT -  Thứ ba, 12/05/2020 11:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 7.5 vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức họp để đánh giá việc nghiên cứu thử nghiệm lắp đặt các khối hộp bê tông trong Dự án kè Hồ Gươm để hoàn thiện phương án trước khi thi công đại trà.

Nhân dịp này, phóng viên đã phỏng vấn KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành hội Kiến trúc sư Hà Nội, thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng), cũng là người đã tham gia và phát biểu ý kiến.

KTS Trần Huy Ánh.

Thưa ông, cách đây 5 tháng  (12.2019), sau khi Dự án kè thi công thực nghiệm tại hồ Trúc Bạch và triển lãm Dự án kè Hồ Gươm, ông đã có ý kiến rất sớm. Qua thời gian thử nghiệm, ông có đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện dự án?

Chúng tôi đã coi đây là một việc cần được quan tâm, đặc biệt cần bảo vệ nghiêm ngặt “Ranh giới phạm vi bảo vệ di sản". Qua trao đổi với ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Hoàn Kiếm, đơn vị Chủ đầu tư Dự án kè Hồ Gươm, thì được cho biết họ đã lập hồ sơ Dự án gửi Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) để xin ý kiến thỏa thuận trước khi triển khai.

Trước khi thi công thực nghiệm, các bên liên quan Dự án đã triển khai công tác bàn giao “Mốc giới/Ranh giới phạm vi bảo vệ di sản”, trong đó đại diện cơ quan giám sát nội dung này là Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội (Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội), đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngay tại tọa đàm, tôi thay mặt cho các kiến trúc sư (KTS) Hà Nội đã đề nghị Chủ đầu tư cần công bố, công khai các quy trình triển khai công tác giám sát để cộng đồng xã hội được biết để loại trừ những sai sót nhỏ nhất, đảm bảo vẹn toàn “Ranh giới phạm vi bảo vệ di sản”. Tôi cũng bày tỏ quan điểm các KTS Hà Nội sẵn sàng tình nguyện tham gia, chung tay cùng các bên để thực hiện công tác này với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Được biết sẽ có một khối lượng lớn các khối bê tông đúc sẵn lắp trong Dự án kè Hồ Gươm, vậy điều này có gây nguy cơ biến dạng địa hình, cảnh quan kiến trúc hiện trạng tại đây?

Hồ Gươm luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, không chỉ Hà Nội mà của cả nước. Hồ Gươm ở giữa đất trời ngàn vạn năm nay, giờ đây rất nhiều tiền của của nhân dân bỏ ra tôn tạo, nâng cấp thì công việc này càng cần được thực hiện cẩn trọng. Cần thận trọng bảo toàn vật chất tại đây, như: cây cỏ, đất, nước của Hồ Gươm cần giữ nguyên hiện trạng - đây là nhiệm vụ không đơn giản, nhưng là nguyên tắc để các bên nghiên cứu đề xuất giải pháp.

Đề xuất cần trộn thêm giá thể, chất độn làm xốp đất đỏ vào ruột block  nhằm tạo môi trường sinh thái cho vi sinh vật...

Để chống sạt lở ven hồ, sẽ có 1.400 khối hộp bê tông (block) có kích thước lớn ráp thêm vào Hồ Gươm. Chúng tôi được biết cấu tạo của các block này và bê tông vỏ mỏng cốt sợi PP và bên trong rỗng. Tổng khối tích mới lắp thêm vào Hồ Gươm có tổng thể tích đất yếu ven hồ được nén chặt, gia cường chịu tải. Khối đất bùn dư được đổ vào lòng trong block.

Hội KTS Hà Nội đã đề xuất cần trộn thêm giá thể, chất độn làm xốp đất đỏ vào ruột block  nhằm tạo môi trường sinh thái cho vi sinh vật, thủy sinh phát triển: cây cỏ sẽ chui qua các lỗ khoan trên bề mặt block mọc tràn ra ngoài, giúp chuyển đổi block bê tông xám thành "block xanh" bao quanh Hồ Gươm.

Từ tháng 9.2016, Hồ Gươm đã tổ chức thành phố đi bộ cuối tuần cùng với rất nhiều hoạt động cộng đồng trong khu phố cổ của quận Hoàn Kiếm đã tạo nên một nét văn hóa mới, theo ông những nguyên nhân nào đã tạo nên sức sống mới cho khu vực này và bài học này sẽ có giá trị như thế nào đối với thực hiện dự án kè Hồ Gươm?

Trong những năm qua, Hồ Gươm đã trở thành không gian công cộng rất sáng tạo của Hà Nội, quanh Hồ Gươm đã từng bước trở thành điểm thu hút sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn và hiệu quả kinh tế, thương mại, dịch vụ rất cao… Đóng góp vào những thành công này có một phần không nhỏ của các sáng kiến cộng đồng.

Phố đi bộ đã có từ 2004, bắt đầu từ Hàng Đào cho đến Đồng Xuân, nhưng hàng chục năm hoạt động đơn điệu, kém hấp dẫn… Sau khi xuất hiện các hoạt động cộng đồng trên phố, như: Sân chơi cho thiếu nhi, hát chèo cửa chợ, phố ẩm thực, lễ hội đường phố… thì phố đi bộ qua khu phố cổ mới thực sự khởi sắc. “Phố đi bộ quanh hồ Gươm và phụ cận" bắt đầu từ 1.9.2016 là một gạch nối quan trọng để thổi bùng sinh khí, kết nối mở rộng không gian phố đi bộ Hồ Gươm tới khu phố cổ.

Những sáng kiến cộng đồng này do chính những người dân tại chỗ tham gia thực hiện với sự hỗ trợ, ủng hộ của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương, lại nhận được sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức trong nước và quốc tế, như Hội KTS Hà Nội, Tổ chức Định cư Liên Hiệp Quốc (UN Habitat), Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (HealthBridge), Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn), các bạn học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo trường Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng... Với sự hợp tác của nhiều bên, quận Hoàn Kiếm đã mời các nghệ sĩ, họa sĩ, giảng viên, sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện thành công dự án nghệ thuật trên phố Phùng Hưng (2017 -2018 ).

Phương án/thực nghiệm chuyển đổi block bê tông xám thành "block xanh" tại hồ Trúc Bạch và Hồ Gươm. Ảnh minh họa của Hanoidata & City Solution

Đầu năm 2020, UBND quận Hoàn Kiếm đã hỗ trợ 16 nghệ sĩ thực hiện Dự án nghệ thuật Phúc Tân - một lần nữa khẳng định sức sáng tạo, nguồn năng lượng mới từ những “sáng kiến cộng đồng” rất có giá trị: không cần một đồng ngân sách nhưng đời sống vật chất tinh thần của cư dân nâng cao, cơ hội sinh kế nhờ đó phát triển. Tôi cho rằng dù ở đâu cũng rất sẵn có những sáng kiến cộng đồng, tại chỗ nào chính quyền địa phương biết tiếp nhận, ủng hộ thì những sáng kiến không giới hạn sẽ hình thành và phát huy.

Nhìn rộng ra trong bối cảnh đại dịch toàn cầu COVID-19 (đầu năm 2020), giữa gian nan xuất khẩu nông sản, khi nhiều cơ quan hội nghị bó tay thì chỉ một sáng kiến "bánh mỳ Thanh Long" đã đủ giải cứu cả ngàn hộ nông dân; Hay sáng kiến "cây ATM gạo", "siêu thị 0 đồng",  “cơm 0 đồng”... đã giúp vô vàn bà con nghèo vô tư, không vụ lợi mà ấm áp nghĩa tình.

Theo ông có cơ hội nào cho các sáng kiến cộng đồng được thực hiện trong dự án kè Hồ Gươm?

Quay trở lại Dự án kè Hồ Gươm, đã có rất nhiều cuộc họp, đã có nhiều chuyên gia, nhà quản lý các ngành… nhưng không có giải pháp nào thuyết phục trong việc kè Hồ Gươm bảo vệ được 22 gốc cây cành rễ rủ tràn xuống mặt nước; làm thế nào để giữ nguyên trạng cây mà không lấn mặt hồ?

Tại tọa đàm, chúng tôi đã đề xuất đẩy nhanh tiến độ thi công 1.300 khối block kè đã đảm bảo các yêu cầu kỹ thật, an toàn, giải pháp môi sinh… Cần để  lại 100 khối block bao quanh 22 gốc cây, và hãy giao việc khó này cho các nghệ sĩ, nghệ nhân, kiến trúc sư, kỹ sư, người trồng cây, xúc đất tình nguyện Hà Nội. Họ sẽ dâng tặng cho Hồ Gươm – Hà Nội toàn bộ 22 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt bảo vệ cây Hồ Gươm. Các tác phẩm từ "công trình tập thể" khi hoàn thành chắc hẳn sẽ đáp ứng những yêu cầu kỹ/mỹ thuật khắt khe nhất, với chi phí tối ưu nhất, thỏa mãn tối đa những yêu cầu đặt ra.

Kè Hồ Gươm, việc này thật khó nhưng cũng là cơ hội cho những sáng tạo thông minh nhất của cộng đồng bà con yêu quý Hà nội và sáng kiến ấy sẽ mang tên “Hà Nội Xanh 2020”./.

Theo Trần Minh Ngọc/Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Kè Hồ Gươm bằng khối hộp bê tông Xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất